Thủ tục xây dựng đối với khu vực quy hoạch chức năng sử dụng đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới trên địa bàn TPHCM, khi giải quyết hồ sơ cho người dân còn nhiều vướng mắc do cách hiểu của các cơ quan khác nhau.
Đó là thực trạng được nhiều đại biểu nêu ra tại phiên giải trình do HĐND TPHCM tổ chức cuối tuần qua.
Quận, huyện chưa thống nhất
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban đô thị (HĐND TP), cho biết trên địa bàn TP diện tích đất quy hoạch 2 chức năng đất ở hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới còn khá nhiều. Tổng diện tích đã lập đồ án quy hoạch phân khu toàn TP hơn 82.600ha, trong đó đất dân cư xây dựng mới chiếm 51,8%, đất hỗn hợp 1,9%.
Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng (CPXD) và tách thửa cho diện đất này còn nhiều vướng mắc, chưa có sự thống nhất giữa các quận, huyện, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người dân.
Hiện nay có những vấn đề chưa ổn về mặt quản lý nhà nước và tính minh bạch trong vấn đề cấp phép xây dựng. Người dân phản ánh 2 nhà cạnh nhau, điều kiện pháp lý giống nhau nhưng cấp phép xây dựng khác nhau. Không thể chấp nhận chuyện quản lý nhà nước trên cùng một địa bàn TP mỗi quận làm một kiểu. Đề nghị các Sở QH-KT, TN-MT, Xây dựng làm rõ có giải pháp để đi đến thống nhất vấn đề này.
Bà NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM,
Chủ tịch HĐND TP |
Ông Kiên cho rằng, nếu không có giải quyết sớm sẽ dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác quản lý cũng như tạo bức xúc cho một số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng.
Cụ thể, đối với quy hoạch đất hỗn hợp, theo quy định không CPXD nhà ở, chuyển mục đích sang đất ở và tách thửa.
Cụ thể, đối với quy hoạch đất hỗn hợp, theo quy định không CPXD nhà ở, chuyển mục đích sang đất ở và tách thửa.
Tuy nhiên, qua khảo sát khu vực khu dân cư xây dựng mới ở xã Tân Kiên và thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, 2 bên đường nhà dân dày đặc, trong đó đa số chưa được CPXD do người dân không được cập nhật công trình khi xây dựng xong, tức quyền lợi người dân sẽ ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT), cho biết hiện nay đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở, chỉ có quận Bình Tân là CPXD chính thức, còn quận Tân Phú, quận 12, quận 9, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh CPXD có thời hạn. Riêng quận Tân Bình vẫn CPXD có thời hạn nhưng thêm quy định là tối đa 3 tầng.
Đối với đất dân cư xây dựng mới cũng rơi vào tình trạng tương tự: quận Tân Phú, quận 12, quận Bình Tân CPXD chính thức, nhưng sang tới quận Tân Bình thì CPXD có thời hạn, tối đa 3 tầng; huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng CPXD có thời hạn. Quận 9 chia làm 2 loại, nếu xây thấp tầng được CPXD chính thức, nhưng xây dựng cao tầng CPXD có thời hạn.
Việc tách thửa ở các quận huyện cũng áp dụng không thống nhất. Đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở, việc chuyển mục đích sử dụng mỗi nơi cũng khác nhau: quận Tân Phú, quận 12… không cho chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng sang huyện Củ Chi cho phép chuyển theo tỷ lệ phần trăm đất ở trong đồ án quy hoạch phân khu…
Ông Nguyễn Thanh Nhã thừa nhận: Còn bất cập, chưa công bằng khi CPXD nhà ở đối với các khu đất quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới cho người dân theo Quyết định số 26 của UBND TP. Các quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo quy định pháp luật có liên quan đến nhà, đất như chuyển nhượng, thế chấp… chưa được đảm bảo đầy đủ.
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP Nguyễn Toàn Thắng, cho biết sẽ trao đổi với quận, huyện về xây dựng kế hoạch cụ thể của tách thửa. Sở đã trao đổi với Bộ TN-MT theo hướng ghi chú phần tài sản người dân được cấp phép có thời hạn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Liên quan đến vấn đề CPXD, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, sở dĩ có sự khác nhau giữa giấy phép xây dựng chính thức và giấy phép xây dựng có thời hạn, là do quy hoạch chưa được triển khai. Để khẳng định về sự khác nhau giữa các quận, huyện trong công tác CPXD là đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp theo quy định của Luật Xây dựng, phải kiểm tra hồ sơ giấy phép xây dựng cụ thể của từng hồ sơ mới kết luận được.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác CPXD.
Ông Trương Trung Kiên nhận cho rằng, việc CPXD có thời hạn gây nhiều bức xúc trong Nhân dân do hạn chế về tầng cao, không được công nhận tài sản gắn liền với đất, gây ảnh hưởng quyền lợi trong chuyển nhượng, bồi thường. Về thủ tục đất đai, tình trạng chưa giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn phổ biến, số lượng hồ sơ tồn đọng tại một số huyện như Bình Chánh, Hóc Môn… tạo ra nhiều bức xúc trong nhân dân.
Ông Kiên đề nghị Sở QH-KT TP phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các quy định pháp luật, tham khảo ý kiến đề xuất của các quận, huyện, thống nhất khái niệm và hướng dẫn cụ thể chức năng công trình được phép xây dựng trong các khu quy hoạch đất hỗn hợp không có chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và trong các khu đất dân cư xây dựng mới, để làm cơ sở xác định chức năng công trình riêng lẻ cho các khu đất này.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh quy hoạch các khu đất hỗn hợp hoặc các khu đất dân cư xây dựng mới có bố trí các chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, có hướng dẫn thống nhất đối với 24 quận, huyện về vấn đề tách thửa.
Nhiều đại biểu đề nghị Sở QH-KT làm rõ một số nội dung để thống nhất hướng dẫn 24 quận, huyện thực hiện tốt hơn việc CPXD, cũng như tách thửa trong 2 khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, cũng như quy hoạch đất hỗn hợp. Đồng thời, làm rõ hơn việc tách thửa đất ở thuộc đất dân cư xây dựng mới, vì hiện nay nhiều văn bản chưa có sự thống nhất.
Trước việc tranh luận giữa các sở, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải tìm được vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, tạo sự thống nhất trong các cơ quan quản lý nhà nước, để từ đó minh bạch thủ tục với người dân. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trên địa bàn TP, cái gì giản lược tối đa thủ tục hành chính mà đúng pháp luật là phải làm.
Theo: Đỗ Trà Giang/ Sài Gòn Đầu tư