Cảng biển Long An tạo ra thế cạnh tranh mới trong hệ thống cảng biển việt nam.
Long An đang trở thành một thế lực mới về hạ tầng cảng biển khi mới đây, chủ đầu tư Đồng Tâm Group khai trương giai đoạn 1 Cảng Quốc tế Long An. Dự án này có tổng quy mô 147 ha, với tổng số vốn gần 10.000 tỉ đồng, khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT.
Vị trí tốt
Xét về vị trí, Cảng Long An khá đắc địa khi nằm ở hạ nguồn sông Soài Rạp, cách biển Đông không xa. Cảng này dự kiến sẽ còn hưởng lợi một khi cao tốc Bến lức – Long Thành hoàn thành, giúp đón nhận tốt hơn một lượng hàng hóa từ các tỉnh miền Tây. Hiện tỉnh Long An đang đầu tư xây dựng trục đường tỉnh 830 kết nối từ Cảng Quốc tế Long An đến các huyện và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, 2019 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác của Cảng Quốc tế Long An khi đón gần 1.000 con tàu trong và ngoài nước ra vào, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng. Đáng chú ý, cảng của Đồng Tâm đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT (tức vượt qua năng lực của Cảng Cát Lái khi chỉ đón nhận được tàu có tải trọng đến 40.000 DWT).
Cơ hội cho dự án còn đến từ chính sách phân luồng hàng hóa để giảm bớt áp lực cho nội đô TP.HCM. Theo quy hoạch chi tiết nhóm 5 cảng biển của Chính phủ, từ đây đến năm 2030, khu vực miền Đông Nam Bộ sẽ phân luồng điều tiết hàng hóa theo hướng phân bổ lượng hàng container xuất khẩu, nhập khẩu từ Cái Mép – Thị Vải chia sẻ cho các khu cảng Đồng Nai, Hiệp Phước, Long An thay vì tập trung mật độ quá lớn tại khu bến cảng Cát Lái như hiện nay.
Việc có thêm một cảng biển chất lượng như dự án của Đồng Tâm Group sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh tại khu vực miền Nam. Chi phí giao thương nhờ đó sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là nhóm mặt hàng nông sản khi có chi phí logistics chiếm đến 30% trong tổng chi phí hằng năm. Chất lượng hạ tầng cảng biển của Việt Nam cũng tiến lên một nấc thang mới.
Dù vậy, ý đồ của ông chủ Đồng Tâm Group có thể không chỉ nằm ở kinh doanh hạ tầng cảng biển mà còn nhắm đến các mục tiêu khác: gia tăng sức hút cho trung tâm kho vận, khu công nghiệp và khu đô thị liền kề cảng biển này. Thực tế, Cảng Quốc tế Long An là một dự án nằm trong quần thể rộng đến 1.935 ha, trong đó có Khu Công nghiệp Đông Nam Á Long An rộng 396 ha, Khu Dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An 239 ha, Khu Đô thị Đông Nam Á Long An 1.145 ha. Dự án này còn mang đến cú hích cho thị trường bất động sản nằm trên trục ven biển Đông, kéo dài từ Cần Giuộc (Long An) đến Cần Giờ (TP.HCM) và gắn kết vào khu Long Sơn, thành phố Vũng Tàu của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thách thức đón chờ
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sản lượng thông quan tại các cảng biển sẽ sớm hồi phục nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA và các hiệp định thương mại khác. Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và dịch bệnh khiến các quốc gia xem xét thay đổi địa điểm cơ sở sản xuất để tránh chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc và Việt Nam là một điểm đến triển vọng nhờ lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp.
Dù vậy, áp lực vận hành hiệu quả của Cảng Quốc tế Long An là không nhỏ. Cảng biển là mô hình kinh doanh thiên về đầu tư tài sản cố định và tiêu tốn nhiều vốn. Chưa kể, để dự án vận hành thành công, cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, trong đó đáng kể nhất là cần bắt tay với hãng tàu biển quốc tế, các thương hiệu logistics lớn, dịch vụ hải quan, tài chính – ngân hàng, cũng như gắn kết với các tuyến đường bộ trọng điểm.
Trong các năm tới, Cảng Quốc tế Long An sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt khi các đối thủ tại miền Nam cũng đẩy mạnh tốc độ đầu tư. Nổi bật trong số đó là Gemadept với siêu dự án Gemalink tại Cái Mép – Thị Vải.
Hiện Gemalink gấp rút hoàn thiện và sớm hoạt động giai đoạn 1 (công suất 1,5 triệu TEU) từ cuối năm 2020. Đây là cảng biển quy mô lớn, được thiết kế để phục vụ các tàu siêu trọng tải với khả năng tiếp nhận lên đến 200.000 DWT. Gemalink kỳ vọng là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong các năm tới nhờ hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển từ các cảng nội thành TP. HCM và nhiều cảng trong khu vực đã hoạt động gần hết công suất.
Cảng vụ Vũng Tàu đã đề xuất lên các cơ quan chức năng áp dụng thêm chính sách ưu đãi đối với tàu dưới 50.000 DWT cho khu vực Cái Mép – Thị Vải để thu hút thêm khách phân khúc này. “Trong trường hợp các ưu đãi trên được áp dụng và gia hạn sẽ là động lực thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch luồng hàng hóa từ TP.HCM về Cái Mép – Thị Vải”, KBSV nhận định.
Gemalink còn hưởng lợi từ các đề án giao thông trọng điểm liền kề như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nâng cấp quốc lộ 51. Hay như mới đây, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An (Phú Mỹ) với tổng vốn đầu tư khoảng 4.879 tỉ đồng.
Cầu Phước An sau khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giúp vận chuyển hàng hóa trong khu vực nhanh và thuận lợi hơn.
Nguồn dẫn: Sơn Nguyễn/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-702-3337742