Sáng 18-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc sau 4 ngày làm việc. Đại hội đã thông qua nghị quyết trong 5 năm tới và ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu khi nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Nên, tân Bí thư Thành Ủy TPHCM xin hứa sẽ cùng Ban chấp hành khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục công cuộc đổi mới, quyết tâm vượt qua khó khăn; kiên quyết tháo gỡ những khó khăn tồn tại để đưa TPHCM phát triển xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Chia sẻ với báo chí sau khi được bầu làm Bí thư Thành Ủy TPHCM ông Nguyễn Văn Nên nói: “Tôi cảm thấy lo vì công việc trước mắt rất đồ sộ với nhiều công việc rất quan trọng, trong đó có trách nhiệm đưa đầu tàu kinh tế đi lên. Tuy nhiên, có điều kiện thuận lợi là phương hướng 5 năm tới đã được đại hội quyết. Tôi sẽ biến cái lo thành hành động cụ thể để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống hiệu quả nhất”.
Trong phiên bế mạc, đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI. Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể và 26 chỉ tiêu; 4 chương trình phát triển TPHCM.
Bốn chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến 2030 gồm:
– Chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM, bao gồm 14 Đề án thành phần.
– Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM, bao gồm 13 Đề án, Chương trình thành phần.
– Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM, bao gồm 11 Đề án, Chương trình thành phần.
– Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM, bao gồm 13 Đề án, Chương trình thành phần.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 đô la Mỹ.
Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 đô la, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 đô la, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
26 chỉ tiêu phát triển nhiệm kỳ 2020 – 2025 được Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI thông qua
1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%.
2. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TPHCM.3. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD/người.
4. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.5. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 – 50%.
6. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP.7. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
8. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.
9. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
10. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM.11. Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân.
12. Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học.13. Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (hướng tới năm 2030: 1,6 con/phụ nữ).
14. Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch.15. Tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%.
16. Đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới năm 2030: 100%).17. Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5km/km2.
18. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.19. Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người (hướng tới năm 2030 không dưới 1 m2/người).
20. Phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).21. Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.
22. Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng so với nhiệm kỳ trước.23. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5 %.
24. 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương (theo Quy định số 08 ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).
25. Kiểm tra, giám sát đối với 100% tổ chức đảng, đảng viên về việc thực hiện các thông báo, kết luận sau kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.
26. 100% các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy có chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tương đương với cải cách hành chính và chính quyền số ở TPHCM.
Nguồn dẫn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/309576/tphcm-thong-qua-bon-chuong-trinh-phat-trien-den-nam-2025.html