Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kkinh tế (OECD) cảnh báo cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người tại các nước phát triển.
Theo nghiên cứu của OECD, cứ 7 người lao động tại 32 nước phát triển thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới do những công việc hiện nay của họ sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa.
Báo cáo chỉ ra rằng 14% vị trí việc làm tại các nước phát triển là công việc tự động hóa cao, trong khi đó 32% việc làm khác khả năng cao sẽ thay đổi mạnh cách thức hoạt động so với hiện nay. Mức độ nguy cơ mất việc làm ở các nước rất khác nhau. Ví dụ như có tới 33% số việc làm ở Slovakia liên quan đến hoạt động tự động hóa thì con số này ở Na Uy chỉ chiếm có 6%.
Các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu và Hà Lan là những nước có việc làm liên quan đến tự động hóa ít hơn so với các nước ở Đông Âu, Nam Âu, Đức, Chile và Nhật Bản. Anh là nước được cho là ít bị ảnh hưởng nhất. Tuy vậy, tại Anh cứ 10 người thì có 1 người đối diện với nguy cơ cao mất việc và khoảng 25% lực lượng lao động sẽ buộc phải thay đổi việc làm. Tại Mỹ, robot hay hệ thống tự động hóa có thể “chiếm chỗ” của khoảng 13 triệu việc làm.
Theo OECD, tự động hóa được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành công nghiệp sản xuất tại các nhà máy, ngành nông nghiệp và một số trong lĩnh vực dịch vụ, như đưa thư, vận chuyển bưu phẩm, giao thông đường bộ và ngành dịch vụ ăn uống. Nhóm việc sẽ bị robot thay thế nhiều nhất là trong ngành chế biến thực phẩm, lau dọn vệ sinh và lao động tay chân.
Báo cáo của Viện thông tin tuyển dụng Hàn Quốc (KEIS) chỉ ra rằng các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, độ phức tạp và sáng tạo cao, như nghiên cứu phát triển, quản lý quy trình hay chuyên gia luật là những ngành ít có khả năng bị thay thế. Các ngành không quá đòi hỏi chuyên môn nhưng cũng không định hình rõ ràng như dọn dẹp, trông nom chăm sóc bệnh nhân, nuôi dạy trẻ cũng thuộc nhóm ít có khả năng bị thay thế. Khả năng bị thay thế đối với các ngành nghề như kế toán hay hành chính luật, thông dịch, phiên dịch là ở mức trung bình bởi các lĩnh vực trên dù ít nhiều có tính lặp lại nhưng vẫn đòi hỏi chuyên môn cao.
Cũng theo báo cáo này của Viện thông tin tuyển dụng, có 10 ngành nghề có triển vọng phát triển mạnh trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó phải kể đến chuyên gia về trí thông minh nhân tạo, về cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và khoa học nghiên cứu phát triển robot.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư