Một số văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh biết rõ việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp là trái với quy định, nhưng vẫn “liều” xác nhận cho việc mua bán này khiến cho thị trường bất động sản ở Đồng Nai thêm “loạn”.
Đất nông nghiệp phân lô, bán nền xây dựng trái phép tại huyện Vĩnh Cửu. |
* Nhập nhèm lừa người mua
Theo quy định, việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp là vi phạm. Nếu các địa phương không quản lý chặt, có thể sẽ dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, hình thành những khu nhà “ổ chuột” thiếu hạ tầng, phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh. Là nơi nắm rõ quy định của pháp luật nhưng một số văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh vẫn cố tình xác nhận cho giao dịch chuyển nhượng sai trái trên.
Chấn chỉnh lại một số tổ chức hành nghề luật sư
Mới đây, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã có Văn bản 270 gửi Sở Tư pháp Đồng Nai yêu cầu tiến hành kiểm tra một số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh cung cấp dịch vụ làm chứng cho thỏa thuận mua bán đất đai có thu tiền thù lao hoặc phí dịch vụ. Phạm vi công việc này không phù hợp với phạm vi hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định của pháp luật. Cục Bổ trợ tư pháp cũng yêu cầu Sở Tư pháp kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện đúng quy định của pháp luật. |
Chúng tôi đến Văn phòng công chứng B.N.H. ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) đặt vấn đề: nếu mua 1 mảnh đất nông nghiệp có diện tích nhỏ không thể tách thửa thì có thể làm xác nhận giao dịch mua bán tại văn phòng hay không? Người của văn phòng công chứng này trả lời có thể xác nhận 2 bên có giao dịch chuyển nhượng. Mức phí phải trả là 0,1% trên giá trị thửa đất sang nhượng cộng với một số chi phí khác.
Tương tự, khi đến Văn phòng công chứng A.H. tại xã Long Phước (huyện Long Thành) để hỏi về việc muốn xác nhận việc mua bán một phần đất nông nghiệp nhưng không đủ điều kiện tách thửa, chúng tôi được hướng dẫn cặn kẽ là người bán phải mang đủ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, nếu đã kết hôn đem theo giấy đăng ký kết hôn. Phía người mua chỉ cần mang chứng minh nhân dân, hộ khẩu và 2 bên có hợp đồng chuyển nhượng một phần trong thửa đất nông nghiệp đó để văn phòng xác nhận.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết Văn phòng luật sư H.Đ.B. (TP.Biên Hòa) và một số văn phòng luật sư khác trong tỉnh cũng xác nhận cho việc chuyển nhượng đất nông nghiệp sai quy định của tỉnh và Luật Đất đai. Cụ thể, khu đất nông nghiệp tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang bị xẻ ra gần 1 ngàn nền để sang nhượng trái phép, Văn phòng luật sư H.Đ.B. đã xác nhận cho việc sang nhượng này. Phía chủ đất còn hứa sẽ “bao” cho người mua đất có thể xây dựng tự do. Hiện trên thửa đất nông nghiệp phân lô, bán nền đó đã có nhà ở được xây dựng.
Theo Đoàn Luật sư tỉnh, thời gian qua đơn vị đã nhận được phản ánh về việc một số văn phòng luật sư xác nhận cho việc chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép và đã có nhắc nhở những luật sư này. Trước đây, có những luật sư bị xử lý vì những vi phạm tương tự. Tới đây, Đoàn Luật sư tỉnh sẽ rà soát, nhắc nhở các văn phòng luật sư thực hiện cho đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
Xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) có biển cấm mua bán, sang nhượng đất đai trái phép nhưng gần ngay đáo vẫn có công ty phân lô bán nền đất nông nghiệp. |
Luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia tỉnh) cho hay: “Trường hợp các văn phòng công chứng, văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại xác nhận cho việc chuyển nhượng đất nông nghiệp chưa đủ điều kiện tách thửa theo quy định của tỉnh là không đúng. Việc xác nhận sẽ khiến nhiều người mua đất ngộ nhận là mảnh đất mình mua được đảm bảo. Nhưng thực tế các văn phòng chỉ xác nhận như một nhân chứng bình thường khác”. Như vậy, khi có tranh chấp gì trên thửa đất, người mua sẽ phải chịu thiệt.
Dù tỉnh đã siết chặt việc tách thửa đất nhưng nhiều chủ đất vẫn ngang nhiên phân lô bán nền đất nông nghiệp ở những khu đông dân cư là vì siêu lợi nhuận. Với 1 sào (1 ngàn m2) đất nông nghiệp tại các xã Thiện Tân, Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Phước Tân, Tam Phước (TP.Biên Hòa), Phú Hội, Long Tân (huyện Nhơn Trạch) giá bán khoảng 700-800 triệu đồng, nhưng phân lô bán nền thu lời gấp 4-6 lần. |
Lợi dụng việc một số văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại, văn phòng luật sư đồng ý xác nhận cho việc giao dịch chuyển nhượng một phần đất nông nghiệp, nhiều “cò đất” lập lờ đánh lận con đen lừa người mua tin tưởng và dễ dàng dốc hầu bao mua đất nông nghiệp phân lô, bán nền. Ngoài ra, bên chủ đất cũng có thể lợi dụng việc này để bán 1 lô đất cho nhiều người. Nếu việc xác nhận trên không được các cơ quan chức năng sớm ngăn chặn thì hậu quả đằng sau việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp sẽ rất nặng nề.
* Cần ngăn chặn sớm
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Dung, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghe thông tin về việc một số văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh xác nhận cho việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, gây bất ổn trong quản lý đất đai. Tới đây, văn phòng sẽ kiến nghị Sở Tài nguyên – môi trường có văn bản đề nghị Sở Tư pháp chấn chỉnh lại hoạt động của các văn phòng công chứng, không để xảy ra tình trạng trên”.
Theo một số luật sư, việc xác nhận chuyển nhượng đất đai nên giao cho các địa phương thực hiện, không nên để văn phòng công chứng, thừa phát lại, văn phòng luật sư xác nhận dẫn đến việc nhập nhèm gây ngộ nhận giữa vai trò người làm chứng và công chứng cho việc mua bán đất.
Bà Võ Thị Xuân Đào, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho hay: “Những giao dịch về đất đai không đủ điều kiện pháp lý đến phòng công chứng mới tìm đến các văn phòng thừa phát lại để làm vi bằng. Trong đó, có không ít trường hợp lập vi bằng cho việc chuyển nhượng một phần đất nông nghiệp không đủ điều kiện tách thửa, phân lô, bán nền. Tới đây, với các trường hợp trên Sở Tư pháp kiên quyết trả lại hồ sơ, không lập vi bằng”. Cũng theo bà Đào, sở sẽ yêu cầu các văn phòng thừa phát lại, văn phòng công chứng ngưng ngay việc xác nhận giao dịch chuyển nhượng một phần đất nông nghiệp; đồng thời yêu cầu các văn phòng phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ việc lập vi bằng, xác nhận tránh lập lờ khiến người dân hiểu lầm.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Nguyễn Ngọc Thường khuyến cáo người dân không nên mua đất nông nghiệp phân lô, bán nền để ở hay đầu tư vì vô hình trung tiếp tay cho việc vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh. Mua đất nông nghiệp kiểu trên rủi ro rất lớn, vì khi Nhà nước thực hiện các dự án thu hồi đất sẽ không nhận được bồi thường và các hỗ trợ khác. Khi mua đất, người dân nên chọn đất có hồ sơ pháp lý rõ ràng, minh bạch như vậy sẽ đảm bảo các quyền lợi của mình.
Chính quyền địa phương không biết?
Theo các địa phương, việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp thường là tự thỏa thuận bằng hợp đồng với nhau rồi ra văn phòng công chứng xác nhận nên địa phương rất khó quản lý. Chỉ khi người mua đất xây dựng nhà ở, chính quyền phát hiện mới xử phạt thì đã muộn. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: tại sao tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra rầm rộ, chủ đất làm đường, đặt ống thoát nước… cả vài tháng liền nhưng chính quyền địa phương không hay? Vì sao người mua đất nông nghiệp dạng phân lô, bán nền còn được “bao” xây dựng? |
Theo: Báo Đồng Nai