Cầu Thủ Thiêm 2
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 6 làn xe, với tổng chiều dài là 1.465m trong đó phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm TP qua Khu ĐTM Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm.
Dự án có tổng mức đầu tư là 4.260 tỷ đồng, trong đó: chi phí xây dựng và tư vấn là 2.283 tỷ đồng; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải tỏa là 308,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng và dự phòng thay đổi mức lương là 491 tỷ đồng; chi phí dự phòng trượt giá và lãi vay là 1.177,5 tỷ đồng.
Để thanh toán chi phí đầu tư xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 2, UBND TP.HCM đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Công ty Đại Quang Minh 13,6 ha đất trong Khu ĐTM Thủ Thiêm để thực hiện dự án khác theo cơ chế thực hiện đồng thời với dự án BT.
Từ năm 2008, UBND TP.HCM đã cho phép Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nghiên cứu dự án Cầu Thủ Thiêm 2 và tuyển chọn đơn vị tư vấn nước ngoài thiết kế kiến trúc.
Đầu năm 2010, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, Hội đồng Kiến trúc – quy hoạch thành phố đã thẩm định, và UBND TP đã phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc Cầu Rồng; đồng thời cho phép Vinaconex lập dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức Hợp đồng BT.
Cuối năm 2013, Công ty Đại Quang Minh đã đàm phán với Vinaconex, thống nhất báo cáo với TP và được được UBND TP chấp thuận thay thế Vinaconex tiếp tục thực hiện dự án, ngày 8/4/2014 Công ty Đại Quang Minh đã nộp ứng trước ngay 800 tỷ đồng vào Ngân sách thành phố.
Đến giữa năm 2014, Công ty được UBND TP.HCM chọn làm nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức Hợp đồng BT.
Ngày 3/2/2015, dự án cầu Thủ Thiêm 2 được động thổ xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng dịp lễ 30/4 năm 2018. Tuy nhiên, đến ngày bàn giao cây cầu vẫn chưa thể hoàn thành do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, chưa thể bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho nhà đầu tư, khiến tiến độ dự án không đảm bảo (thời điểm đó cây cầu chỉ mới hoàn thành chưa đến 16% khối lượng công việc).
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Hội đồng thẩm định bồi thường và các đơn vị liên quan gấp rút tham mưu, đề xuất phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời, thu hồi đất cho nhà đầu tư. Sau đó, dự án tiếp tục được lùi tiến độ và dự kiến hoàn thành vào ngày lễ 30/4/2020.
Nhưng đến hết ngày 30/4, dự án một lần nữa vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mặt bằng, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, Sở đã làm việc với nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, phấn đấu quý II/2020 sẽ hợp long cầu chính. Riêng phần cầu dẫn ở quận 1 từ đường Lê Duẩn băng qua Thủ Thiêm và nhánh cầu Tôn Đức Thắng sẽ cố gắng hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2020, UBND TP.HCM cho biết, theo đề xuất của Sở KH&ĐT, thành phố chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đến ngày 9/9/2021.
Đến thời điểm hiện tại, thông tin với báo chí đại diện Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư) cho biết, dự án đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc, nhưng công ty đã dừng thi công cầu chính và chưa thể thi công 2 nhánh cầu lên/xuống khu vực nhà máy Ba Son do còn vướng giải tỏa và thành phố chậm thanh toán thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các dự án khác dẫn đến các ngân hàng tài trợ vốn từ chối giải ngân tiếp.
Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh
Công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí khoảng 473 tỷ đồng, nguồn vốn được lấy từ ngân sách TP.HCM, trong đó chi phí xây dựng là 371 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, công trình dự kiến sẽ được thi công bắt đầu từ tháng 6/2019 và hoàn thành vào tháng 9/2020 tức trong vòng 14 tháng. Nhưng sau đó đến ngày 5/10/2019, công trình này mới chính thức được thi công.
Công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài toàn tuyến gần 3,2 km. Dự án sẽ nâng cao mặt đường ở những nơi bị lún. Trong đó, khoảng 500 m đường bị lún sẽ được nâng từ 0,5 m đến 1,2 m nhằm đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên và cốt nền quy hoạch.
Tuy nhiên, do gặp phải vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng đã khiến dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến.
Trước đó, ngày 27/7/2020, báo cáo với UBND thành phố về những vướng mắc trong quá trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, một căn nhà nằm tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) có khả năng khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
Cụ thể, trở ngại do căn nhà số A17/1 đường Phú Mỹ (quận Bình Thạnh) đã cũ nát, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, do đó, việc xây dựng đoạn cống thoát nước ra cửa xả chính hầm chui Văn Thánh 2 chưa thể thực hiện vì căn nhà trên.
Về vấn đề này, trao đổi nhanh với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, mọi khó khăn, vướng mắc mà dự án gặp phải trước đó hiện đã được giải quyết. Thời gian tới, đơn vị thi công sẽ cố gắng thực hiện các hạng mục còn lại, để đảm bảo đúng tiến độ.
Thông tin về tiến độ dự án, theo ông Ninh, tính đến thời điểm hiện tại dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện được 50% khối lượng công việc. Dự kiến đến quý II/2021 công trình sẽ được hoàn thành.
Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy
Dự án được khởi công từ tháng 6/2016, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, nút giao thông Mỹ Thủy đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng. Xây dựng một số hạng mục gồm xây dựng cầu Hà 3 dài 75m cho 4 làn xe lưu thông, xây dựng hầm chui rẽ trái từ đường vành đai 2 đi cảng Cát Lái dài 505m cho 2 làn xe lưu thông, xây cầu vượt trên đường vành đai 2 cho 4 làn xe lưu thông.
Còn giai đoạn 2 được triển khai cuối tháng 12/2019, có tổng mức đầu tư xây dựng 1.435 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 1.087 tỷ đồng. Các hạng mục chính của giai đoạn này gồm: Cầu Mỹ Thủy 3 nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 (sáu làn xe, dài 124 m); các nhánh đường bờ tả rạch Mỹ Thủy và gói thầu các nhánh đường bờ hữu (chủ yếu thi công các đường chui dưới cầu vì hiện nay đang vướng mặt bằng).
Ngoài ra, một số hạng mục khác đang tiến hành lập thiết kế chuẩn bị thi công gồm cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ, cầu Kỳ Hà 4 từ hướng cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái. Dự án còn 2 hạng mục là cầu Kỳ Hà 3 nhánh phải và cầu vượt trên vành đai 2 nhánh phải.
Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm này, TP.HCM đã tách dự án thành 2 phần, dự án xây lắp riêng và GPMB riêng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án bồi thường GPMB quá chậm trễ.
Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ nhận mặt bằng “sạch” vào tháng 9/2018 để thi công dự án hoàn thành vào năm 2021 nhưng đến nay, phía quận 2 vẫn chưa giải quyết xong công tác GPMB.
Bên cạnh đó, tại quyết định số 7006 ban hành ngày 30/12/2016 của UBND TP.HCM, dự án được ghi vốn với tổng mức đầu tư là 504 tỷ đồng. Sau đó, do dự án kéo dài, đơn giá bồi thường từ năm 2015 đã không còn phù hợp, cùng với quy mô dự án mở rộng thêm nên phía chủ đầu tư đã đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên khoảng 1.029 tỷ đồng (theo đơn giá T1 được duyệt), tức tăng 525 tỷ đồng so với mức ban đầu.
Hiện công trình đã đạt trên 45% khối lượng công việc. Tuy nhiên, các hạng mục xây dựng các nhánh đường quanh nút giao, cầu Mỹ Thủy 3.. hiện cũng đang phải dừng thi công vì chờ mặt bằng. Theo dự kiến việc thi công hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy phải sau 1,5 năm nữa.
Sở GTVT cho biết, đây là nút giao tốn khá nhiều thời gian phải điều chỉnh lại ranh dự án, tổng mức đầu tư và công tác đền bù giải tỏa.
4 tuyến đường chính tại Khu đô thị Thủ Thiêm
Dự án có tổng chiều dài 11,9 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với số tiền đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến lớn nhất ký hiệu R1 (Đại lộ Vòng cung) với chiều dài 3,4 km, có mặt cắt ngang 55 m, 6 làn xe; đường R2 (đường Ven hồ trung tâm) dài 3 km, mặt cắt ngang 29,2 m; đường R3 (tuyến đường ven sông Sài Gòn) dài 3 km, mặt cắt ngang 28,1 m; Đường R4 (đường Vùng châu thổ) dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m.
Dự án được triển khai thi công từ tháng 2/2014, thời gian hoàn thành công trình là 36 tháng, tức là tháng 2/2017. Sau khi hoàn thành, 4 tuyến đường này sẽ nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cho Khu Đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.
Để thanh toán cho hợp đồng 12.000 tỷ đồng nói trên, TP.HCM đã trả cho Đại Quang Minh 79 ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị và khu dân cư. Trong đó, nhà đầu tư được xây dựng khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ, diện tích khai thác hơn 46 ha bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, hai trường học.
Phương thức đổi đất lấy đường này được gọi là thanh toán hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) bằng giao dự án khác được UBND thành phố đề nghị trong văn bản gửi Bộ Tài chính hồi cuối năm 2014.
Liên quan đến 4 tuyến đường này, trong kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ ngày 26/6/2019, đã chỉ ra nhiều sai phạm của Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM và các sở ngành thời điểm năm 2011, khi làm KĐTM Thủ Thiêm, trong đó, kết luận TTCP chỉ rõ, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính là chưa đúng quy định, nhưng UBND TP.HCM đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp trên 4.225 tỷ đồng, đã nộp 2.376 tỷ đồng, số còn lại đến nay chưa nộp trên 1.800 tỷ đồng.
Đến đầu tháng 10/2019, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của nhóm công tác liên ngành về việc thu hồi ngân sách số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng nói trên từ việc sử dụng đất dự kiến thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm.
Về công tác quản lý tiến độ, đến thời điểm tháng 6/2020, tại báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho thấy, dự án đã bị chậm 27 tháng so với tiến độ tại quyết định đầu tư và cam kết tại phụ lục hợp đồng. Ngày 21/7/2020, UBND TP HCM cũng có văn bản số 2775 về gia hạn thời gian hoàn thành công trình để làm cơ sở cho việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và các bên liên quan ký phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh theo quy định
Theo dự kiến công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay toàn tuyến vẫn chưa được đưa vào sử dụng thông suốt, một số đoạn vẫn còn thi công nhưng với tốc độ chậm vì vướng giải phóng mặt bằng.
Tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm theo kế hoạch cam kết tiến độ của các bên thì đến quý I/2022 mới hoàn thành (chậm hơn 4 năm), nguyên nhân chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng.
Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/nhung-du-an-giao-thong-trong-diem-tai-tphcm-chua-the-ve-dich-trong-nam-2020-d45391.html