Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc. Quy trình đưa huyện đảo Phú Quốc lên thành phố tiến thêm một bước nữa, với thông tin này bất động sản đảo ngọc cũng bắt đầu một cuộc “chạy đua” thu hút đầu tư mới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình, đề án của Chính phủ và các văn bản liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây được xem là thông tin tốt để các nhà đầu tư tiếp tục trở lại tìm kiếm cơ hội với bất động sản ở đảo ngọc.
Thanh lập thành phố Phú Quốc dựa trên nhu cầu phát triển
Tờ trình cho rằng việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phú Quốc đang từng bước trở thành 1 thành phố đảo với chức năng chính là trung tâm du lịch – thương mại – công nghệ cao. Việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang phù hợp với quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế địa chính trị, địa kinh tế của huyện Phú Quốc.
Tròn một tháng sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết Bộ Nội vụ đã có tờ trình trình Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố này.
Bộ Nội vụ cũng nêu những nổi bật và điều kiện thuận lợi vốn có của địa phương để thành lập thành phố Phú Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đầu tháng 10, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố.
“Việc thành lập thành phố Phú Quốc là cần thiết, nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Song song với đó là tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch theo định hướng của Chính phủ và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam…”, tờ trình Chính phủ nêu rõ quan điểm.
Chính phủ cũng đề xuất thành lập hai phường gồm phường Dương Đông và phường An Thới trên cơ sở nhập xã Hòn Thơm và thị trấn An Thới.
Theo đề án, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 575,29km2, quy mô dân số là 177.540 người (giảm về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Thổ Châu) với 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn); giảm xã Hòn Thơm do nhập vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới.
Phân khu đô thị Dương Đông rộng 2.518ha được xác định là đô thị trung tâm của đảo Phú Quốc. Dự kiến đến năm 2030, đô thị Dương Đông sẽ có dân số 240.000 người, trong đó dân di cư từ đất liền ra khoảng 183.000 người, khách du lịch lưu trú khoảng 12.000 người.
Phân khu đô thị An Thới rộng 1.022ha được định hướng trở thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật và trung tâm tiếp vận phi thuế quan, đồng thời là trung tâm thương mại, du lịch. Ngoài ra, phân khu đô thị An Thới còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Dự báo đến năm 2030, đô thị An Thới sẽ có trên 70 ngàn dân.
Nhiều dự án ngàn tỉ đang tìm nhà đầu tư
Theo các chuyên gia bất động sản, hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt nên du lịch sẽ là một trong những ngành phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh được khống chế. Cộng hưởng với thông tin thành phố Phú Quốc đang được trình để thành lập thì bất động sản ở đây cũng rục rịch chạy đua tìm nhà đầu tư.
UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện có 304 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc với nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt 361.054 tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư trên địa bàn có 215 dự án phát triển du lịch, 23 dự án phát triển đô thị, 8 dự án nông nghiệp, 8 dự án dịch vụ công cộng và 8 dự án thuê môi trường rừng.
Trong khi đó, thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang cho thấy, Phú Quốc hiện có hơn 12.000 phòng lưu trú và nhiều dự án cao cấp đang được triển khai để đáp ứng nhu cầu của du ngày càng tăng. Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 7 vừa qua, đã có 18 nhà đầu tư mới với 20 dự án có tổng số vốn 43.385 tỉ đồng vừa được UBND tỉnh này trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Sang tháng 8, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tiếp tục công bố danh mục 3 dự án kêu gọi đầu tư bổ sung trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang năm 2019, với tổng vốn đầu tư hơn 4.850 tỉ đồng.
Theo đó, dự án đầu tiên trong Danh mục là Khu biệt thự cao cấp Bắc An Thới tại khu phố 4, thị trấn An Thới, diện tích sử dụng đất 52,47 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.410 tỉ đồng. Mật độ xây dựng trung bình 30 – 35%.
Dự án thứ hai là Khu biệt thự, thương mại, dịch vụ tại Khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, diện tích sử dụng đất khoảng 11,24 ha, vốn đầu tư dự kiến 1.067,8 tỉ đồng. Mật độ xây dựng 20 – 25%.
Cùng với đó là một dự án về môi trường là Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, với quy mô công suất xử lý trên 350 tấn rác/ngày, diện tích sử dụng đất 14,9ha, vốn đầu tư dự kiến 372,5 tỉ đồng.
Mới đây, thông tin từ Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM (HREC) cho biết, nhiều dự án ven biển khu vực Bãi Trường ở Phú Quốc đã có QĐ 1/500 cần tìm nhà hợp tác đầu tư. Theo đó từng nhóm đầu tư đã được thành lập để tìm kiếm những dự án đã hoàn thành quy hoạch chi tiết trước đó để đầu tư. Hiện tại quỹ đất ven biển ở Phú Quốc không còn nhiều nên việc tìm kiếm dự án đầu tư đón đầu thông tin huyện đảo lên thành phố trong thời gian tới.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, điểm sáng trong thị trường bất đọng sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm là giai đoạn cuối tháng 9-2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các Dự án Du lịch nghỉ dưỡng với hàng loạt dự án dược khởi động hay kêu gọi nhà đầu tư.
Về phía người mua, các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội mua cho những nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính, bởi không lúc nào tốt hơn để tiếp cận nguồn cung dồi dào với giá bán hấp dẫn, nhất là thị trường nghỉ dưỡng, như thời điểm này. Trong đó, Phú Quốc mới được hỗ trợ thêm thông tin lạc quan từ tiến trình lên thành phố sẽ mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc đặt niềm tin cho tương lai cũng cần nhìn nhận những “điểm yếu, điểm nghẽn” đang cản trở và dự báo các thách thức khi đảo tăng tốc. Quy hoạch tốt là rất cần để làm công cụ quản lý tốt; những hạn chế trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai trên đảo thời gian qua, bộ mặt đô thị, hệ lụy về môi trường, xử lý rác thải, nước thải… cần phải được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, thách thức còn vượt ra ngoài phạm vi đảo, đó là các vấn đề pháp lý, cơ chế vận hành một thành phố đảo đầu tiên của cả nước. Pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền “Thành phố biển đảo”.
Nguồn dẫn: V. Dũng/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/309590/bat-dong-san-phu-quoc-chay-dua-voi-tien-trinh-len-thanh-pho.html