Hiip là cầu nối của Influencer Marketing, có thể hiểu là tiếp thị thông qua các cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến các khách hàng tiềm năng.
Nguyễn Ngọc Phi kỳ vọng vào việc số hóa các giao dịch giữa những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) và các nhãn hàng, vốn phần lớn đang diễn ra theo hình thức truyền thống, sẽ đưa công ty anh có chỗ đứng ở Đông Nam Á.
Influencer Marketing, có thể hiểu là tiếp thị thông qua các cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến các khách hàng tiềm năng, đang trở nên phổ biến trên các thị trường toàn cầu.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng khi ngày càng có nhiều người sử dụng internet tương tác với các nội dung mà các KOL tạo ra. Theo dữ liệu từ nền tảng DI Marketing từ tháng 7.2016, hơn 60% người sử dụng internet tại Việt Nam ở mọi lứa tuổi đã tương tác với một người có ảnh hưởng, bằng cách “thích” nội dung của họ hoặc nhấp vào “+1” và chia sẻ trên Google Plus. 45% người được hỏi còn đi thêm một bước nữa bằng cách để lại nhận xét về điều gì đó mà một người có ảnh hưởng chia sẻ.
Hầu hết người dùng internet ở Việt Nam thích sử dụng Facebook hoặc YouTube để theo dõi những người có ảnh hưởng. Khoảng 84% người được hỏi trong cuộc khảo sát của DI Marketing đã theo dõi một người có ảnh hưởng trên Facebook, trong khi 61% khác theo sau một người có ảnh hưởng trên YouTube.
Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 50.000 KOL có hơn 5.000 người hâm mộ trên mạng xã hội. Chỉ với 30 con người, nền tảng của Hiip đang phục vụ 10% trong số đó. Phi đặt mục tiêu tăng tỉ lệ này lên 30% trong thời gian tới. “Chúng tôi muốn củng cố vị trí dẫn đầu thị trường Việt Nam trước khi mở rộng sang Thái Lan”, Phi cho biết về kế hoạch mở rộng Hiip.
Cơ hội ở đâu?
Hiip ra đời vào năm 2015, trong bối cảnh các nhãn hàng và KOL làm việc phần lớn theo cách giao dịch truyền thống. Theo đó, khi mỗi chiến dịch được thực hiện, nhãn hàng sẽ tìm KOL phù hợp thông qua các nhà quản lý. Quá trình này có thể mất từ vài ngày đến vài tuần.
Về mặt kỹ thuật, Phi làm hai công đoạn, một là đưa tất cả thông tin của các KOL lên Hiip, hai là đưa các thông tin này đến các nhãn hàng. Tùy theo đối tượng nhắm đến, các nhãn hàng sẽ chọn KOL phù hợp và tất cả đều được tự động từ đó làm quá trình lựa chọn chỉ mất từ 1-3 ngày.
“Hiip được xây dựng hoàn toàn trên công nghệ. Đó là cách chúng tôi chen chân trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty quảng cáo như hiện nay”, Phi giải thích.
Thật vậy, nếu như cách đây 10 năm, lợi nhuận gộp của các công ty quảng cáo dao động quanh mức trung bình 20%, thì nay con số này chỉ còn đâu đó dưới 5%. Thông tin này được tiết lộ bởi ông Eric Rosenkranz, cựu thành viên Ban Giám đốc châu Á và Mỹ Latinh của Tập đoàn truyền thông quảng cáo Grey Global. Ông cũng là người đặt cho Phi câu hỏi rất hóc búa trước khi thành lập Hiip: “Các tập đoàn quảng cáo nước ngoài có hơn 100 năm kinh nghiệm và trong một thị trường khốc liệt như vậy, cơ hội của cậu nằm ở đâu?”.
Phi hiểu rõ rào cản về chi phí nhân lực, vì chính anh đã từng điều hành IMAS Communication, một công ty trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Làm sao phát triển được một công ty đảm đương khối lượng công việc lớn hơn chi phí nhân sự? Làm sao công ty đó có thể mở rộng sang nhiều thị trường với chi phí hợp lý? Đó là cách ý tưởng về Hiip được thai nghén.
Trước Hiip, cũng đã có nhiều doanh nghiệp thử nghiệm mô hình này ở Việt Nam nhưng chưa có nhiều thành tích nổi bật. Với các mối quan hệ từ thời làm IMAS Communication, Phi đem ý tưởng về Hiip chia sẻ với doanh nghiệp và KOL, rồi nhận phản hồi của từng người để xây dựng sản phẩm.
Nhận thấy đây là đoạn đường dài, Phi tìm thêm các mảnh ghép cho Hiip. Người đầu tiên là Toàn Nguyễn, Trưởng nhóm công nghệ của Vua Trò Chơi Studio. Mảnh ghép thứ hai là Nguyễn Việt Hà, cựu thành viên Ban Giám đốc concung, mymall, người có kinh nghiệm quản trị và vận hành.
Khi được hỏi liệu rằng các KOL sau vài lần làm việc sẽ bỏ qua Hiip và làm việc trực tiếp với các nhãn hàng hay không? Phi cho rằng điều này hoàn toàn có khả năng nhưng anh tin rằng quy luật cung cầu sẽ điều phối thị trường. “Do thị hiếu người xem luôn thay đổi, không nhãn hàng nào làm mãi với một KOL và ngược lại. Chúng tôi tin Hiip tồn tại vì đem cơ hội và thông tin cho cả hai bên với chi phí phù hợp”, Phi nói.
Qua vòng hạt giống, tìm đường xứ người
Sau gần 3 năm thành lập, hiện trung bình mỗi tháng có khoảng 500 chiến dịch được khởi tạo trên nền tảng Hiip, các tháng cao điểm số lượng chiến dịch tăng gấp đôi. Không chia sẻ số lượng các chiến dịch được hoàn thành thông qua Hiip nhưng Phi cho biết trung bình giá trị mỗi chiến dịch khoảng 40 triệu đồng và Hiip nhận 10% trên mỗi chiến dịch thành công. Tính đến thời điểm hiện tại, Hiip đã được rót vốn bởi Quỹ 500 Start-ups (Mỹ), Cocoon Capital, Expara (Singapore), tất cả đều trong vòng hạt giống. Mặc dù vậy, Phi cho biết sẽ đem Hiip mở rộng một số thị trường ở Đông Nam Á, trước tiên là Thái Lan.
Mặc dù ở Việt Nam, xu hướng KOL và các nhãn hàng đang phát triển rất mạnh, nhưng chỉ dừng ở việc tiếp thị là chính nên độ lớn thị trường vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó ở các nước khác, KOL và các nhãn hàng đã tiến đến bước bán hàng thông qua các chiến dịch quảng bá, như Thái Lan chẳng hạn, nên Hiip sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Các báo cáo gần đây cho thấy năm 2017, Thái Lan có 47 triệu người sử dụng Facebook, chiếm 70% dân số. Chỉ trong hơn một năm, người dùng Instagram ở Thái Lan đã tăng 3,2 triệu lên 9 triệu. Như vậy, Hiip sẽ phải cạnh tranh với các nền tảng tương tự, nổi bật trong số đó là Tellscore, được thành lập bởi các nhà sáng lập Redlab, công ty tiếp thị kỹ thuật số hàng đầu Thái Lan.
Chiến lược phát triển trong thời gian tới của Tellscore là tiếp cận 30 triệu người tiêu dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo của KOL và các nhãn hàng. Tellscore cũng đã được đầu tư 50 triệu baht Thái (tương đương hơn 36 tỉ đồng) để chuẩn bị cho kế hoạch này. “Chúng tôi khá tự tin với công nghệ hiện tại của Hiip. Ở Việt Nam và Thái Lan, chúng tôi đang đi trước thị trường khoảng 2 năm. Điều quan tâm là phải hiểu thị trường bản địa trong thời gian ngắn nhất. Khá là may mắn khi các KOL ở Thái Lan làm việc rất chuyên nghiệp”, Phi nói.
Trong tương lai gần, nền tảng Hiip sẽ tự động đưa ra các đề nghị về lựa chọn KOL, mức giá tham khảo cho nhãn hàng và ngược lại nhằm rút ngắn hơn thời gian lựa chọn giữa đôi bên.
Song song đó ở Việt Nam, Hiip sẽ hợp tác với các kênh chuyên về tiếp thị để chia sẻ các kiến thức tổng quan về việc kết hợp các KOL cùng các chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng cho các doanh nghiệp. Sinh năm 1988, dù tuổi đời khá trẻ nhưng tham vọng của thuyền trưởng Hiip không nhỏ, anh muốn Công ty phải có vị trí ở Đông Nam Á. “Bởi trong cuộc chơi này, trâu chậm sẽ uống nước đục”, Phi khẳng định.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư