“Đột phá cơ chế cùng DN phát triển TPHCM nhanh và bền vững”, là chủ đề của buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2018 diễn ra cuối tuần qua.
Xây dựng TP thông minh
Nhờ các nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính, trong năm 2017 đã có 845 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 2,37 tỷ USD; 193 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 1,02 tỷ USD; 2.357 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, với vốn đăng ký tương đương 2,22 tỷ USD.
Tính chung, năm 2017 TPHCM thu hút được 6,6 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng hơn 90%, so với 2016 (3,46 tỷ USD). Nhờ vậy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của TPHCM từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, đến năm 2017 chiếm 18,4% của cả nước (35,88 tỷ USD). Từ đầu năm đến hết tháng 3-2018, TP đã thu hút được 1,37 tỷ USD vốn FDI (cả nước là 5,8 tỷ USD).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết 2018 là năm có ý nghĩa, năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; đồng thời cũng là năm TP triển khai đề án “Xây dựng TP trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Để triển khai thành công đề án này, TPHCM mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ nhiều TP trên thế giới cũng như có sự hợp tác với các DN FDI.
Ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham), cho biết các DN Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng TP thông minh. Amcham phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin – Truyền thông và các tỉnh, thành Việt Nam, đã thành lập Hiệp hội Công nghiệp thành phố thông minh Hoa Kỳ – Việt Nam. Hiện hiệp hội có 30 DN thành viên hoạt động trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, phần mềm, phần cứng, năng lượng và công nghệ xử lý nước thải.
Tiếp theo, ông Michele D’Erocole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italia (Icham) tại Việt Nam đánh giá cao dự án xây dựng TP thông minh của TPHCM, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng TP thông minh của Italia tại TP Milan và cảng Genoa.
Cùng tháo gỡ vướng mắc
Trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các DN FDI vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM. Và rất mong các DN hãy chia sẻ cùng tham gia, hỗ trợ TP triển khai thành công các dự án thông qua việc đầu tư về vốn, về giải pháp công nghệ đã được áp dụng thành công thời gian qua.
Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN,
Bí thư Thành ủy TPHCM
Ngoài những ý kiến đóng góp chung tay xây dựng TP thông minh, đại diện các hiệp hội DN nước ngoài cũng gửi đến lãnh đạo TP, các sở ngành một số vướng mắc cần được giải quyết. Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (Kocham), cho biết Hàn Quốc hiện có 6.610 dự án, tổng vốn 58,1 tỷ USD tại Việt Nam; trong đó tại TPHCM có 1.200 dự án. Kim ngạch thương mại 2 nước dự kiến 100 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Kim Heung Soo đề xuất Việt Nam cần làm rõ lợi ích bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài; phát triển ngành logistic, giảm chi phí logistic để DN cạnh tranh và phát triển; các lĩnh vực thuế, hải quan cần ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa.
Đại diện cho các DN Nhật Bản, ông Onose, Chủ tịch Ban Tài chính – Thuế – Hải quan (thuộc Phòng Thương mại – Công nghiệp Nhật Bản) có một số kiến nghị. Liên quan Nghị định 09/2016/NĐ-CP về việc quy định nhà sản xuất thực phẩm bổ sung một số thành phần dinh dưỡng đối với mặt hàng muối, bột mì, dầu thực vật, ông cho rằng để thực hiện quy định này, các nhà đầu tư sản xuất thực phẩm liên quan sẽ chịu thêm các chi phí phát sinh trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các trang thiết bị mới.
Đề cập đến nghị định thực thi các điều khoản trong luật bảo vệ môi trường, bao gồm các quy định về việc xây dựng cơ sở vật chất chứa và xử lý nước thải, ông Onose cho rằng quy định hình thành các tiêu chí phân tích và phân loại cũng như các tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật cần được cụ thể, hợp lý và rõ ràng để đảm bảo việc vận dụng quy định này không bị sai và nhầm lẫn…
Trong khi đó, bà Saranya Skontanarak, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Lan (TBA), khẳng định Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư trọng tâm của các DN Thái Lan. Bà đề nghị TP nên tập trung phát triển năng lực cho đội ngũ nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các DN.
Chia sẻ với đại diện DN FDI, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của DN FDI với kinh tế – xã hội của TP. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, tác động lan tỏa từ DN FDI sang DN trong nước chưa được như kỳ vọng, tỷ lệ chuyển giao công nghệ vẫn chưa cao. “TP mong muốn các DN FDI đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng TP bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường” – ông Phong nói.
Theo: Thanh Dung/ Sài Gòn Đầu tư