Muốn thực hiện được mục tiêu 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, muốn sánh vai với cường quốc năm châu thì Việt Nam phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.
Khi được giao phụ trách dự án sản xuất ô tô VinFast ông Võ Quang Huệ (Phó tổng giám đốc Vingroup) rất hạnh phúc bởi đây là một trong những dự án có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Từ ngành công nghiệp dẫn đầu này sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế.
“Hạnh phúc hơn cả là sự đồng điệu khi tôi nhận ra thật khó có ở đâu một tinh thần, một ý chí cao độ đến như vậy trong việc quyết tâm làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, vì niềm tự hào dân tộc”, ông Huệ chia sẻ trong cuộc gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu có chủ đề “Đối thoại 2045”.
Nếu tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019, VinFast chỉ mới chính thức tham gia thị trường vẻn vẹn 20 tháng nhưng đến nay đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu này lăn bánh trên đường phố Việt Nam.
Báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng gọi việc VinFast đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lương đạt tiêu chuẫn quốc tế chỉ sau 21 tháng khởi công và đã đạt doanh số tốt như vậy trong thời gian ngắn là những “kỳ tích”.
“Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình”, ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, “mãnh liệt Việt Nam” cũng chính là tinh thần mà người dân Việt cũng như cộng đồng quốc tế đã và đang chứng kiến khi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.
“Chúng ta thấy rõ khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đó là niềm tin mãnh liệt đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ nữa, thời gian đủ dài để xuất hiện những doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam”, Thủ tướng nói trong buổi đối thoại.
Trong khát vọng ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò đóng góp quan trọng của các doanh nhân, trí thức. Để có thể đạt được mục tiêu đặt ra, năm nhóm đề xuất quan trọng đã được các doanh nhân uy tín đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đưa ra trong cuộc đối thoại với Thủ tướng.
Đầu tư vào con người và công nghệ
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco cho rằng, trong thời gian tới, nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững.
Doanh nghiệp có gánh nặng rất lớn về doanh thu hàng ngày, hàng quý, hàng năm, bởi đằng sau đó còn là hàng nghìn, hàng trăm nghìn người lao động. Tuy nhiên, gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm. Vấn đề được đặt ra là cần làm những gì và làm thế nào để đất nước phát triển, từng doanh nghiệp phát triển.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia sẽ quyết định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc. Ông cho rằng, bất kì quốc gia giàu mạnh nào thì cũng phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp hàng đầu và đồng thời phải có các trường đại học lớn nếu muốn ở đứng ở hàng đầu.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân phải thực sự trở thành nguồn lực của quốc gia. Đến thời điểm này, chúng ta có thể tự hào nói rằng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam vô cùng vững chắc, và sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong 25 năm tới. Bên cạnh đó, chúng ta rất cần phát triển các trường đại học lớn để ươm mầm những nhân tài tương lai”, ông Anh nhấn mạnh.
Đó cũng là lý do Thaco đã liên kết với nhiều đơn vị nhằm phát triển nhân lực như Đại học Bách khoa TP.HCM để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của doanh nghiệp; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số.
Thaco đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm từ 10% đến 20%. Năm 2021, dự kiến sản xuất và tiêu thụ trong nước hơn 110.000 xe; xuất khẩu 2.500 xe và xuất khẩu 30 triệu USD linh kiện phụ tùng. Doanh nghiệp này sẽ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho hai ngành ô tô và nông nghiệp.
“Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, Thaco sẽ cam kết thực hiện”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan cho rằng, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam cần đi sau về đích trước mà giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.
Theo ông Quang, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng cung ứng và phân phối. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm vẫn diễn ra thường xuyên.
Vấn đề thứ hai ông Quang nêu ra là nền tảng công nghệ. Nhà nước cần chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa. Cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng.
Đổi mới thể chế – “bà đỡ” cho doanh nghiệp và đất nước
Để đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì các doanh nhân cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng cần có là sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank nhìn nhận, trong trào lưu phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của Việt Nam đang chồng chéo, không đồng bộ.
Đây là lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới làm thay đổi thậm chí đảo lộn trình tự, hình thức và mô hình kinh doanh hiện thời. Ví dụ như kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải, Grab, Uber hay trong cho thuê nhà ở làm khách sạn Airbnb, cho vay ngang hàng P2P.
Ông Phú cho rằng, những năm tới cần đặt trọng tâm là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp
Từ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air cho rằng, khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng Việt Nam có những nguồn lực, cơ sở và động lực để biến khát vọng thành hiện thực.
Bà Thảo mong rằng Chính phủ tin tưởng và tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Cuối năm 2019 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030 theo dự báo thì khu vực này sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.
Như vậy kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045.
Việc tập trung vào khối tư nhân cũng được bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE nhấn mạnh bởi đó là thành phần chính tạo ra các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế. Theo bà Thanh, doanh nghiệp Việt cần tập trung vào yếu tốt phục vụ người tiêu dùng tốt bằng việc nâng chất lượng sản phẩm, nâng vị thế thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó, Chủ tịch REE nhìn nhận, muốn phát triển bền vững, Việt Nam nên đặt mục tiêu cao hơn và không nên bằng lòng với những gì mình đạt được. Cũng như với mỗi con người, mỗi doanh nghiệp phải luôn tự tin để đặt ra những khát vọng cao hơn.
Cũng theo lãnh đạo Vietjet Air, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương để có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…
Lãnh đạo Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.
Để thực hiện được tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực như Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần tập trung vào một số điểm cốt lõi. Đó là các cơ quan công quyền chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, đối xử bình đẳng giữa các khu vực cũng như loại hình kinh tế, tôn vinh để khơi gợi sự tự hào trong các doanh nghiệp tư nhân về những đóng góp của mình, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.
Đại diện cho lớp doanh nhân trẻ, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, 2021 – 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045. “Cần lắm Nhà nước có các chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ”, ông Anh nói.
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, nhưng theo Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng, tới 2045, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng để đóng góp vào mục tiêu chung đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Cùng với tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, cũng cần điều chỉnh cơ chế, chính sách cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để dám nghĩ, dám làm. Ông Hoàng Quốc Vượng kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho Tập đoàn Dầu khí phát triển, ban hành Luật Dầu khí mới và các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.
Thiên thời – địa lợi – nhân hoà
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk nhìn nhận, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.
Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Một hướng đi khác rất tiềm năng được bà Hương là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.
Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.
Có cùng quan điểm, Chủ tịch Công ty cơ điện REE cho rằng, qua đại dịch Covid-19, qua những tổn thất từ biến đổi khí hậu, đã đến lúc cần chú trọng vào bảo vệ môi trường.
Bà Thanh lưu ý, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần, cụ thể là vấn đề năng lượng. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, về công nghệ viễn thông. Tuy nhiên cần nhìn lại việc xây dựng chiến lược phát triển. Than, dầu mỏ đang ngày một cạn dần. Do đó, cần chú trọng vào điện gió ngoài khơi để đạt năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường. Bà Thanh cũng đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn lực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nguồn lực để tập trung vào lĩnh vực này.
Đồng thời, khi xây dựng các chỉ số kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2045, cần xây dựng nhiều hơn các chỉ số có tính hạnh phúc chứ không chỉ là những chỉ số về con số kinh tế.
Đại diện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, người đã gắn bó rất nhiều năm với thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng, định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045 nên tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sựu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Một vấn đề nữa được ông Dominic Scriven kiến nghị là làm sao TP.HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tầu kinh tế Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Đây chính là địa lợi.
Cuối cùng, về nhân hòa, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, gần đây có nhiều vụ lừa đảo do sự thiếu hiểu biết của một số người dân. Do đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già.
Bảo vệ văn hóa Việt
Văn hoá là một trong ba yếu tố quan trọng bên cạnh môi trường và tăng trưởng GDP cần có sự kết hợp hài hoà theo quan điểm của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
Ông Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch điều hành Tổ hợp công nghệ truyền thông và giải trí DatVietVAC nói: “Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được nhiều kỳ tích”.
Theo ông Thành, văn hóa và sáng tạo cần được ưu tiên, hỗ trợ, bởi hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều chính sách rõ ràng và chỉ tiêu cụ thể; có làm kinh tế, có văn hóa sáng tạo nhưng rời rạc, không kết nối nhất thể để tích hợp, tạo được sức mạnh.
Trong lĩnh vực văn hóa kinh tế sáng tạo, Việt Nam có thế mạnh về ẩm thực, thời trang như áo dài, thủ công mỹ nghệ, thức uống có cà phê… Những nét văn hóa riêng biệt để có thể phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo.
Cùng với những chính sách hỗ trợ riêng biệt để phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có cơ chế, chế tài mạnh mẽ để xử lý các vấn đề về bản quyền. Hiện nay, việc vi phạm bản quyền trong các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đang trở thành vấn nạn, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Ông Thành kiến nghị sửa đổi Nghị định 06-NĐ/CP trên nền tảng tôn trọng thực thi luật pháp Việt Nam phù hợp với thông lệ thế giới: tức thì, bình đẳng, không ngoại lệ. Có như thế, công nghiệp nội dung Việt Nam mới có năng lực canh tranh để đóng góp vào việc phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo.
Nguồn dẫn: Quỳnh Chi/ Nhà quản trị
Link bài gốc: https://theleader.vn/khat-vong-ve-nhung-tap-doan-viet-khong-lo-1615084463210.htm