Sự thay đổi triển vọng của cả 2 hãng định giá tín nhiệm quốc tế là Fitch Ratings và Moody’s có ý nghĩa xác nhận và phản ánh sự tích cực trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Và qua đó, tác động tích cực tới khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của Chính phủ…
Fitch Ratings hôm 1/4/2021 đã nâng mức triển vọng chung của Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực” và giữ nguyên đánh giá khả năng chi trả khi phát hành các khoản nợ bằng ngoại tệ dài hạn ở mức BB. Trong hệ thống xếp hạng của Fitch Ratings, hạng BB nằm ở mức trung bình, thuộc lớp tài sản “đầu cơ”, nằm dưới lớp “chất lượng tín dụng tốt” và trên lớp “có tính đầu cơ cao”.
Trước đó hai tuần, hãng định giá tín dụng Moody’s cũng đã thông báo giữ hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 – cũng thuộc lớp tài sản “đầu cơ” – nhưng triển vọng được nâng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”.
Phản ánh tăng trưởng kinh tế tích cực
Trong thông cáo báo chí của Fitch, triển vọng “Tích cực” của Việt Nam được nhìn nhận bởi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là sáu yếu tố chính.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP dương 2,9% trong năm 2020 nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và nhờ vào các chính sách hỗ trợ hợp lý, dù cho ngành du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 7% trong năm 2021 và 2022.
Mặc dù phần lớn là các nhân tố tích cực, thông cáo của Fitch Ratings cũng đồng thời chỉ ra những lo ngại có thể tác động tới triển vọng và xếp hạng tín dụng. Đó là các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh bởi Chính phủ sẽ tiềm ẩn nghĩa vụ tài chính của Chính phủ. Mặc dù vậy, Fitch Ratings cũng đánh giá cao nỗ lực giảm các khoản bảo lãnh từ chiếm tới 5,3% GDP năm 2019 xuống còn 4,2% năm 2020.
Thứ hai, tình hình tài chính đối ngoại của Việt Nam lành mạnh, với xuất khẩu tăng khoảng 7% trong năm 2020 và thặng dư vãng lai tương ứng với 3,6% GDP. Fitch Ratings cho rằng nhu cầu về linh kiện công nghệ cao và các thiết bị công nghệ thông tin tại thị trường Mỹ và các nước phát triển là động lực chính của xuất khẩu Việt Nam. Dự báo trong năm 2021 và 2022, thặng dư vãng lai so với GDP sẽ là 1,2% và 2,0%, so với trung vị các nước cùng hạng BB là 1,7%.
Thứ ba, dự trữ ngoại tệ mạnh, đạt 95,2 tỷ USD năm 2020, do thặng dư tài khoản vãng lai và do Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động mua vào ngoại tệ. Fitch dự báo dự trữ ngoại tệ sẽ đủ để trang trải tương đương 3,5 tháng nhập khẩu trong năm 2021 và 2022, mặc dù thấp hơn trung vị của hạng BB ở mức 5,2 và 4,7 tháng, nhưng chỉ số thanh toán nhanh của Việt Nam lại được dự báo cao gấp đôi so với các nước đó.
Thứ tư, Việt Nam thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, năm 2020 dòng vốn FDI ròng đạt 15,4 tỷ USD – khoảng 4% GDP. Fitch Ratings dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục khỏe mạnh nhờ sự đa dạng các đối tác thương mại và sự tham gia vào các thỏa thuận thương mại như Thỏa thuận Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ năm, đại dịch có tác động ít hơn lên các vấn đề tài chính công của Việt Nam so với các nước khác cùng hạng BB. Fitch dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam ở mức 3,5% GDP năm 2020, so với 7,2% của trung vị các nước cùng hạng BB, sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021 trước khi có thể thu hẹp lại vào năm 2022 do các chính sách hỗ trợ tài khóa có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021.
Thứ sáu, tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP ở mức 38,5% GDP, thấp hơn rất nhiều so với nhóm trung vị các nước cùng hạng BB đã tăng thêm 13% lên 59% trong năm 2020. Dự báo, tỷ lệ này của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức dưới 39% trong năm 2021 và 2022, thấp hơn nhiều so với trung vị các nước cùng hạng BB.
Cấu trúc sở hữu yếu của hệ thống ngân hàng cũng có tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm. Các ngân hàng thương mại sở hữu Nhà nước có tỷ lệ an toán vốn khoảng 9,5% vào cuối tháng 9/2020. Fitch Ratings cho rằng các khoản vay không hoạt động dường như được báo cáo ít hơn và chất lượng tài sản cũng yếu hơn so với các con số chính thức.
Những ý nghĩa từ việc thay đổi triển vọng
Với hạng BB của Fitch Ratings và Ba3 của Moody’s nằm trong lớp tài sản “đầu cơ”, triển vọng “Tích cực” có thể giúp Chính phủ dễ hơn trong việc bán các công cụ nợ trên thị trường quốc tế, nhưng giá của nợ có thể sẽ không có thay đổi nào đáng kể. Nói cách khác, vay nợ có thể được nhiều hơn nhưng lợi suất phải trả thì vẫn vậy.
Nhìn rộng ra, mặc dù bản chất của xếp hạng tín nhiệm là ở cấp quốc gia và thường có ý nghĩa nhiều hơn đối với công cụ nợ chính phủ nhưng nó cũng có ảnh hưởng tới cách nhìn của nhà đầu tư nước ngoài đối với các tài sản tài chính trong nước nói chung.
Việc hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm cùng lúc thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam theo chiều hướng tích cực phản ánh những chuyển biến thực sự tốt của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và cho thời gian sắp tới. Trong ngành kinh doanh xếp hạng, sự thay đổi triển vọng thường là bước đệm để quan sát thêm xem liệu mức xếp hạng kế tiếp có đạt được hay không.
Điều đó cũng có nghĩa là hiện tại Việt Nam chưa thực sự thay đổi hạng – điều sẽ có ý nghĩa nhiều hơn với thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là trong việc thu hút vốn nước ngoài. Bởi vì cuối cùng thì hạng mới là nhân tố quyết định tới rủi ro ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận mà nhà đầu tư cần.
Với thị trường chứng khoán, mức rủi ro hệ thống của thị trường có thể sẽ giảm chút ít do triển vọng thay đổi, dẫn tới lợi nhuận yêu cầu giảm xuống và giá tài sản trở nên hấp dẫn hơn một chút.
Điều này sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại vào thị trường. Nhưng chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng đó chỉ là những sự dịch chuyển ngắn hạn phản ánh đúng bản chất khẩu vị của lớp tài sản “đầu cơ” thay vì “đầu tư”. Nghĩa là nó sẽ thường xuyên vào nhanh rồi ra nhanh để tận dụng sự chênh lệch định giá tại các thị trường “đầu cơ”.
Đối với đầu tư tài sản thực thông qua đầu tư trực tiếp FDI, triển vọng “Tích cực” có thể lại là một yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhiều hơn. Điều này không hẳn nằm ở định giá tài sản như cách mà các nhà đầu tư gián tiếp hay làm, mà là ở kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thực. Phần lớn dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian qua đều hướng tới khu vực sản xuất chế tạo và bởi vậy một nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ khuyến khích dòng vốn vào khu vực này.