Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm động lực tăng trưởng qua động thái chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam, chính các doanh nghiệp nội địa cũng không ngừng mở rộng kinh doanh.
Đây là nhận định chung của các diễn giả khi chia sẻ trong phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư phối hợp với BW Industrial tổ chức sáng nay (28/10).
Trang eurasiantimes.com mới đây có bài viết đánh giá về thành công của Việt Nam trong nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong cuộc đua trở thành “con hổ châu Á”, FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chiến lược gia Ruchir Sharma của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Mỹ và Công ty Dịch vụ tài chính Morgan Stanley nhận định đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia mới nổi.
Số liệu kinh tế gần đây của Việt Nam cho thấy xuất khẩu tăng 18%, xuất khẩu máy tính/linh kiện tăng 26% và xuất khẩu máy móc/phụ kiện tăng 63%.
Lý giải cho sự thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bài viết cho rằng chính các chính sách đầu tư thân thiện, các khu công nghiệp, nguồn cung lao động trẻ dồi dào (60% dân số) đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Việt Nam đã chứng kiến đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục 16,12 tỷ USD, tăng 81%.
Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch Covid-19, thể trạng của nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định vì Chính phủ đã áp dụng các biện pháp miễn thuế, giãn thuế và phí sử dụng đất cho các doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Bài viết cũng nhận định thành công kinh tế của các quốc gia như Trung Quốc và Singapore một phần là nhờ vào nguồn vốn FDI.
Phân tích nguồn gốc và lĩnh vực mà các “chú ong chúa” đang chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam cho biết, đa phần trong số hoạt động trong lĩnh vực điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, FMCG…
Họ tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy đảm bảo yêu cầu về quỹ đất lớn hàng chục, hàng trăm héc-ta để có thể phát triển kho vận.
Ông Lê Trọng Hiếu còn nhắc đến xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các nhà đầu tư mới trong ngành lắp ráp xe hơi, đặc biệt nhắm đến khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, nhìn từ nguồn gốc cũng như đặc trưng từ hơn 100 đối tác của nhà phát triển bất động sản công nghiệp và kho vận hậu cần hàng đầu Việt Nam, Tổng giám đốc Industrial nhận thấy, 60% các “chú ong chúa” là các công ty quốc tế, đặc biệt từ EU khi EVFTA đã có hiệu lực.
Về ngành nghề, các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành cơ khí, phụ tùng ô tô, điện tử…với hàm lượng công nghệ cao.
“Điểm thú vị là các đơn vị này trước đây đặt cơ sở sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc. Không những doanh nghiệp nước ngoài, điểm khả quan của Việt Nam còn đến từ các công ty nội địa đang nỗ lực mở rộng kinh doanh ”, ông C.K Tong, Tổng giám đốc BW Industrial cho biết thêm.
Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu nào khác biệt để không chỉ mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mà chiến lược dịch chuyển lần này còn trở nên hiệu quả?
Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các nhà đầu tư này đang có đặt ra nhiều yêu cầu cao, như phát triển về hệ thống mạng lưới cung ứng.
Thực tế, trong Luật Đầu tư sửa đổi mới, Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng mở rộng, phát triển mạng lưới phụ trợ, chuỗi cung ứng.
“Hy vọng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhìn vào những lỗ lực cải thiện của Chính phủ để tích cực tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam”, ông Trần Quốc Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài những chính sách ưu đãi mới trong Luật Đầu tư, ông Trung cho rằng, cần có những cơ chế chính sách khác như tăng mức chiết khấu.
Dựa vào đây, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể thực hiện việc phát triển đào tạo, tăng cường nghiên cứu.
Ngoài ra, Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, không chỉ về hạ tầng kỹ thuật mà còn có hạ tầng xã hội.
Ở vị trí Phó tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty IMG, ông Phạm Ngọc Tùng đưa ra 3 “chìa khoá” chiến lược dựa trên sự khác biệt của IMG.
Thứ nhất, tập trung phát triển về vị trí.
Thứ hai, tập trung tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, tạo sự yên tâm cho các đối tác đầu tư.
Thứ ba, tập trung vào vấn đề pháp lý, hợp tác với các ngân hàng bảo trợ vốn trở nên dễ dàng hơn.
“Để làm được điều này cần sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, chúng tôi may mắn được UBND tỉnh Long An hỗ trợ nên những vấn đề liên quan đến thủ tục được giải quyết rất nhanh”, ông Tùng nói và cho biết, những yếu tố trên đã tạo ra giá trị cộng hưởng lớn, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.
Nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro từ các dòng vốn nước ngoài (nếu có), Chính phủ Việt Nam đã có những chuẩn bị chủ động. Ví dụ, quy trình phê duyệt dự án đầu tư kỹ càng hơn, đặc biệt về yếu tố tác động môi trường.
“Nếu lắp ráp đơn giản để “né” thuế trước thương chiến Mỹ – Trung thì chắc chắn sẽ không được duyệt. Đây là những thay đổi trên thị trường”, ông Lê Trọng Hiếu nhận định.
M&A trong thị trường bất động sản công nghiệp cũng được đánh giá là xu hướng trong thời gian tới, khi nhiều nhà đầu tư ngày càng muốn tăng trưởng trong kinh doanh.
Tổng giám đốc BW Industrial, ông C.K Tong cũng tiết lộ, việc thu mua đất là phần chính yếu trong việc phát triển của BW.
Chiến lược này có nhiều thách thức nên BW phải gầy dựng đội ngũ có năng lực trong việc tìm kiếm và thu mua những dự án mục tiêu.
Hướng đến tương lai, các diễn giả tham gia thảo luận tại phiên 1 đều nhìn về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 03/11 tới.
Ai trở thành người dẫn dắt nền kinh tế số một thế giới sẽ tác động không nhỏ đến mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt các “chú ong chúa”.
Tổng giám đốc BW Industrial đặt kỳ vọng: “Nếu nền kinh tế Mỹ được hồi phục, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng kép”.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty IMG nhận định, “tác động của Covid-19 sẽ lâu dài, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy, với một ví dụ điển hình là ngay sau khi nhận chức, Thủ tướng Nhật Bản đã lựa chọn sang Việt Nam làm điểm đến thăm đầu tiên”.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Quốc Trung đánh giá, “khi đại dịch được kiểm soát thì việc tăng trưởng kinh tế là có. Nhưng nếu để tăng với con số cao sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Và Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam cho biết cho rằng, “tiềm năng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng điều đầu tiên có thể nhận thấy là giá bất động sản Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng. CBRE hy vọng, sang năm 2021, các nhà đầu tư vẫn giữ giá thuê ổn định để thu hút nhà đầu tư”.
Nguồn dẫn: Hồng Phúc/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/dac-trung-thu-vi-cua-cac-chu-ong-chua-dang-chuyen-dich-sang-viet-nam-d132210.html