5 năm qua, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.
Trong tổng số 21 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt, đều là các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, 5 năm qua, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.
Đó là một số vấn đề được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Theo nghị trình, đây là báo cáo được trình bày trong phiên họp sáng 22/7 của Quốc hội.
Chưa có bứt phá lớn
5 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 5,99% (mục tiêu 6,5-7%). GDP bình quân đầu người đến năm cuối kỳ đạt 2.779 USD (mục tiêu 3.200–3.500 USD).
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đến năm cuối kỳ đạt 84,82% (mục tiêu 85%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm cuối kỳ đạt 64,5% (mục tiêu 65-70%) và Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân đạt 0,45% (mục tiêu giảm 1-1,5%).
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, 5 năm qua, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.
Cũng cần được nhấn mạnh thêm là thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa bền vững, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần , cơ cấu thu chưa đạt theo kế hoạch, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong đầu tư chưa được phát huy .
Thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu NSNN giảm, công tác kê khai thuế, quản lý thuế đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế. Nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi. Các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng (doanh nghiệp nhà nước, FDI và tư nhân) đều không đạt dự toán. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN vẫn còn ở mức cao (64,9% tổng chi NSNN năm 2017, 64% năm 2020). Chi cho khoa học, công nghệ không đạt chỉ tiêu 2% tổng chi NSNN, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, giai đoạn đầu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, vẫn còn tình trạng giao vốn và giải ngân chậm dẫn đến phải kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đáng chú ý là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đến hết năm 2020, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại là 9.923 tỷ đồng. Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn gồm: Ninh Bình (5.596 tỷ đồng), Lạng Sơn (1.582,1 tỷ đồng), Phú Thọ (755 tỷ đồng), Quảng Ninh (715 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải (1.214 tỷ đồng)…
Hạ tầng có phần chững lại
Trong ba đột phá chiến lược, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại so với giai đoạn 2011 – 2015. Việc triển khai thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia còn chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Báo cáo cũng điểm danh các dự án chậm: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Bến Lức – Long Thành, Trung Lương – Mỹ Thuận, các tuyến đường ven biển gắn với đê biển, đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam; Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông…
Bên cạnh đó, việc hoàn thành 2.000 km đường bộ cao tốc chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa kết nối và quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị lớn và cửa ngõ vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất căng thẳng, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.
Vẫn nằm trong hạn chế, Uỷ ban Kinh tế nhận xét, hạ tầng giao thông phát triển còn chưa đồng đều; các tỉnh miền núi và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư còn hạn chế, bất cập.
Văn hóa phát triển chưa tương xứng với kinh tế
Tổng hợp ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế phản ánh, 5 năm qua văn hóa có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với kinh tế. Tình trạng vi phạm chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực đạo đức, bạo lực học đường… vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội.
Công tác chỉ đạo về bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần được quan tâm hơn; cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa kịp thời.
Tệ nạn nghiện hút ma túy còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận . Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao. Tình hình tội phạm mua bán người một số thời điểm diễn biến phức tạp và hoạt động tinh vi.
Về phòng chống tham nhũng, các cơ quan của Quốc hội cho rằng tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố mới giảm nhưng cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Đáng chú ý là trong một số vụ có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thực hiện hành vi tham nhũng .
Sau khi nghe các báo cáo về kinh tế, xã hội, kế hoạch 5 năm, chiều 22/7 Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung này.
Nguồn dẫn: An Nguyễn/ Báo đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/uy-ban-kinh-te-nhan-manh-dieu-gi-khi-tham-tra-ke-hoach-kinh-te—xa-hoi-5-nam-d147869.html