Theo kế hoạch của dự án, năm 2021 bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tháng 3/2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đưa vào hoạt động năm 2025.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1445/TTgTTg-CN về thẩm quyền phê duyệt Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và yêu cầu UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cử đại diện TP.HCM là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư Dự án, triển khai các trình tự thủ tục phê duyệt dự án theo quy định hiện hành.
Được biết, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 53,5km bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TPHCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp – Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía Quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được chia thành hai phần: TP.HCM – Trảng Bàng (dài 33km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h) và Trảng Bàng – Mộc Bài (dài 20,5km, 4 làn xe, tốc độ 80km/h). Ở giai đoạn hai sẽ làm 6 – 8 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.614 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.117 tỷ đồng (TP HCM cần 4.130 tỷ đồng, Tây Ninh cần 987 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, năm 2021 bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tháng 3/2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2011 – 2025 tập trung triển khai dự án. Năm 2025 khánh thành, đưa vào hoạt động.
Hiện Quốc lộ 22 là tuyến đường duy nhất kết nối TP.HCM – Mộc Bài nên luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt cản trợ việc lưu thông tới cửa khẩu với nước láng giềng Campuchia. Việc xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ làm giảm áp lực cho tuyến đường này, giúp thúc đẩy phát triển khu vực.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các địa phương có đường đi qua, mà còn có ý nghĩa rất lớn kết nối vùng. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với đường vành đai 3, 4 và đường Hồ Chí Minh nên phương tiện từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên sẽ dễ dàng tới cửa khẩu, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với nước bạn và cả khu vực ASEAN.