Thép, ngân hàng, chứng khoán nằm trong số ít những ngành có sức chống chọi tốt trước tác động của COVID-19.
Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19, một số doanh nghiệp vẫn báo lãi khủng trong nửa đầu năm nay.
Thép thắng lớn
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong nửa đầu năm 2021, ngành thép được mùa lớn khi sản xuất và tiêu thụ đều tăng 35-37% so với cùng kỳ. Với diễn biến này, nhiều doanh nghiệp thép đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất khả quan.
Dẫn đầu ngành thép hiện nay là Hòa Phát. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty này tăng 67,2%, đạt 66.295 tỉ đồng; lãi ròng tăng 3,3 lần, đạt 16.750 tỉ đồng, hoàn thành 55,2% chỉ tiêu doanh thu và gần như hoàn tất (93%) kế hoạch lãi sau thuế. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này đã vượt 24% so với lãi sau thuế cả năm 2020 của Công ty.
Theo lý giải của Hòa Phát, trong nửa đầu năm nay, Công ty đã tăng mạnh về sản lượng sản xuất cũng như tiêu thụ. Cụ thể, Hòa Phát đã sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% và bán ra gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60%. Trong đó, thép xây dựng được tiêu thụ mạnh, đứng đầu về thị phần (34,6%).
Lợi thế cho Hòa Phát và các công ty thép khác còn ở giá bán. Tuy giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá thép nửa năm qua tăng mạnh 40-50%. Ngoài ra, các lĩnh vực khác của Hòa Phát như nông nghiệp và bất động sản cũng duy trì đà tăng trưởng.
Không riêng Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp thép cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thép Nam Kim đạt 1.166 tỉ đồng lãi ròng, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 4 lần cả năm 2020. Hay Công ty Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận lãi ròng 740 tỉ đồng chỉ sau nửa đầu năm. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục khi tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ và vượt xa kế hoạch lãi ròng của cả năm. Tuy vậy, sang 6 tháng cuối năm 2021, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giá thép sẽ hạ nhiệt và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhiều khả năng suy giảm.
Ngân hàng, chứng khoán tỏa sáng
Ngân hàng cũng là một trong số ít ngành chống đỡ tốt trước tác động của dịch bệnh. Vietcombank, chẳng hạn, báo lãi trước thuế 6 tháng hơn 13.573,4 tỉ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm đề ra. Theo lãnh đạo của ngân hàng này, dù có những bất lợi vì dịch bệnh nhưng Vietcombank đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng kỹ thuật số và nhất là phân phối sản phẩm bảo hiểm theo thỏa thuận với FWD nên đã cho kết quả kinh doanh khả quan.
Tại Techcombank, lãi trước thuế nửa đầu năm tăng 71,2%, đạt 11.536 tỉ đồng, hoàn thành hơn nửa chỉ tiêu đề ra. Đứng thứ 3 là VietinBank với lợi nhuận trước thuế 10.850 tỉ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ. VPBank cũng ghi nhận lãi trước thuế hơn 9.000 tỉ đồng, tăng 37,2%.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng ở các ngân hàng đến cuối năm nay và sang năm 2022 có thể không được như kỳ vọng. Bởi theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam có thể sẽ kéo dài hơn, cùng với đó là gói cho vay ưu đãi thứ 8 và tỉ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh. Thu nhập lãi thuần dự báo sẽ chịu một số áp lực.
Bên cạnh khối ngân hàng, các công ty chứng khoán đã có nửa năm ăn nên làm ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lập các kỷ lục về giao dịch. Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) hiện dẫn đầu ngành khi đạt lợi nhuận sau thuế 6 tháng lên tới 1.475 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Kinh doanh trái phiếu đã đóng góp không nhỏ vào kết quả này. Các mảng kinh doanh lõi như môi giới, cho vay margin hay tư vấn tài chính cũng rất thuận lợi.
Xếp theo sau là SSI khi báo lãi sau thuế 992,4 tỉ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ. Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) cũng gây ấn tượng với lợi nhuận nửa đầu năm 2021 đạt 904,6 tỉ đồng, tăng gần 4,7 lần so với cùng kỳ và vươn lên vị trí thứ 3 về lợi nhuận trong ngành chứng khoán.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm với lợi nhuận lần lượt đạt 702 tỉ đồng và 375,8 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 117% và 1.582% so với cùng kỳ. Theo FPTS, mức tăng trưởng lợi nhuận có phần đột biến ở Công ty, ngoài các hoạt động kinh doanh cốt lõi còn có đóng góp không nhỏ từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH.
Đối với những ngành khác như hóa chất, nhờ giá sản phẩm tăng và chi phí được tiết giảm nên nửa đầu năm 2021, Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đạt 846,4 tỉ đồng doanh thu, tăng 32,6% và lãi sau thuế đạt 52,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 10,8 tỉ đồng. DAP – VINACHEM cũng chứng kiến doanh thu tăng gấp 2,7 lần, đạt 748 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế là 54,6 tỉ đồng, so với mức lỗ 27,4 tỉ đồng cùng kỳ.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, các ngành liên quan đến xuất khẩu và dịch vụ phụ trợ cho xuất khẩu (cảng biển, logistics), nhóm bán lẻ, sản xuất hàng hóa tiêu dùng… đều có nhiều tiềm năng.
Nguồn dẫn: Viết Nguyễn/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/ai-dang-lai-lon-3341921/