Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đã phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, loại hình. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Ngày 27/11, phát biểu tại Hội thảo: “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản. Tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia, qua đó các sản phẩm bất động sản phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, loại hình.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản trải qua 4 lần thay đổi trạng thái cơ bản. Giai đoạn 2009 – 2010, thị trường phát triển nóng, hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng trưởng nóng, chủ yếu do nới lỏng tín dụng.
Giai đoạn 2011 – 2013, thị trường rơi vào trầm lắng, đóng băng, do ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản. Giai đoạn 2014 – 2019, hệ thống pháp luật được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại.
Năm 2020, Việt Nam và hầu hết khắp các nước trên thế giới đều gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố riêng biệt.
Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng trên 5.000 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2009.
Về dư nợ tín dụng trong hoạt động kinh doanh bất động sản, số liệu thống kê của Ngân hàng nhà nước cho thấy, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng trên 7%, trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.
Về đầu tư vốn FDI vào bất động sản trong 5 năm gần đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Chỉ đứng sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo cơ khí.
Về các chủ thể tham gia thị trường, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho rằng, tính đến đầu năm 2020, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tăng 2,3 lần so với năm 2010. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan từ thị trường bất động sản, đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế bộc lộ trong thực tế cần khắc phục.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ; Cơ cấu sản phẩm bất động sản tại một số địa phương, khu vực còn chưa phù hợp. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Giá nhà ở tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Chưa có quy định cụ thể đối với các loại hình đặc thù như bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng – lưu trú (condotel, office, resort villa), bất động sản hạ tầng, bất động sản công nghiệp.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, thậm chí là không có thật nhưng vẫn được rao bán nhằm lừa đảo, chiếm dụng tiền của người mua. Tính minh bạch của thị trường vẫn còn hạn chế do hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa hoàn chỉnh và bị phân mảnh do nhiều cơ quan quản lý…
Theo đó, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường.
“Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật khác để bảo đảm đồng bộ từ khâu quy hoạch, đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng đến kinh doanh, quản lý vận hành các loại bất động sản”, ông Sinh nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng cần tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và điều chỉnh cơ cấu bất động sản nhà ở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục.
Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường phát triển cân đối cung – cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Kịp thời ngăn chặn, không để thị trường xảy ra tình trạng “sốt nóng” hay “đóng băng”, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự xã hội.
Nguồn dẫn: Việt Dũng/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://dautubds.baodautu.vn/thu-truong-bo-xay-dung-can-hoan-thien-the-che-de-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-d133886.html