Trong bài trình bày đầu tiên với chủ đề “Triển vọng thị trường” tại hội nghị Bất động sản 2020 của Forbes Việt Nam, giám đốc CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng các chủ nguồn cung sẽ cần tận dụng những thiết kế mang tính linh hoạt cao, trong khi chú ý tới khu Đông – nơi sẽ trở thành khu vực trọng điểm ảnh hưởng tới nguồn cung toàn thị trường trong thời gian tới.
Nhìn lại năm 2020, giám đốc CBRE chỉ ra xu hướng sụt giảm nguồn cung diễn ra tại cả khu vực Hà Nội và TP.HCM. Lũy kế chín tháng đầu năm, số căn hộ chào bán đã giảm 57% tại TP.HCM, 67% tại Hà Nội, số căn bán được theo đó cũng lần lượt giảm 62% và 49%.
Khác với trước đây, bài trình bày năm nay của đại diện CBRE cũng tính đến các con số tại thị trường Bình Dương, vì năm nay khu vực này có số căn hộ chào bán vượt 8.000 căn, theo sát với thị trường TP.HCM. “Nguồn cung tại TP.HCM đang gặp nhiều trở lực vì Covid-19 và việc rà sát dự án làm chậm tiến độ,” ông Kiệt nhận định.
Xét theo phân khúc, TP.HCM vẫn là nơi thu hút được nhiều nhóm đối tượng với phân khúc sản phẩm đa dạng, với phân khúc hạng sang vẫn chiếm ưu thế (65%), trong khi Hà Nội lại tập trung vào nhóm khách mua để ở với phân khúc trung cấp chiếm 69%. Thị trường Bình Dương cũng đi theo xu hướng của Hà Nội, với cơ cấu nguồn cung trung cấp chiếm xấp xỉ 100%.
“Những năm trước Bình Dương ưa chuộng phân khúc bình dân nhất, nhưng hiện tầm trung được ưa chuộng hơn nhiều, với ngưỡng giá tương đương tầm trung ở TP.HCM,” giám đốc CBRE Việt Nam chỉ ra.
Có thể thấy giá nhà ở tại thị trường TP.HCM đã tăng 6%, với thị trường Hà Nội vẫn ổn định trong khi Bình Dương tăng 21%. Trước đây giá nhà tại Bình Dương chỉ dao động trên dưới 20 triệu, nhưng gần đây đã đạt ngưỡng 30-35 triệu, có khi lên đến 40 triệu.
Thị trường TP.HCM và Hà Nội đã ghi nhận diễn biến ngược chiều nhau trong quý II và quý III.2020. Xét trong quý II, nguồn cung tại TP.HCM đã giảm xuống mức thấp nhất ba năm, tuy có sự cải thiện trong quý III nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó thị trường Hà Nội lại có nguồn cung rất tốt trong quý II, nhưng lại đi xuống trong quý III.
Tại cả TP.HCM và Hà Nội, khu Đông vẫn đang tiếp tục thu hút nhà đầu tư và những người mua để ở. CBRE dự đoán đến năm 2025, nguồn cung luỹ kế tại phía Đông TP.HCM sẽ 44% lên 198.000 căn cùng với sự hoàn thiện của hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng bao gồm bến xe Miền Đông mới, tuyến metro số 1 và cầu Thủ Thiêm 2.
Kịch bản tương tự cũng sẽ diễn ra tại các quận ở bờ Đông sông Hồng tại Hà Nội, với số nguồn cung sẽ chạm xấp xỉ 65.000 căn với mức tăng trưởng có thể lên tới 16% trong 5 năm tới.
CBRE dự báo đến cuối năm 2020 nguồn cung căn hộ tại TP.HCM sẽ tăng nhẹ, đến năm 2021 sẽ đạt 17.500 căn hộ với tỉ lệ chào bán thành công có thể lên tới 16.000 căn. Trong khi đó đầu cầu Hà Nội sẽ vượt ngưỡng nguồn cung 25.208 căn hộ, với tỷ lệ chào bán thành công vượt 21.000 căn và mức giá tăng thấp hơn so với TP.HCM.
“Trước nhiều trở lực, chủ nguồn cung cần thay đổi và đa dạng thiết kế: sử dụng các thiết kế linh hoạt cao, sử dụng cấu trúc vừa cho thuê vừa ở, cấu trúc có khả năng tách gộp căn hộ, ngoài ra có thể điều chỉnh diện tích & tăng công năng sử dụng để tổng giá vẫn phù hợp thị trường chung,”ông Kiệt khuyến nghị.
Nguồn dẫn: Tạp chí Forbes Vietnam
Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/khu-dong-se-thanh-dong-luc-phat-trien-bat-dong-san-tu-2021-13889.html