Từ một nhà cung ứng bê tông và huỷ niêm yết cổ phiếu, Xuân Mai Corp chuyển hướng đầu tư sang bất động sản ở Hà Nội và bắt đầu tấn công thị trường TP. HCM.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) đã chính thức hiện diện tại TP. HCM bằng lễ động thổ thi công dự án Eco Green Sài Gòn vào ngày 28/1/2018 tại phường Tân Thuận, Quận 7, TP. HCM.
Trong quá khứ, dự án bị bỏ hoang nhiều năm mang tên Diamond City của Công ty TNHH Hoàn Cầu và được dùng để gán nợ cho Sacombank. Dự án mới sẽ được xây dựng trên quy mô 14ha, bao gồm 6 block cao 35 tầng và cung cấp khoảng 4.000 căn hộ ra thị trường.
Trước Eco Green Sài Gòn, trong khoảng 4 năm qua, Xuân Mai đã thực hiện nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội như Eco Green City, Xuân Mai Complex, Xuân Mai Sparks Tower tại Dương Nội, Hastone Tower tại Hà Đông, tòa CTA, CTB dự án Chung cư VOV Mễ Trì. Công ty này cũng mua lại toàn bộ các căn hộ của tòa tháp Hạnh Phúc thuộc dự án Hanoi Paragon ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Xuân Mai Corp đang tấn công khá mạnh vào thị trường bất động sản với xu hướng đi mua lại các dự án như Diamond City. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng rất có thể trong thời gian tới, doanh thu từ bất động sản sẽ vượt qua mảng xây dựng truyền thống của Xuân Mai.
Việc dồn sức vào lĩnh vực bất động sản được thể hiện qua việc chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (hàng tồn kho) tăng mạnh, đạt giá trị hơn 1.345 tỷ đồng (chiếm 34% tổng tài sản).
Đây là một lý do chính dẫn đến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2017 của công ty âm tới 224 tỷ đồng. Dù tập trung vào lĩnh vực mới, doanh thu chính của Xuân Mai vẫn chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng.
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 cho biết, doanh thu xây lắp đạt gần 445 tỷ đồng (chiếm 43%) và doanh thu từ bất động sản là 324 tỷ đồng (chiếm 31%). Tuy nhiên doanh thu xây lắp đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tất cả hoạt động của Xuân Mai Corp lúc này được tài trợ bởi vốn vay và hiện tại, BIDV cùng LienVietPostBank là 2 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất đối với công ty.
Câu chuyện của Xuân Mai Corp, từ lúc sa cơ lỡ vận đến ngày trở lại, cũng gắn liền với ông Nguyễn Đức Cử, Phó chủ tịch HĐQT của LienvietPostBank.
Xuân Mai Corp vốn không phải là cái tên xa lạ trên thị trường bất động sản cũng như trên thị trường chứng khoán. Hơn 11 năm trước, khi đang là thành viên của Tổng công ty Vinaconex và là gương mặt hàng đầu trong ngành xây dựng với tên cũ là CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, công ty đã niêm yết sàn chứng khoán với mã cổ phiếu XMC.
Vị thế của Xuân Mai Corp khi đó tạo điều kiện cổ phiếu này gây ra nhiều con sóng lớn và từng có giá 50.000 đồng/cp. Trong lĩnh vực bất động sản, Xuân Mai Corp là đơn vị đầu tiên bán sản phẩm căn hộ thu nhập thấp có giá khoảng 600 triệu đồng/căn tại Hà Nội. Các dự án gắn liền với thương hiệu Xuân Mai là dự án CT1 Ngô Thì Nhậm – Hà Đông, Kiến Hưng, Xuân Mai Tower…
Từ năm 2012, khi thị trường bất động sản suy thoái, Xuân Mai Corp cũng rơi vào khủng hoảng. Công ty bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn và lỗ lũy kế hơn 88 tỷ đồng vào cuối năm 2013.
Trong thông báo mới nhất, Xuân Mai Corp có kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.
Cổ phiếu XMC lao dốc và cuối cùng kết thúc bằng việc hủy niêm yết và rời sàn chứng khoán. Bốn năm sau, tại Đại hội cổ đông thường niên 2016, Xuân Mai tuyên bố, sau khi vốn chủ sở hữu đạt 1.000 tỷ đồng và đủ mạnh, công ty sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trở lại trên thị trường chứng khoán.
Lúc đó, giới đầu tư có dịp nhìn lại ngôi sao một thời và nhận thấy công ty đã lột xác hoàn toàn với “ông chủ” mới là ông Nguyễn Đức Cử. Dù không trực tiếp xuất hiện trong danh sách cổ đông nhưng hiện tại nhưng ông Cử được giới thiệu là “cổ đông lớn” của công ty trong sự kiện kỷ niệm 34 năm của Xuân Mai tháng 11/2017.
Cổ đông lớn nhất của Xuân Mai Corp là CTCP Đầu tư và Xây dựng Ngọc Mai nắm 55% là đơn vị đã mua lại cổ phần từ công ty TNHH Khải Hưng – một công ty do ông Cử làm giám đốc.
Theo: Nhà đầu tư