TP.HCM đang kỳ vọng xây dựng quận Thủ Đức trở thành TP. Thủ Đức. Tuy nhiên, theo bà khó khăn lớn nhất khi Thủ Đức lên thành phố là gì?
Bà Nguyễn Hương: Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển TP. Thủ Đức trong tương lai là hạ tầng giao thông, không chỉ Thủ Đức mà bao gồm cả khu Đông TP.HCM. Bởi vì, từ trước đến nay khu Đông đã nhận được sự quan tâm, chú trọng của chính quyền, nhưng việc xây dựng và hình thành đang chậm so với tốc độ phát triển đề ra, dẫn đến việc hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông vẫn còn là điểm nghẽn tại những khu vực này.
Do đó, cần đi trước một bước, triển khai phát triển hệ thống giao thông để tạo động lực cho các khu đô thị mới, các khu quy hoạch sau này nhằm thu hút nhà đầu tư vào. Đây là yếu tố bắt buộc, hạ tầng giao thông phải đi trước hoặc đi song hành, chứ không thể khi các khu dân cư, các khu quy hoạch được hình thành phát triển mà hạ tầng giao thông vẫn chưa có, dẫn đến việc di chuyển không thuận lợi sẽ khó có thể thu hút cư dân sinh sống, doanh nghiệp đầu tư vào.
Lấy ví dụ như bài toán thu hút cư dân, nhà đầu tư vào những khu dân cư mới, khu trung tâm quận 9, khu công nghệ cao… thì có thể làm được, nhưng khi hình thành các cụm dân cư ở xung quanh những khu vực này thì yếu tố hạ tầng là vấn đề cần giải quyết.
Bởi, tại quận 9 việc đầu tư hạ tầng vẫn còn rất manh mún, hiện trạng thực tế vẫn không đi kịp tốc độ phát triển đô thị hóa của khu vực này.
Tương tự, tại quận Thủ Đức, ngay cửa ngõ Quốc lộ 13, đây là một trong những cửa ngõ huyết mạch trọng yếu của thành phố kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, các khu vực Đông Nam. Tuy nhiên, chỉ với đoạn khoảng 3km từ cầu Bình Triệu đến cầu Bình
Lợi, thời gian qua vẫn chưa thể giải quyết được điểm “nghẽn cổ chai” này, tạo ra một nút thắt cho sự phát triển không chỉ ở khu Đông mà còn ảnh hưởng đến việc liên kết vùng từ TP.HCM đi các tỉnh xung quanh.
Theo quy hoạch của thành phố, đã có tầm nhìn từ 2030 đến 2050 với những phương án cụ thể, tuy nhiên, việc triển khai vẫn đang rất chậm so với các tỉnh thành phía Bắc, do đó việc ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho khu Đông cũng là một việc cần được chú trọng.
Một điểm nghẽn khác nằm ở quá trình thực hiện, trước tiên cần đánh giá được vị thế, các tiềm năng của khu Đông. Câu chuyện cần nhắc đến đó là việc khơi thông để thu hút nguồn lực, từ các nhà đầu tư bất động sản lớn đổ vào khu Đông. Thực tế, đa số các chủ đầu tư lớn đều đã có mặt tại khu vực này nhưng làm sao để có sự liên kết giữa các chủ đầu tư với nhau, cùng nhau phát triển đồng bộ trên những chiến lược, kế hoạch mà thành phố đưa ra thì đây vẫn là một bài toán.
TP. Thủ Đức khi được hình thành sẽ là “thành phố nằm trong thành phố”. Theo bà, việc vận hành TP. Thủ Đức nên thực hiện như thế nào?
Bà Nguyễn Hương: Về vấn đề này ở góc độ là một người dân, doanh nghiệp sẽ ít quan tâm đến quy mô lớn, nhỏ như thế nào. Mà chủ yếu tập trung vào câu chuyện thực hiện làm sao cho đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thuận tiện hơn, đáp ứng được tất cả các nhu cầu chứ không phải đi lùi khi hình thành nên một thành phố mới.
Bài toán đưa ra ở đây là những mục tiêu mà TP. Thủ Đức cần hướng tới. Mục tiêu càng rõ ràng, cụ thể thì việc triển khai, thực hiện sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Ở góc độ người dân, doanh nghiệp hay nhà đầu tư, chỉ mong muốn một điều khi hợp nhất 3 quận của khu Đông thành phố thì mục tiêu vẫn là giúp cho khu vực này phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư giúp thành phố phát triển tốt hơn.
Do đó, tất cả mọi phương án đưa ra nên hướng đến tiêu chí thành lập TP. Thủ Đức làm mục tiêu phát triển hiệu quả, tạo động lực cho tất cả mọi mặt từ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thu hút nguồn nhân lực, thu hút nhà đầu tư, đi cùng với đó là câu chuyện cải cách hành chính, thể chế chính sách, có những cơ chế đặc thù riêng tạo ra sự cộng hưởng về các mặt nguồn lực để phát triển.
Theo bà, tiến độ thi công TP. Thủ Đức sẽ như thế nào, đến khi nào thì TP. Thủ Đức sẽ có hình hài cụ thể?
Bà Nguyễn Hương: Đối với việc thực hiện này ta có thể nhìn nhận từ những nước bên ngoài cũng đã và đang thực hiện, chẳng hạn như ở Hàn Quốc, mô hình để phát triển một thành phố, một trung tâm mới với tên gọi là Songdo cách Seoul khoảng tầm 40km, để đầu tư vào đây cần khoảng 40 tỷ USD và thời gian thực hiện trong vòng 10 năm mới có thể hình thành và phát triển.
Từ đó, đưa ra những dự kiến về lộ trình, về ngân sách theo từng giai đoạn để thực hiện TP. Thủ Đức trong tương lai là bao nhiêu… Với quan điểm của tôi, lộ trình hình thành và phát triển một thành phố tầm 10 năm là phù hợp, không nên lâu quá. Bởi hiện tại khu Đông của TP.HCM đã có những nền tảng nhất định, cơ sở hạ tầng đã cơ bản hiện hữu. Ta có thể đưa ra lộ trình thứ nhất là 5 năm để thu hút vốn đầu tư, song song với đó là xây dựng cơ sở hạ tầng và 5 năm tiếp theo là tập trung phát triển bền vững, hoàn
thiện các hệ thống (cơ chế chính sách, tiện ích…). Như vậy, sau 10 năm thành phố mới đã có thể tự vận động và tự hoàn thiện để phát triển.
Giới chuyên gia cho rằng, TP.HCM hiện đang khó khăn về tài chính, vậy thành phố có nên huy động vốn doanh nghiệp để cùng phát triển TP. Thủ Đức hay không và nếu thực hiện nên thực hiện như thế nào?
Bà Nguyễn Hương: Thực ra để xây dựng TP. Thủ Đức trong tương lai thì nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cực lớn và đến từ mọi mặt như ngân sách nhà nước, nguồn vốn doanh nghiệp, các nhà đầu tư…, nhưng vấn đề ở đây là thể chế, cơ chế chính sách có đủ để tạo động lực thu hút nguồn lực hay không, theo quan điểm của tôi hoàn toàn có thề làm được và cũng không ảnh hưởng đến các chính sách nhà nước nhiều. Bởi việc doanh nghiệp đồng hành cùng phát triển đất nước là điều đúng đắn.
Tuy nhiên, việc quan trọng là làm sao để thu hút, tạo động lực cơ chế chính sách như thế nào để khơi thông những nguồn vốn này và đưa vào quá trình phát triển khu Đông thành phố một cách hiệu quả. Đây cũng là một bài toán cần phải giải mà trọng trách lớn nhất thuộc về
chính quyền thành phố. Một thực tế có thể thấy đó là việc xây dựng phát triển ở nhiều địa phương tại Việt Nam có thể kể đến như Đà Nẵng hay Bình Dương. Từ xưa, đây là những khu vực phát triển khá chậm nhưng khi chính quyền có những cơ chế chính sách phù hợp thu hút được đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, những dự án lớn thì rõ ràng đã có sự thay đổi hiệu quả.
Tương tự ở Bình Dương trước đây cũng là một trong những khu vực thuộc vùng phụ cận của TP.HCM, nhưng thời gian gần đây chính quyền Bình Dương rất quyết liệt trong việc quy hoạch từng địa bàn, mở các khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư… nên diện mạo hiện tại đã có sự khác hẳn so với trước đây.
Kỳ vọng của doanh nghiệp địa ốc ở TP. Thủ Đức trong tương lai là gì thưa bà?
Bà Nguyễn Hương: Đây là một điểm sáng trong thời điểm này, bởi việc hình thành TP. Thủ Đức sẽ tạo ra một niềm tin, cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp đối với sự hình thành và phát triển của thành phố này trong tương lai. Đồng thời, tạo tâm lý cho các doanh nghiệp đặc biệt là bất động sản sẽ tốt hơn, từ đó quan tâm nhiều hơn đến những cơ hội đầu tư vào khu vực này từ trung hạn đến dài hạn.
Nhưng vấn đề cần nhắc lại vẫn là việc thực thi kế hoạch có đúng với sự mong muốn ban đầu, đây là một câu chuyện dài cần sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, từ các phân kỳ phát triển cụ thể, cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư để biến chiến lược TP. Thủ Đức thành hiện thực.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà Đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/xay-dung-tp-thu-duc-can-ban-tay-cua-doanh-nghiep-d44063.html