Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong mục tiêu chung của kế hoạch kiểm toán năm sau vẫn phải đặt tăng cường củng cố nền tảng vĩ mô lên hàng đầu.
Cần làm rõ mức tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán, xem có hay không việc dùng tín dụng tiêu dùng để kinh doanh bất động sản, chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu với Kiểm toán Nhà nước.
Sáng 14/9, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết số lượng cuộc kiểm toán đưa vào kế hoạch không tăng tổng so với năm 2021 là 181 cuộc.
Kế hoạch năm sau sẽ tập trung kiểm toán các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh, phòng ngừa và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách. Việc này nhằm phục vụ cho phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội.
Trọng tâm kiểm toán năm sau còn là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Như, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên – Môi trường và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021; việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.
Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp một số dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu; quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế; phát triển văn hóa, giáo dục; cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo và vệ sinh nước sạch nông thôn… cũng nằm trong dự kiến kiểm toán của năm 2022… cũng được đưa vào kế hoạch của năm 2022.
Thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước đặc biệt lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch được ban hành”, bảo đảm chất lượng và thời gian các chuyên đề giám sát.
Cơ bản đồng tình với kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong mục tiêu chung vẫn phải đặt tăng cường củng cố nền tảng vĩ mô lên hàng đầu, đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách, an toàn bền vững nợ công, cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Đặc biệt cần tập trung làm rõ cơ cấu và chất lượng tín dụng, làm rõ mức tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, xem có hay không việc dùng tín dụng tiêu dùng để kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung cần làm rõ nữa là nợ xấu có xu hướng tăng lên do khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid – 19, nợ xấu cho vay BOT nhất là quốc lộ 1A xác định chính xác là bao nhiêu, rồi nợ đã xấu rồi mà chưa chuyển sang nhóm nợ xấu là bao nhiêu.
Vẫn liên quan đến ổn định vĩ mô, Chủ tịch lưu ý việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong khi giải ngân đầu tư công rất thấp, mà phát hành trái phiếu là phải trả lãi, tiền để đó không tiêu được.
Việc sử dụng tồn ngân kho bạc nhà nước tạm ứng, cho vay, việc sử dụng quỹ dành cải cách tiền lương cho xây dựng cơ bản trong khi nguồn cho cải cách này còn chưa đảm bảo cũng là những vấn đề được ông Vương Đình Huệ đề cập.
Một vấn đề nữa Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải xác định là một mục tiêu kiểm toán trong năm sau là phân bổ nguồn lực cho phòng chống Covid-19. Chúng ta là nước nghèo, tập trung nhân lực vật lực cho chống dịch là đúng rồi nhưnh phải tiết kiệm và đúng mục tiêu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về đầu tư, theo ông Vương Đình Huệ cần chú trọng kiểm toán công tác chuẩn bị, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở cả trung ương và địa phương.
Liên quan đến kiểm toán hoạt động để phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể bố trí thêm một số cuộc kiểm toán chuyên đề. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Thường vụ góp ý như vậy, còn thẩm quyền tối cao của kế hoạch năm sau vẫn là của Tổng kiểm toán Nhà nước”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi kế hoạch kiểm toán của năm 2022 được trình ra Quốc hội.
Nguồn dẫn: Nguyễn Lê/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/lam-ro-co-hay-khong-tin-dung-tieu-dung-do-vao-chung-khoan-bat-dong-san-d151464.html