Huy động vốn đầu tư tư nhân để làm giảm áp lực ngân sách nhà nước, tuy nhiên, không có nghĩa là nguồn vốn hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng mà vốn của nhà đầu tư tự có và họ có thể huy động vốn từ trái phiếu công trình…
Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu ngày 12/10/2020, bên mời thầu đã tổ chức đóng/mở thầu theo đúng quy định. Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; riêng đối với dự án thành phần đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Như vậy, trong tổng số 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, gồm các đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo; một dự án thành phần đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
VÌ SAO ĐOẠN NGHI SƠN – DIỄN CHÂU Ế ẨM?
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Ban quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, về phương án tài chính, tính khả thi của dự án Nghi Sơn – Diễn Châu tương tự như 4 dự án khác. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vượt qua vòng sơ tuyển cũng đáp ứng được đúng tiêu chí bên mời thầu đưa ra. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán tín dụng với các ngân hàng trong nước có thể các ngân hàng không mặn mà với việc giải ngân vốn tín dụng cho các dự án này nên doanh nghiệp không nộp hồ sơ dự thầu.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 25 của Chính phủ, Bộ quyết định huỷ thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư.
Đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, tài chính, các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,… sẽ được xác định cố định.
Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, Bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020 nếu không phát sinh tình huống đấu thầu phức tạp.
Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, ngay cả khi 4 dự án tìm được nhà đầu tư nộp hồ sơ thầu thì cũng chưa chắc chọn được nhà đầu tư cho dự án bởi vốn tín dụng cho các dự án này đang ách tắc, khó khăn.
NGÂN HÀNG KHÔNG MẶN MÀ CHO VAY
Vụ trưởng PPP (Bộ Giao thông Vận tải) Lê Kim Thành cho biết, theo hồ sơ mời thầu, tổng vốn đầu tư năm dự án khoảng 39.530 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia hơn 20.000 tỷ đồng chiếm khoảng 51%; vốn nhà đầu tư huy động 19.394 tỷ đồng, chiếm khoảng 49%, bao gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% khoảng 3.879 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng khoảng 15.515 tỷ đồng. Tính trung bình khoảng 3.100 tỷ đồng một dự án, đây là một thách thức rất lớn với nhà đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Các dự án PPP giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài,… nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng.
Thực tế hơn hai năm qua, đã nảy sinh nhiều vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay,… gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Đó là chưa kể đến việc hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30/6/2020, có 56/116 dự án BOT đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính tại hợp đồng dự án, với dư nợ 71.970 tỷ đồng; có 30/116 dự án có khả năng phải cơ cấu nợ chuyển nhóm nợ xấu với dư nợ 28.166 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu tăng cao, hiện đã chiếm 5,7% dư nợ.
HUY ĐỘNG VỐN TRÁI PHIẾU ĐƯỢC KHÔNG?
Huy động vốn đầu tư tư nhân để làm giảm áp lực ngân sách nhà nước, tuy nhiên, không có nghĩa là nguồn vốn hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng mà vốn của nhà đầu tư tự có và họ có thể huy động vốn từ nhà đầu tư khác ví dụ như trái phiếu công trình.
Điều 78, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nêu rõ: Doanh nghiệp dự án PPP được phát hành, mua lại trái phiếu riêng lẻ do mình đã phát hành theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán để huy động vốn thực hiện dự án PPP; không được phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ.
Mục đích của việc phát hành trái phiếu là nhằm huy động vốn cho hoạt động đầu tư khi doanh nghiệp dự án không vay được vốn tín dụng của các ngân hàng và/hoặc dự án không nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Quy định mở đường cho doanh nghiệp như vậy nhưng muốn huy động trái phiếu thì doanh nghiệp phải được làm chủ dự án rồi, tức là trúng thầu rồi. Trong khi đó, hồ sơ sơ tuyển của doanh nghiệp muốn được trúng thầu cần phải có cam kết tín dụng từ ngân hàng.
“Luật PPP doanh nghiệp dự án có quyền huy động trái phiếu nhưng đấu thầu dự án PPP còn nhiều tồn tại, bản thân phương án của nhà đầu tư không có cam kết tín dụng, không khả thi thì lại không được trúng thầu nên quay về bài toàn con gà có trước hay quả trứng có trước?”, TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, nói.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đặc biệt cho hạ tầng giao thông, trước khi chuyển sang hình thức đầu tư công phải xét đến nhiều phương án huy động vốn khác nhau. Nhiều chuyên gia đồng tình khi cho rằng hồ sơ mời thầu có thể linh hoạt hơn cho doanh nghiệp, sau khi doanh nghiệp trúng thầu phát hành trái phiếu để huy động được vốn thực hiện dự án PPP.
Nếu làm được như vậy, nhà đầu tư dự án không bị áp lực bỏ nhiều vốn, mà có động lực cùng Nhà nước xây dựng, thiết kế dự án thật hấp dẫn để thu hút vốn tư nhân dưới dạng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ đầu tư…
Luật Đầu tư theo phương thức công tư cũng nêu rõ: Vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích thực hiện dự án theo hợp đồng dự án PPP hoặc cho việc cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp… Doanh nghiệp dự án PPP phải mở tài khoản phong tỏa để nhận tiền mua trái phiếu. Việc giải ngân vốn từ phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, huy động vốn từ trái phiếu phải đáp ứng yêu cầu mới của Nghị định 81/2020/NĐ-CP để đảm bảo hiệu quả, lành mạnh, an toàn cho nhà đầu tư.
Nguồn dẫn: Thời báo Kinh tế Việt Nam
Link bài gốc: https://vneconomy.vn/von-cho-5-du-an-ppp-cao-toc-bac-nam-huy-dong-trai-phieu-co-kha-thi-20201015105845732.htm