Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Minsk (Liên Xô cũ), năm 1990 tôi trở về làm công tác giảng dạy pháp luật tại Trường Đại học An ninh (C500). Đầu năm 1998 tôi nhận được quyết định điều động về làm thư ký của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến Văn phòng Chính phủ nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Phan Văn Khải cho gọi tôi vào gặp tại phòng làm việc của Ông. Đó là một căn phòng rất gọn gàng, giản dị, rộng chừng 30m2. Các đồng chí ở Văn phòng Chính phủ cho biết Ông đã ngồi làm việc ở đây từ thời còn là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, Ông không chuyển sang căn phòng lớn hơn ở bên cạnh mà người tiền nhiệm là Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại.
Trong lần gặp đầu tiên và rất ngắn ấy, sau khi nói một số yêu cầu chung về công việc, kết thúc cuộc gặp, Thủ tướng Phan Văn Khải (sau này tôi thường xưng hô thân mật là Chú Sáu vì tuổi tôi cũng chỉ xấp xỉ tuổi con trai của Ông) dặn tôi một câu rất ngắn gọn: “Phải không ngừng học hỏi phấn đấu vươn lên, nắm chắc công việc, nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy là giỏi chưa chắc đã làm được việc, quan trọng là phải cầu thị, phối hợp và tập hợp được mọi người cùng làm việc”.
Sau hơn 4 năm làm thư ký, rồi gần 4 năm làm trợ lý cho Ông, nhớ lời dặn đó, tôi luôn suy nghĩ, tự đánh giá về công việc mình làm để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Được làm việc gần Thủ tướng, tôi thấy ở Ông một tấm lòng rộng lượng, vị tha và chu đáo dù công việc rất bề bộn và áp lực rất lớn. Ông luôn nhìn thấy và tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở mỗi con người, tạo cho họ cơ hội để làm tốt công việc được giao và sửa sai những yếu kém, khuyết điểm gặp phải.
Tôi còn nhớ trong nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng (1997 – 2002), cơ quan tham mưu và tư vấn đã đề xuất và được Ông đồng ý cho công khai số điện thoại cơ quan của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, của Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và cán bộ, chuyên viên các bộ phận tham mưu giúp việc. Một hôm vào đầu giờ chiều, trời nóng nực, tôi nhận được một cú điện thoại từ Quảng Trị gọi vào máy điện thoại phòng làm việc cho biết có một thanh niên nhảy xuống sông tự tử đã được nhân dân cứu đưa lên trên bờ. Người thanh niên này nhận là cháu của Thủ tướng Phan Văn Khải, là học viên của một trường của quân đội, bị nhà trường kỷ luật đuổi học oan nên đã quẫn bách như vậy.
Tôi báo cáo ngay với Thủ tướng. Ông cho biết không có người cháu nào như thế nhưng dặn tôi liên hệ với các đồng chí bên quân đội cùng với tỉnh Quảng Trị xác minh rõ việc này. Địa phương báo cáo đúng là có một thanh niên học ở một trường của quân đội nhưng do ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm kỷ luật nên nhà trường buộc thôi học, sau đó bỏ đi lang thang nhiều nơi, mạo danh là cháu của Thủ tướng và làm một số việc sai trái. Khi được báo cáo, Ông nói: “Thằng nhỏ làm những việc như vậy là rất dở, rất sai, nhưng nó còn trẻ cho nên cần giáo dục, giúp đỡ để tu tỉnh trở lại, nên trao đổi với chính quyền địa phương xem xét giúp đỡ công ăn việc làm để ổn định cuộc sống và có cơ hội sửa chữa”.
Những năm sau này nhớ về chuyện đó và chứng kiến nhiều ứng xử khác tôi càng cảm nhận rõ về tấm lòng nhân hậu, bao dung của Ông.
Tôi nhớ mãi, đầu giờ sáng ngày 25 tháng 6 năm 2006, như thường lệ, đồng chí sỹ quan cảnh vệ của Thủ tướng chuyển cho tôi cặp đựng tài liệu mà Ông đã xem xét, xử lý tối hôm trước. Khi mở cặp tài liệu ra, tôi thấy ngay trên tập tài liệu đầu tiên trong cặp có một mảnh giấy nhỏ màu vàng với những dòng chữ rất quen thuộc của Thủ tướng viết bằng bút mực đen: “Cháu Thụ, sáng ngày 26 tháng 6, (Quốc hội) sẽ công bố kết quả miễn nhiệm các vị lãnh đạo Nhà nước. Từ hôm nay (25/6) Chú không ký văn bản”.
Ngày 17 tháng 6 năm 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu cuối cùng trong phiên chất vấn của Quốc hội đối với các Thành viên Chính phủ và ngày 24 tháng 6, Ông đọc lời xin từ nhiệm, trong đó có đoạn: “Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, tôi đã cùng các thành viên khác trong Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X và khóa XI đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi đã có phần đóng góp vào những thành tựu đổi mới và phát triển đất nước trong gần 10 năm qua, và xin nhận trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu Chính phủ về những yếu kém và bất cập trong việc thực hiện chức năng của cơ quan chấp hành của Quốc hội và cơ quan hành chính nhà nước cao nhất”.
Sự kiện đó để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc về tinh thần trách nhiệm cao của người lãnh đạo. Đó cũng là lời tạm biệt của Ông trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi Thủ tướng về hưu, tôi được chuyển hẳn ra làm việc ở Văn phòng Chính phủ với trách nhiệm là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Những lần Ông ra Hà Nội dự các sự kiện chính trị quan trọng, đi thăm bạn bè, người thân, cũng như những lần tôi vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh và đến thăm Ông tại nhà riêng ở 24 Tú Xương hay ở Củ Chi, lần nào gặp Ông cũng vui vẻ hỏi han về cuộc sống, về sức khỏe, về gia đình, và hầu như không nói gì về những chuyện của cơ quan. Với Ông về hưu là nghỉ ngơi và sống cùng con cháu, cùng gia đình, cùng bà con lối xóm, là góp phần lo những việc cụ thể của quê hương. Ông không phát ngôn, không can dự vào công việc của những người kế nhiệm.
Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc chuông điện thoại kêu lúc 12 giờ đêm thứ 6 ngày 16 tháng 3 năm 2018, linh cảm cho tôi biết chắc có chuyện chẳng lành. Khi bật máy, từ đầu bên kia, anh Hoàn – con trai của nguyên Thủ tướng cho tôi biết “Tình hình ông già đuối lắm rồi, chắc bọn mình phải làm ngay những việc cần thiết như đã trao đổi”.
Vài tiếng sau, các trang báo mạng đã đăng tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khảitừ trần. Thực sự đây là một nỗi buồn lớn đối với tôi và với rất nhiều người đã từng được giúp việc Ông, yêu quý và kính trọng Ông. Tôi cứ nghĩ miên man, sao ông trời không giữ lại thêm thời gian với những con người như vậy.
Khi Ông được đưa sang Singapore chữa bệnh, lần thứ hai đến thăm, tôi đã thấy thần sắc Ông khá lên nhiều, tuy không nói được nhưng khi nhìn thấy tôi Ông còn nhận ra và biểu lộ rất rõ qua ánh mắt, rồi còn yêu cầu đưa cho cây bút và tờ giấy để viết ra đôi điều dù rất ngắn với nét chữ run run cho con trai của mình. Nhưng sau tết Nguyên đán Mậu Tuất, Ông được đưa về điều trị tại Bệnh viên Chợ Rẫy, thì chúng tôi đều hiểu rằng với Ông lẽ sinh tử chắc không còn xa nữa.
Sinh thời, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lần nói với những người thân, đặc biệt là với con trai Ông là khi trăm tuổi về với tổ tiên, rất mong được Đảng, Nhà nước cho phép tổ chức lễ tang và an táng tại tư gia, nơi Ông sống từ khi về hưu là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Hơn 10 năm trước, khi tổ chức lễ tang cho cụ bà sinh ra Ông, Ông đã từng nói với con trai rằng:“Sau này khi ba trăm tuổi, các con cũng tổ chức cho ba ở đây như bà nội”.
Năm 2012 bà Sáu qua đời, Ông đã cho xây một phần mộ ngay bên cạnh mộ vợ mình, là nơi Ông sẽ nằm xuống sau này. Là một người biết lo xa, tuy ít khi nói ra nhưng con trai Ông đã suy nghĩ về những điều trên đây từ rất sớm. Vì thế khi sức khỏe của Ông diễn biến theo chiều hướng xấu, gia đình Ông đã họp bàn, có tranh thủ ý kiến những đồng chí từng công tác với Ông và những đồng chí đương nhiệm về việc đề đạt được thực hiện nguyện vọng của Ông là tổ chức tang lễ và an táng tại quê nhà.
Biết rằng theo quy định của Đảng và Nhà nước, khi mất sẽ được chôn cất tại nghĩa trang dành cho các cán bộ cao cấp, nhưng trước sau như một, Ông chỉ muốn được chôn cất ở quê nhà, trên chính mảnh đất Ông được sinh ra, bên cạnh người vợ của mình, để được gần gũi tổ tiên, gần gũi con cháu, gần gũi bà con xóm giềng.
Sinh ra ở đâu thì cũng sẽ mất đi ở đó – quê hương là điểm xuất phát và cũng là nơi Ông chọn để yên nghỉ khi chấm hết cuộc đời!
Như đã nói ở trên, sau khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được chuyển từ bệnh viện ở Singapore về Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận thấy sức khỏe của của cha mình rất xấu, anh Phan Minh Hoàn – con trai Ông và gia đình mới chính thức viết thư gửi tới đồng chí Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đề đạt nguyện vọng về nơi tổ chức tang lễ và nơi an táng. Tôi được anh Hoàn trao đổi, bàn bạc rất kỹ lưỡng và giao cho việc chắp bút.
Anh Hoàn nói rất kỹ những suy nghĩ và dặn dò của cha mình khi còn khỏe và ý kiến của toàn thể gia đình. Tôi hiểu đó là mong muốn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, là điều mà Ông đã suy nghĩ từ nhiều năm rồi, vì thế thư này cũng là ý kiến đề đạt của chính nguyên Thủ tướng.
Lá thư đầu tiên được viết ngày 22 tháng 2 năm 2018 (tức ngày 07 tháng Giêng âm lịch), được gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.
Lá thư thứ hai, viết sau đó 3 ngày, được gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Anh Hoàn yêu cầu ghi rõ là “Kính gửi Chú Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Trongthư, anh Phan Minh Hoàn thưa chuyện với đồng chí Tổng Bí thư với tư cách là con của một đồng chí từng làm việc, sinh hoạt với đồng chí Tổng Bí thư trong nhiều năm tại cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng, là lời trình bày của một người cháu, nói đầy đủ, cụ thể mọi điều liên quan đến nguyện vọng lớn nhất của gia đình là xin tổ chức tang lễ và chôn cất nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải theo đúng di nguyện của Ông.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi còn khỏe cũng như gia đình ông đã lường trước được những điều không thuận có thể xuất hiện trong dư luận từ việc đề nghị đó, cho nên trong các bức thư đều nhấn mạnh rằng nguyện vọng này hoàn toàn xuất phát từ tâm nguyện của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và tuyệt nhiên không có ý gì khác, và nếu được Bộ Chính trị đồng ý thì đây xem như là một đặc ân cuối cùng của Đảng, Nhà nước dành cho Ông.
Nhận được hai bức thư của gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên trực tiếp gặp gia đình và đến Củ Chi để xem xét tình hình cụ thể, tính toán các phương án cho việc tổ chức tang lễ.
Việc an táng tại quê nhà – xã Tân Thông Hội được chấp nhận, nhưng việc tổ chức lễ quốc tang tại tư gia thì phải cân nhắc tính toán xử lý nhiều vấn đề hệ trọng khác. Là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao giữ trọng trách Thủ tướng Chính phủ hai nhiệm kỳ, có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, có uy tín lớn trong nước và quốc tế, nên khi tổ chức lễ quốc tang, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc sẽ đến viếng, nhiều cơ quan, tổ chức ở trong nước và bạn bè quốc tế cũng sẽ đến viếng, đặc biệt là nhân dân sẽ đến viếng rất đông, vì vậy cần một không gian với những điều kiện tương ứng thì mới đảm bảo được an toàn, trật tự, đáp ứng được yêu cầu của lễ quốc tang.
Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan và Thành phố Hồ Chí Minh được giao tiến hành khảo sát và đề xuất những phương án phù hợp. Cuối cùng Ban Lễ tang nhà nước chỉ đạo là việc tổ chức lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phải đảm bảo được yêu cầu hài hoà giữa nguyện vọng của gia đình và đáp ứng những yêu cầu chung. Theo đó, lễ tang được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất và an táng tại quê nhà – xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng bàn bạc, trao đổi rất kỹ về lời cảm ơn của gia đình tại lễ truy điệu. Anh Phan Minh Hoàn yêu cầu nội dung Lời cảm ơn phải được nói với văn phong giản dị, tình cảm, chân thành. Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ đánh giá về Ông, còn gia đình chỉ nói về tình cảm và những ấn tượng tốt đẹp mà Ông để lại trong lòng con cháu, về niềm tự hào của con cháu đối với người Cha, người Ông kính yêu, về lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân, đúng như tính cách của Ông lúc sinh thời.
Anh Hoàn và chúng tôi đã suy nghĩ về điều này ngay từ trước đó hàng tháng khi Ông mới lâm bệnh, nhưng khi đặt bút thể hiện thì thấy thật khó khăn. Khi đó, bao nhiêu kỷ niệm về Ông cứ dâng trào và hiện lên trong tôi như những thước phim quay chậm.
Vì tôi nhớ đến những lời dặn dò của Ông ghi trên mảnh giấy nhớ mầu vàng vào ngày Ông xin từ nhiệm.
Tôi nhớ lần đến thăm Ông ở Củ Chi trước khi Ông lâm bệnh chừng chục ngày, được Ông cho ăn cơm. Ông mặc áo bà ba, cùng ngồi ăn và tươi cười khoe với tôi rằng rau sống dùng trong bữa ăn là rau sạch nhà trồng được trong vườn.
Tôi nhớ về rất nhiều điều…
Thật lạ, 2 ngày trước khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mất, tôi nằm mơ thấy Ông. Trong giấc mơ đó, tiếng Ông vang lên:
– Sao không thấy tài liệu chuẩn bị cho Chú! Ngày kia đi hội nghị rồi, không có tài liệu thì nói cái gì?
Giấc mơ đó khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Với tôi, gần 9 năm giúp việc Thủ tướng, tôi chưa từng thấy Ông nặng lời với cấp dưới.
Những văn bản nói trên cũng là những tài liệu cuối cùng tôi được góp phần chuẩn bị cho Ông…
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đi xa trong nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, trong tình cảm yêu quý và kính trọng của đồng bào, đồng chí. Xin kính cẩn cầu mong cho Ông thanh thản yên nghỉ chốn an lành!