99,99% cổ đông đồng ý
Tập đoàn Novaland vừa công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông về 5 vấn đề: niêm yết chứng khoán ở nước ngoài. Phát hành riêng lẻ cổ phần phổ thông. Thay đổi phương thức phát hành trong phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi đã được thông qua tại Nghị quyết số 07/2017-NQ-NVLG, Nghị quyết số 16/2017-NQ-NVLG, Nghị quyết số 03/2018-NQ-NVLG. Thay đổi số lượng người đại diện theo pháp luật của công ty. Sửa đổi, bộ sung điều lệ công ty.
Đại hội cổ đông uỷ quyền cho Hội đồng quản trị được quyết định loại chứng khoán cụ thể được niêm yết theo quy định của pháp luật có liên quan. Quyết định thời gian niêm yết phù hợp với điều kiện thị trường và tình hình thực tế của công ty, triển khai các công việc cần thiết có liên quan để thực hiện quá trình niêm yết này.
Ông Bùi Thành Nhơn không còn là người đại diện pháp luật duy nhất của Novaland. |
Quyết định sở giao dịch chứng khoán ở nước ngoài mà chứng khoán sẽ được niêm yết và quyết định các vấn đề phát sinh liên quan khác để thực hiện nhiệm vụ được Đại hội cổ đông đã thông qua theo Nghị quyết này.
Về việc phát hành riêng lẻ cổ phần phổ thông, Novaland sẽ phát hành dự kiến tối đa 100 triệu cổ phiếu. Giá chào bán do Hội đồng quản trị quyết định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phần phổ thông hiện hữu tại thời điểm chào bán được xác định theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán. Phương thức phát hành là chào bán riêng lẻ.
Tiêu chí lựa chọn đối tượng phát hành là các nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân trong nước và nước ngoài, có năng lực tài chính, năng lực chuyên môn và có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của công ty. Đối tượng phát hành cụ thể do hội đồng quản trị xem xét và quyết định căn cứ trên các tiêu chí này.
Mục đích của đợt phát hành là tăng vốn hoạt động cho Novaland, bổ sung vốn cho một số công ty con, công ty liên kết của công ty, mua cổ phần hoặc góp vốn ở một số công ty khác, thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ của Novaland…
Đại hội cổ đông cũng thông qua điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi. Theo đó, Novaland sẽ tăng tổng giá trị trái phiếu chuyển đổi chào bán từ 250 triệu USD lên 300 triệu USD, mức giá tối thiểu 50.000 đồng/trái phiếu.
Về người đại diện pháp luật của Novaland trước đây là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị thì nay cổ đông đồng ý bổ sung thêm bà Lương Thị Thu Hương, Giám đốc pháp lý đầu tư và ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland.
Ở vấn đề thứ 5 là thay đổi điều lệ công ty, cũng có gần 100% cổ đông đồng ý với phương án mà Novaland xin ý kiến bằng văn bản.
Phát hành hay chuyển đổi nợ?
Suốt năm 2017, Novaland không mở bán được dự án nào do vướng pháp lý mà chỉ bán hàng tồn kho với 5.000 sản phẩm. Vậy Novaland lấy gì thu hút nhà đầu tư để phát hành 100 triệu cổ phiếu và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi?
Nhìn vào hiện trạng của Novaland, doanh nghiệp này đang có khoản nợ phải trả lên tới 35.968 tỷ đồng, chiếm tới 73% tổng tài sản của tập đoàn.
Novaland chuyển đổi nợ thành cổ phần hay phát hành 100 triệu cổ phiếu và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi? |
Trong 35.968 tỷ đồng nợ phải trả của Novaland, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dại hạn lên tới gần 18.000 tỷ đồng. Điều này khiến áp lực lãi vay đè nặng lên vai Novaland. Năm 2017, chi phí trả lãi vay của Novaland đã lên tới 1.205 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày doanh nghiệp này phải chi 3,3 tỷ đồng trả lãi.
Báo cáo tài chính của Novaland trong năm 2017 cũng chỉ ra, doanh nghiệp này phải trả nợ gốc vay lên tới 14.499 tỉ đồng. Số tiền này không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà Novaland phải đi vay ngắn hạn, dài hạn 17.207 tỷ đồng rồi quay vòng dòng tiền để trả nợ.
Vấn đề thứ 3 mà Novaland đang đối mặt là quỹ đất đang bị các doanh nghiệp khác thâu tóm. Đầu năm 2017 Novaland tự tin, quỹ đất hiện có sẽ giúp Tập đoàn phát triển dự án trong 10 năm tới. Thế nhưng cuối năm, Novaland đã bị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, T&T Group thâu tóm hàng loạt lô đất. Hơn nữa, năm 2017 có gần 3.000 nhân viên của Novaland nghỉ việc.
Vậy, câu hỏi đặt ra là Novaland sẽ phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác hay là buộc phải phát hành thêm cổ phần để cấn trừ nợ.
Nguồn tin của chúng tôi cho biết, thực chất của quá trình phát hành 100 triệu cổ phiếu và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi là để chuyển nợ thành cổ phần. Cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư quốc tế đều đã đạt được đồng thuận với Novaland về vấn đề này.
Lý giải này được xem là đáng tin cậy hơn cả khi nhìn vào tình hình của Novaland hiện tại và những doanh nghiệp khác của Việt Nam đã từng tuyên bố đưa cổ phiếu niêm yết ở thị trường nước ngoài.
Cụ thể, trước Novaland đã có FLC, VJC, VNG, VNM, FPT… từng công bố kế hoạch niêm yết ở sàn chứng khoán Mỹ, Anh, Singapore nhưng đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đưa được cổ phiếu niêm yết ở thị trường nước ngoài do những khó khăn về thủ tục, tiêu chuẩn niêm yết.
Nhìn lại lịch sử phát triển của Novaland, việc chuyển nợ thành cổ phần không hẳn là chưa có tiền lệ. Điển hình là vào giữa năm 2017, Novaland đã phát hành thành công gần 33,46 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ khoản vay 60 triệu USD, tương ứng 1.367,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore.
Tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá gần 334,6 tỷ đồng. Chi phí tư vấn phát hành 500 triệu đồng. Tỷ lệ hoán đổi thực tế được tính toán theo các điều khoản của hồ sơ tín dụng đã ký kết giữa Novaland và Credit Suisse AG vào thời điểm tháng 6/2016 là 40.867 đồng/cổ phần.
Trong phiên giao dịch hôm qua 2/3, cổ phiếu NVL của Novaland giảm 1.500 đồng xuống còn 86.800 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá của Novaland ở thời điểm hiện tại là hơn 57.000 tỷ đồng.
Theo: Phụ nữ mới