Hiếm có chính sách nào của Nhà nước đã tạo ra những tranh luận, tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội như chính sách thuế tài sản, dù nó chỉ mới ở dạng dự thảo, bởi đơn giản, nếu thành hiện thực, chính sách này tác động trực tiếp tới túi tiền của người dân.
Nguồn: Vietnamplus |
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đã đánh giá đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính công bố trong họp báo chiều ngày 13-4 tại Hà Nội, ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng còn “nóng” hơn cả chuyện Mỹ và một số nước phương Tây không kích Syria vào sáng 14-4 sau đó.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cho biết bộ này kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Lập luận của Bộ Tài chính rằng dự án Luật Thuế tài sản là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Nhà nước về chính sách thuế đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ; góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc ban hành Luật thuế tài sản để thay thế cho các sắc thuế trong quá trình sử dụng tài sản hiện hành là cần thiết.
Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỉ đồng. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam, cơ quan soạn thảo đề nghị 2 phương án thuế suất thuế tài sản gồm: áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%; hoặc áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%.
Dự kiến số thu thuế tài sản đối với phương án 1 là khoảng 22.700 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng) hoặc khoảng 23.300 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng); đối với phương án 2 là khoảng 30.300 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng) hoặc khoảng 31.000 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).
Vậy là quá nhiều bức xúc, phản đối gay gắt thể hiện trên mạng, từ cư dân mạng bình thường tới doanh nhân. Sau khi chê bai chính sách thuế, một doanh nhân ngành du lịch đã mỉa mai: “Mình chưa làm quản lý nhà nước bao giờ, nghĩ quản lý nhà nước là việc rất khó. Nhưng giờ thấy không khó lắm: hễ thiếu tiền thì thêm thuế, tăng thuế, vẫn thiếu thì thêm nữa, tăng nữa”.
Một facebooker bình luận rằng việc đề xuất đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên, chứ không đánh thuế với nhà thứ hai trở đi không khác gì thiết kế chính sách phục vụ người giàu. Về mức thuế 0,4% cho phần từ 700 triệu đồng trở lên. Nhà bạn giá 1,7 tỉ đồng, thì bạn phải đóng thuế 4 triệu đồng/năm, giá nhà 2,7 tỉ đồng thì đóng 8 triệu đồng/năm, không khác gì “vặt” ngay một tháng tiền lương của người lao động.
Đa phần những ý kiến phản đối cho rằng chính sách thuế này không khoan sức dân, tận thu, càng triệt tiêu đầu tư, tích lũy của người dân sau khi nộp nhiều loại thuế, cái tích lũy được là ngôi nhà, vẫn bị đánh thuế.
“Cực vô lý như đánh thuế ô tô 1,5 tỉ đồng trở lên khi cả thế giới có 3 nước áp dụng, các cường quốc không làm mà ta lại nghĩ ra. Rõ là tư duy làm chính sách rất có vấn đề chứ không chỉ là tận thu”, một facebooker viết.
Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Đinh Thế Hiển lại có những nhận xét đánh giá ngược lại khi ông cho rằng “thuế đánh vào nhà trên 700 triệu đồng, khoan nói đúng hay sai, sẽ là vặt lông con ngỗng hoặc con đại bàng, vì người có nhà trị giá trên 700 triệu đồng, không phải là vịt (dù mua trả góp)”. Ý là ông phản bác lại ý kiến bức xúc của nhiều người trên mạng xã hội cho rằng chính sách thuế này xem người dân như con vịt và “vặt lông”.
Ông cho rằng nguyên nhân cốt lõi khiến giá nhà đất cứ tăng, và sẽ tăng. Đó là vì luôn luôn có lực mua của mọi người dân; tại sao người dân cứ yên tâm mua đất rồi chờ tăng giá, mà các nước phát triển giàu tiền hơn không (dám) làm? Đó chính là Việt Nam chưa áp dụng thuế tài sản (chủ yếu là bất động sản), điều đó đang làm kinh tế Việt nam đi lùi về thời phong kiến, ở đó địa chủ và lãnh chúa thời mới, tức là những người sở hữu nhà đất sẽ sống ung dung; còn tá điền thời mới (công nhân, nhân viên) phải làm cật lực mà không có được cuộc sống xứng đáng như đáng lẽ phải có của người lao động siêng năng như các nước phát triển. Quan sát các nước phát triển cho thấy những nước có thuế suất tài sản (bất động sản) cao, không hề làm đa số người dân bị “vặt lông vịt”; mà ngược lại, đều có mức sống của số đông tốt hơn.
Và sau khi có ý kiến của ông Hiển đăng trên Facebook cá nhân, một số báo trích đăng lại, lại tạo thành các cuộc tranh luận tiếp và có lẽ còn kéo dài, bởi thuế tài sản là chính sách mới mà Bộ Tài chính ấp ủ muốn xây dựng từ lâu.
Theo: TBKTSG