Nhiều địa phương trao quyền phát triển dự án điện cho nhà đầu tư mà không lưu tâm tới giá điện, lưới truyền tải, khiến dự án có nguy cơ trở nên rủi ro.
Chủ động
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Ialy Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 9.559 tỷ đồng. Dự án do Công ty Điện mặt trời Ialy Gia Lai làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 500 MW, sử dụng diện tích 538 ha, gồm 533 ha diện tích mặt nước lòng hồ Thủy điện Ialy và 5 ha diện tích mặt đất để xây dựng khu vực trạm biến áp và khu quản lý vận hành.
Dự án này dự kiến khởi công vào quý II/2022 và hoàn thành vào quý IV/2023, với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm.
Không chỉ tại tỉnh Gia Lai, trước đó, vào tháng 4/2021, một dự án điện mặt trời khác có “họ KN” là Nhà máy Điện mặt trời KN Ialy Kon Tum, công suất 200 MW, cũng đã được UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với cho Công ty cổ phần Điện mặt trời Ialy Kon Tum.
Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Kon Tum có quy mô vốn đầu tư 4.121 tỷ đồng, có phần vốn góp của chủ đầu tư là 15%, còn lại đi huy động vốn từ các tổ chức tín dụng từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2024. Dự án sẽ sử dụng 232,2 ha, trong đó khu vực bố trí tấm pin có diện tích 228 ha nằm trên lòng hồ Nhà máy Thủy điện Ialy.
UBND tỉnh Kon Tum, khi ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đã cho hay, Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Bình luận về việc những dự án điện có quy mô công suất lớn như 2 dự án nói trên được chấp thuận chủ trương đầu tư nhanh gọn, các chuyên gia cho hay, theo quy định của Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ năm 2021, ngoại trừ dự án nhà máy điện hạt nhân thuộc diện Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án điện còn lại nếu đã nằm trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thì địa phương là nơi ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và không bị ràng buộc về quy mô công suất hay quy mô vốn đầu tư như trước đây.
Trong xu thế đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương, việc nhanh chóng ra quyết định chấp thuận chủ trương như nói trên không có gì là khó hiểu.
Điểm chung của các dự án điện được địa phương ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhanh chóng gần đây là không có bất kỳ ràng buộc nào về giá điện, hệ thống truyền tải, trong khi ngành điện là ngành có những ràng buộc rất ngặt nghèo. Điều này sẽ dẫn tới thách thức cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai sau đó, dù đã được lựa chọn là nhà phát triển chính thức của dự án.
Lơ lửng
Thực tế, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời trang trại hay điện gió được hòa lưới truyền tải điện quốc gia thuận lợi đều do địa phương cấp phép đầu tư sau khi đã được bổ sung vào Quy hoạch điện trước đó.
Điểm chung của các Dự án điện được địa phương ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhanh chóng gần đây là không có bất kỳ ràng buộc nào về giá điện, hệ thống truyền tải, trong khi ngành điện là ngành có những ràng buộc rất ngặt nghèo.
Sở dĩ các dự án này không gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai nhờ áp dụng Quyết định 11/20217/QĐ-TTg, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cho điện mặt trời hay Quyết định 39/2018/QĐ-TTg cho điện gió với các quy định cụ thể về giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và rõ ràng về truyền tải, đấu nối để bán được điện.
Điều này khiến các nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời diện này không phải tốn thời gian đàm phán giá điện lẫn cách thức bán điện cho EVN trong tổng thể cân bằng hệ thống điện Việt Nam.
Tuy nhiên, với 2 dự án điện mặt trời nổi được Kom Tum và Gia Lai chấp thuận mới đây lại chưa rõ sẽ bán điện cho ai, theo giá nào, sản lượng ra sao và dùng đường dây nào để đấu nối tới bên mua, bởi các cơ chế mua điện mặt trời từ ngày 1/1/2021 tới nay vẫn chưa được ban hành.
Không chỉ có 2 dự án điện mặt trời nói trên, quan sát hàng loạt dự án điện gần đây được các địa phương cấp phép đầu tư như Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, Dự án Nhiệt điện khí Ô Môn II, Dự án Điện khí LNG Long An hay các dự án điện khí LNG đang được Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuậnh tiến hành các bước chọn nhà đầu tư, những người am hiểu quá trình thực hiện các dự án điện đều lo ngại về việc triển khai hậu cấp phép còn rất chông gai.
“Các dự án điện này không có giá bán điện, sản lượng điện bán cụ thể để đàm phán với bên mua. Đường truyền tải điện từ dự án đến nơi tiêu thụ do ai đầu tư, chi phí này tính vào đâu đều không rõ. Rất nhiều biến số không cụ thể hoặc chưa được chốt với bên mua điện và không biết bao giờ chốt được, nhưng lại cứ đặt mốc cụ thể về phát điện là rất đáng quan ngại. Điều này sẽ dẫn tới sự chủ quan trong đảm bảo điện vì cho là triển khai dễ, trong khi không biết bao giờ mới xong”, ông Nguyễn Bình, chuyên gia tư vấn của một số dự án điện lớn hiện nay cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ Công thương – cơ quan quản lý chuyên ngành về điện cũng cho biết, Bộ đã yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhanh chóng có công văn gửi tới các địa phương về những vấn đề cần lưu ý trong quá trình cấp phép cho các dự án điện để tránh tình trạng được cấp phép nhanh, nhưng không thể triển khai nhanh trong thực tế do nhà đầu tư không đàm phán được giá điện và các điều kiện liên quan để có thể tiến hành vay vốn.
“Trong quá khứ, có những dự án lớn mất cả chục năm vẫn lơ lửng, như Dự án Điện Kiên Lương; các dự án điện BOT muốn được bảo lãnh nhiều cũng mất 3 – 5 năm để đàm phán. Nếu các dự án mới không yêu cầu bất cứ bảo lãnh gì và cam kết bán điện giá hấp dẫn không quá 7 UScent/kWh, thì mới mới hy vọng kết thúc sớm như nhà đầu tư dự tính. Còn không thì thật khó nói gì”, ông Bình chia sẻ.
Nguồn dẫn: Thanh Hương/ Báo đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/du-an-dien-moi-gap-rui-ro-neu-khong-xac-dinh-duoc-ban-dien-cho-ai-theo-gia-nao-d146183.html