Phong trào homestay đang rớt nhanh xuống đáy do chịu tác động trực tiếp từ làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Đăng lên trang Facebook cá nhân bản cam kết không đón khách lưu trú du lịch từ ngày 19.7 theo yêu cầu của cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Hồng Điệp, cô chủ trẻ từ bỏ công việc ở Sài Gòn lên Đà Lạt khởi nghiệp homestay kèm theo dòng trạng thái “Văn bản dưới đây chỉ có ý nghĩa công khai và chính thức cái sự nghèo đói của mình thôi, chứ thực ra thì… mình nghèo từ lâu rồi”. Đúng là trước khi có quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc tiếp tục áp dụng một số biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Điệp cùng với nhiều “đồng nghiệp” khác đã đăng ký thủ tục tạm dừng kinh doanh từ giữa tháng 5.
Kinh nghiệm từ những mùa trước, ngay khi dịch mới có dấu hiệu khởi phát trở lại ở một số tỉnh thành, nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, phải nhanh tay đi làm thủ tục để “cắt thuế” ngay cho tháng sau, vì thị trường du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất nhanh và mạnh. Tuy nhiên, khác với 3 lần trước, đợt dịch lần thứ 4 này diễn biến dai dẳng và phức tạp hơn, vượt ra ngoài dự đoán làm nhiều người điêu đứng.
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đúng lúc cao điểm hè đã nhấn chìm hy vọng cuối cùng của những căn homestay nhà gỗ lãng mạn, ấm cúng ở Đà Lạt. Chưa bao giờ những người làm trong ngành thu mua đồ cũ, đồ thanh lý ở thành phố này chứng kiến nhu cầu thanh lý đồ đạc để trả mặt bằng lại nhiều đến vậy. Anh Định, quản lý trang “Chợ tốt Đà Lạt”, một trong những kho đồ thanh lý lớn nhất ở thành phố này, cho biết, anh vừa phải từ chối cuộc gọi thanh lý giường, nệm, tủ, bàn ghế… của một homestay do kho không còn chỗ để. Không chỉ homestay, nhu cầu thanh lý từ các quán ăn, quán cà phê thời gian này đổ về dồn dập nên anh chỉ ưu tiên cho các đồ dùng có giá trị cao và gọn nhẹ như đồ điện tử, điện máy, đồ gia dụng.
Không thanh lý được đồ đạc như ý muốn, Tiến, chủ một homestay nhỏ, đang phải dọn dẹp để trả lại mặt bằng cho chủ nhà trong cuối tháng 7 đành phải kêu người đến bán sắt vụn được chẵn 4 triệu đồng. Bao công sức, tâm huyết lẫn số vốn hơn 500 triệu đồng đã bỏ ra, nhưng Tiến đã sức cùng lực kiệt sau hơn 1 năm kinh doanh ảm đạm vì dịch bệnh hoành hành.
2019 là năm Đà Lạt ghi nhận số lượng các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch theo loại hình homestay tăng mạnh. Theo thống kê của ngành du lịch, đến hết năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 2.250 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 60% so với năm 2018, trong đó homestay tăng đột biến).
Theo thống kê của thành phố Đà Lạt, cuối năm 2019, Đà Lạt có hơn 730 cơ sở homestay với gần 5.750 phòng và khoảng 10.500 giường, tăng 40% về số lượng, khoảng 35% về số phòng và hơn 30% về số giường. Đây là con số chưa được thống kê đầy đủ, nghĩa là thực tế, các con số còn cao hơn.
Ngoài một số homestay được đầu tư bài bản, thì có không ít homestay quy mô nhỏ của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Với số vốn đầu tư ít ỏi, chỉ có thể thuê lại hoặc tận dụng nhà ở một cách sơ sài, mức độ đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi, trang bị hạn chế, dịch vụ kém khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường bình thường đã khó, đến đợt dịch kéo dài này không ít cơ sở phải gục ngã.
Trên các trang rao vặt, các group nội bộ homestay, khách sạn Đà Lạt, các tin thanh lý, sang nhượng, cho thuê homestay giá rẻ kèm theo nhiều ưu đãi mùa dịch liên tục được rao ào ạt từ cuối tháng 6. Đa phần chấp nhận sang nhượng chỉ bằng nửa giá đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, nhiều chỗ còn chịu mất trắng luôn chỉ mong lấy lại được khoản tiền cọc, nhưng hầu như lượng phản hồi rất ít.
Không chỉ tác động trực tiếp đến những người vốn mỏng hoặc phải đi thuê, nhiều chủ chuỗi đầu tư homestay trường vốn cũng phải bắt đầu thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Vốn có nhà có đất để sửa sang lại, Toàn không mất quá nhiều vốn đầu tư ban đầu để bắt đầu cơ sở homestay đầu tiên nên vay mượn thêm tiền ngân hàng để xây thêm cơ sở thứ 3 trên miếng đất trống của gia đình, nhằm tạo thành chuỗi với nhiều phong cách phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Nhưng từ khi dịch bùng phát, 3 cơ sở phải đóng cửa cùng lúc khiến áp lực trả tiền thuê, tiền nợ ngân hàng đè nặng lên vai ông chủ trẻ. Toàn quyết định trả bớt villa đi thuê, tạm thời chuyển sang phụ việc trồng rau sạch cho vợ để có tiền trả nợ ngân hàng.
Qua đợt dịch này, liệu loại hình homestay có phục hồi được hay không vẫn còn tùy thuộc vào sự khởi sắc của thị trường và các biện pháp được áp dụng sau dịch. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư đã nhận thức khá rõ là phải có dự phòng rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Dự phòng lớn nhất mà đa số dân làm homestay ở đây đều nghĩ đến là tìm thêm hướng đầu tư song song để kiếm thêm thu nhập sau này, tránh tình trạng “bỏ hết trứng vào một rổ”.
Nguồn dẫn: Cẩm Tú/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-740-3341615