Doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017. Tuy nhiên, tính chắc chắn của doanh thu và chất lượng của tài sản vẫn là một dấu hỏi khi nhìn vào báo cáo tài chính của HBC.
Doanh thu… tùy biến?
Năm 2017, HBC đạt doanh thu thuần 16.037 tỷ đồng, vượt 0,2% so với kế hoạch và tăng 48,9% so với năm 2016; lãi ròng đạt 859,2 tỷ đồng, vượt 3,8% so với kế hoạch và tăng 51,5% so với năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu như trên có thể coi là khá ấn tượng. Tuy nhiên, doanh thu của HBC luôn bị đặt dấu hỏi với phương pháp ghi nhận doanh thu theo tiến độ kế hoạch.
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam: “Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì doanh thu của hợp đồng xây dựng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập Báo cáo tài chính mà không phụ thuộc vào hoá đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập hay chưa và số tiền ghi trên hoá đơn là bao nhiêu”.
Nói một cách dễ hiểu, theo phương pháp này, HBC đã bắt đầu ghi nhận doanh thu kể từ khi có nghiệm thu của khách hàng dù có hay không có hóa đơn. Tính chất “tùy biến” của doanh thu, do đó, là không thể loại trừ.
Cách ghi nhận doanh thu như trên cũng hình thành nên khoản mục “Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” trên bảng cân đối kế toán, bên cạnh khoản phải thu thông thường. Và đây là điểm khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Năm 2017, khoản “Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” của HBC đã tăng rất mạnh, từ 2.904 tỷ đồng lên 4.673 tỷ đồng (tăng 1.769 tỷ đồng), tương đương tăng 61%.
“Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” phần lớn là các khoản đã ghi nhận doanh thu nhưng chưa thực hiện nghiệm thu theo hóa đơn. Việc khoản phải thu này tăng mạnh là điểm đáng lưu ý với nhà đầu tư, bởi tăng càng mạnh càng chứng tỏ lượng doanh thu ghi nhận nhưng chưa thực hiện nghiệm thu theo hóa đơn càng nhiều.
Trong khi đó, khoản “Phải thu ngắn hạn của khách hàng” năm qua cũng có sự gia tăng đáng kể, từ 2.250 tỷ đồng lên 3.225 tỷ đồng (tăng 974 tỷ đồng), tương đương tăng 43%.
Tổng cộng lại, các khoản phải thu ngắn hạn của HBC là 9.190 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu kỳ và chiếm tới 65,6% tổng tài sản.
Áp lực trả nợ
Trên bảng nguồn vốn của HBC, có một chi tiết đáng chú ý là khoản mục “Người mua trả tiền trước” suy giảm khá mạnh so với đầu năm, từ 2.531 tỷ đồng giảm xuống còn 1.436 tỷ đồng (giảm 1.192 tỷ đồng). Sự sụt giảm này phần lớn là do khoản “ứng trước của hợp đồng xây dựng” giảm mạnh (từ 2.244 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng).
Tiền ứng trước cho hợp đồng xây dựng suy giảm diễn ra trong bối cảnh các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên vùn vụt đã khiến HBC buộc phải tăng vay nợ ngắn hạn để bù đắp dòng tiền.
Và trên thực tế, nợ vay ngắn hạn của HBC năm 2017 đã tăng rất mạnh từ 2.719 tỷ đồng lên 4.279 tỷ đồng, tăng 1.560 tỷ đồng, tương đương tăng 57%.
Nợ vay tăng mạnh đã kéo chi phí lãi vay năm qua của HBC tăng theo, từ 145 tỷ đồng lên 266 tỷ đồng.
Áp lực trả nợ vay của HBC ở thời điểm hiện tại là rất lớn khi hầu hết các khoản vay ngân hàng của công ty đều có mức lãi suất áp dụng theo từng lần giải ngân và đa số đáo hạn trong khoảng thời gian trước mắt (từ tháng 4 – 6/2018).
Năm 2018, HBC có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược với số lượng tối đa 25% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành. Với giá phát hành không thấp hơn 3 lần giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành, ước tính HBC sẽ thu về ít nhất 1.600 tỷ đồng. Đây sẽ là dòng tiền lớn giúp HBC giải cơn khát vốn, tuy nhiên với “truyền thống” sử dụng đòn bẩy, không lại trừ khả năng HBC sẽ lại tiếp tục tăng mạnh nợ vay trên cơ sở vốn chủ sở hữu đã tăng mạnh.
Dòng tiền kinh doanh của HBC năm qua đã âm rất nặng (-1.095 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu tiếp tục duy trì ở mức rất cao và HBC đã không còn “chiếm dụng vốn” của nhà cung cấp được nhiều như năm trước đó nữa.
Theo: Vietnamfinancial