Đã ghi nhận những con số đẹp đóng góp cho nền kinh tế từ các khu kinh tế ven biển. Thế nhưng, những mảng màu xám cũng đã hiện rõ và rõ ràng, điều này cần phải thay đổi.
Soi bảng thành tích
Giấc mơ tới năm 2020 khu kinh tế ven biển giữ vai trò chủ đạo cho mục tiêu kinh tế trên biển và ven biển của Việt Nam đóng góp 53-55% GDP cả nước đang có thêm nhiều động lực. Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc sắp chính thức trở thành những đặc khu kinh tế của Việt Nam, đi kèm là những chính sách, ưu đãi đặc thù nhằm hướng tới mức thu nhập bình quân đầu người/đặc khu là 10.000USD.
Các khu kinh tế ven biển còn lại sẽ được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 vừa được phê duyệt. Theo đó, hơn 20.982 tỉ đồng vốn, trong đó phần lớn là vốn ngân sách được tính toán đầu tư vào nhiều mục tiêu, trong đó có việc hoàn thành từ 200-250km đường giao thông chính, xử lý nước thải tập trung với công suất từ 13.000-14.000m3/ngày đêm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu tái định cư với tổng diện tích từ 150-200ha của 16 khu kinh tế ven biển.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết hoạt động của khu kinh tế ven biển nửa đầu năm 2017, nhu cầu đầu tư phát triển của các khu này là rất lớn. Nhiều khu như hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng theo quy hoạch và thu hút đầu tư.
Càng có lý do để ủng hộ những ưu đãi này bởi theo báo cáo, lũy kế đến tháng 12.2016, các khu kinh tế ven biển thu hút được 354 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42 tỉ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 20,2 tỉ USD (bằng 48,1% tổng vốn đầu tư đăng ký) và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805.200 tỉ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 347.900 tỉ đồng (bằng 43,2% vốn đầu tư đăng ký), giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.
Trong năm 2016, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỉ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỉ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng. Đặc biệt, chiếc bánh sẽ không chia đều mà tập trung chủ yếu cho 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm có các dự án quy mô lớn đang và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Tính toán có vẻ như rất hợp tình, hợp lý.
Thế nhưng, nếu cố nhìn vào những con số thật sau ánh hào quang, niềm vui chắc chắn sẽ bị vơi đi quá nửa. Câu hỏi đầu tiên là Việt Nam đã đầu tư như thế nào cho các khu kinh tế ven biển nói trên? Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2010, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các khu kinh tế lên đến gần 170.000 tỉ đồng. Sau 7 năm, con số chắc chắn còn lớn hơn nhiều bởi hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế ven biển thuộc phần… ngân sách nhà nước.
Kịch bản tương tự việc trải thảm đỏ đầu tư nước ngoài càng rõ ràng hơn khi những dự án lớn được điểm danh tại các khu kinh tế ven biển phần nhiều là các nhà máy lọc dầu, nhà máy cơ khí nặng Doosan, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện thép với ngọn cờ đầu đóng góp trong thành tích tăng trưởng GDP quý I/2018 là Formosa… Sự trùng lặp định hướng đầu tư giữa các khu kinh tế ven biển không chỉ dẫn đến cuộc chạy đua thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng ưu đãi mà còn hiện thực hóa các nỗi lo của giới chuyên gia đặt nhiều tâm huyết với kinh tế nước nhà. Khó có thể phủ nhận, chúng ta vẫn đi tiếp trên lối mòn tiếp nhận công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro với môi trường.
Với những ưu đãi về thuế cho các khu kinh tế ven biển, ngay cả khoản đóng góp 30.000 tỉ đồng lại ngân sách nhà nước trong năm 2016 cũng cần xem xét và mổ xẻ kỹ hơn. Khi các doanh nghiệp đầu tư tại đây đều được mức giảm ấn tượng về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân…, hoàn toàn có thể đặt nghi vấn rằng, một phần không nhỏ trong con số 30.000 tỉ đồng là thuế gián thu, thực chất là phần người tiêu dùng ủy thác doanh nghiệp đóng hộ. Vậy thì người Việt cũng chẳng được hưởng lợi nhiều từ các khu kinh tế ven biển này, trong khi sự cố môi trường Formosa, ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện… vẫn còn gây nhiều ám ảnh?
Đột phá ở đâu?
Không có gì ngạc nhiên, việc nâng cao hiệu quả của các khu kinh tế ven biển đã được đặt ra từ những năm 2010. Đáp án được nhiều vị chuyên gia kinh tế đưa ra là phải đột phá về mặt tư duy. Theo đó, phải dám nhìn thẳng vào những bất hợp lý trong việc phát triển khu kinh tế ven biển, từ đó tìm ra hướng đột phá, cùng những chiến lược cụ thể. Chỉ tiếc là chưa có được sự thống nhất đâu là điểm đột phá, dẫn đến khu kinh tế ven biển vẫn phát triển theo đường hướng bị đánh giá ồ ạt, cục bộ địa phương, gây lãng phí nguồn lực như cả chục năm về trước.
Một đề xuất cũng cần lưu ý để tìm được điểm đột phá nói trên đến từ Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế. Trao đổi với NCĐT, vị chuyên gia đưa ra 3 tham số cần phải đồng thời đặt lên bàn để cân nhắc: ưu thế vùng, mục tiêu quốc gia và bài toán tối ưu hóa.
Theo đó, dựa trên ưu thế của từng khu kinh tế ven biển, mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới để xác định được ngành đầu tư ưu tiên. Mục tiêu đặt ra là ngành đầu tư phải có triển vọng, kết nối, lan tỏa với kinh tế trong nước và thế giới. Trên cơ sở đó, tổ chức kết nối logistics của khu kinh tế ven biển với trung tâm kinh tế ở các tỉnh, các cảng biển.
“Chủ trương đầu tư cho khu kinh tế biển là cần thiết nhưng phải tính bài bản, chứ không nên đầu tư tràn lan, nửa vời. Kết nối phải theo hướng tối ưu hóa, không chỉ như quan niệm hiện tại là kết nối đường cao tốc mà bỏ quên hệ thống đường sắt… Mọi tính toán đầu tư đều phải dựa trên quan điểm làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế chung”, Giáo sư Đặng Đình Đào lưu ý.
Còn rất nhiều việc cần phải làm nhưng có vẻ như đây là con đường chúng ta nên cân nhắc lựa chọn. Bởi lẽ, với những con số bày ra trước mắt, những khoản đầu tư rất lớn trong tương lai cho các khu kinh tế ven biển đang không đến được với doanh nghiệp Việt mà chủ yếu về tay các doanh nghiệp FDI. Không phủ nhận, khối doanh nghiệp này đã đóng góp rất tích cực cho tăng trưởng GDP nhưng khi đất nước còn nghèo, không nên trả một cái giá quá đắt chỉ để có được một con số đẹp.
Theo: Hoàng Hải/ NCĐT