Nhưng thực tế nguồn vốn của NH vẫn chảy vào những lĩnh vực được cảnh báo, nhất là bất động sản (BĐS). Nhiều NH cho rằng cho vay BĐS là vốn đầu tư có kiểm soát. Thực tế có phải như vậy?
Nấp bóng “cho vay tiêu dùng”
Theo số liệu của NHNN, năm 2017 tăng trưởng tín dụng đạt 18,17%, chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ). Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng trên 23%; công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; xuất khẩu đạt 14,03%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 11,53%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát với tốc độ chậm lại, như tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS giảm từ 7,71% năm 2016 xuống 6,53% tổng dư nợ; tín dụng lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.
Tại thời điểm này, các NH không chỉ kiểm soát tín dụng vào BĐS, mà cần phải kiểm soát đường đi của dòng tín dụng. Trước nay, NH vẫn không kiểm soát chặt chẽ dòng tiền cho vay nên dòng tín dụng luôn luôn bị biến dạng. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã vay vốn sản xuất kinh doanh, nhưng dùng để đầu tư vào những lĩnh vực không phải thế mạnh hay những lĩnh vực rủi ro cao, đến khi doanh nghiệp vỡ nợ NH mới phát hiện.
TS. TRẦN DU LỊCH,
thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
|
Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các NH đang lách để cho vay BĐS thông qua cho vay tiêu dùng. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh BĐS và xây dựng năm 2017 giảm nhẹ, đạt 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, kinh doanh BĐS khoảng 5,9%.
Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng trưởng từ cuối năm 2015. Năm 2017 tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016 tăng 50,2%). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% năm 2016 lên 18% trong năm 2017. Đáng chú ý, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất, năm 2017 chiếm 52,9% (năm 2016 chiếm 49,5%), tốc độ tăng trưởng 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%).
Cuối tháng 3 vừa qua, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cho biết tín dụng BĐS chiếm khoảng 10,8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, tương đương 198.000 tỷ đồng. Đồng thời, trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 220.000 tỷ đồng, cho vay liên quan đến BĐS chiếm khoảng 28,7%, tương đương 63.140 tỷ đồng.
Theo đó, tổng tín dụng vào lĩnh vực BĐS tại TPHCM ước đạt 261.140 tỷ đồng, tăng khoảng 15.140 tỷ đồng về con số tuyệt đối so với năm trước. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo trong năm 2018, tín dụng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, rủi ro dòng tín dụng vào tiêu dùng chảy ra BĐS vẫn đang hiện hữu.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, NHNN đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường BĐS thông qua việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 45% trong năm 2018 và còn 40% từ năm 2019. Theo đó, các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhưng đây cũng là động lực để các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp vốn mới, giảm rủi ro cho tín dụng.
Có cảnh báo vẫn lo rủi ro
Tháng 1-2018, NHNN có Văn bản 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo văn bản này, để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động NH và tăng trưởng tín dụng bền vững theo chủ trương của Chính phủ, định hướng của NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động NH của NHNN.
NHNN yêu cầu các TCTD hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án BĐS, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thíc
NHNN cần có các biện pháp giám sát dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, BĐS. Bởi tổng dư nợ cho vay BĐS chiếm tỷ trọng thấp trong tổng tín dụng, nhưng cho vay tiêu dùng thực chất phần lớn vào BĐS, nếu cộng cả con số đó vào, cho vay BĐS đang ở mức cao.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế |
h hợp. Các TCTD phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, nhất là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán.
Trước đó, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2018 và Chỉ thị 01, NHNN cũng đã nhấn mạnh nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng tín dụng. Có thể thấy, NHNN đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý dòng vốn cho vay để hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, trong báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô quý I vừa công bố ngày 13-4, Khối Nghiên cứu chiến lược và Quan hệ kinh doanh quốc tế của LienVietPostBank, đã đưa ra cảnh báo liên quan đến vấn đề tín dụng hiện nay. Báo cáo nhận định, tín dụng 2018 có dấu hiệu siết chặt hơn so với 2017 nhưng vẫn tăng trưởng mức cao, 3 tháng đầu năm đạt 3,5% so với thời điểm cuối năm 2017.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế với hàm lượng tín dụng cao có thể thúc đẩy đầu tư, song điều này cũng gây ra những lo ngại về hiệu quả của dòng tín dụng và vấn đề kiểm soát rủi ro của các TCTD. Trong bối cảnh thị tường BĐS giao dịch sôi động hơn, dòng tín dụng có khả năng chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất, gia tăng các hoạt động cho vay rủi ro quá mức, qua đó tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, chủ trương chung của ngành NH là tín dụng tập trung ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn. Song các NH đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện: Thứ nhất, công tác quản trị điều hành cũng như các báo cáo tài chính của các DNNVV vẫn còn nhiều vấn đề.
Thứ hai, các chương trình cũng như cách thẩm định đánh giá dòng tiền, khả năng sản xuất kinh doanh tại DNNVV của NH vẫn chưa hoàn thiện.
Thứ ba, khả năng quản trị điều hành của các DNNVV chưa cao nên hiệu quả kinh doanh chưa lớn. Vì vậy, dù các NH vẫn tiếp tục đẩy mạnh dòng vốn tín dụng cho DNNVV và 5 lĩnh vực ưu tiên nhưng vẫn còn hạn chế, mới chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng.
Trong khi đó, việc vay vốn luôn dễ hơn đối với doanh nghiệp lớn và các lĩnh vực hấp dẫn như cho vay tiêu dùng, BĐS, chứng khoán, vì đối tượng vay luôn đầy đủ tài sản thế chấp và chứng minh được nguồn trả nợ cho NH.
Ảnh minh họa: L.THANH
Siết điều kiện cho vay
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh TPHCM, Văn bản 563 của NHNN đã định hướng các NH phải mở rộng tăng trưởng vào những lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả, thận trọng tăng trưởng tín dụng trong lĩnh rủi ro như BĐS, chứng khoán, BOT, BT nhưng không phải cấm cho vay các lĩnh vực này. Văn bản khuyến nghị trong quá trình cho vay các NH phải cân nhắc để đảm bảo an toàn tín dụng.
Các dự án hiệu quả hay nhu cầu vay để xây nhà ở xã hội, vay tiêu dùng mua nhà để ở, kể cả những món vay đúng nhu cầu không có yếu tố đầu cơ, vẫn có thể cho vay bình thường. Còn với nhu cầu vay để mua bán kinh doanh đầu cơ BĐS hay đất nền đang nóng ở các khu vực có yếu tố không bền vững, các NH phải thận trọng xem xét.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết hiện nay để đảm bảo an toàn khi cho vay BĐS, NH không tăng lãi suất nhưng cũng siết điều kiện cho vay, như dựa theo tình hình thị trường để xác định khung giá trị tài sản đảm bảo, từ đó đưa ra hạn mức cho vay đối với từng khách hàng ở từng khu vực. Ghi nhận tại các NH, nhiều đơn vị đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay BĐS và quy định vay cũng bị siết lại. Thí dụ, đối với các khu vực đất đang sốt, NH chủ động giảm giá trị định giá tài sản thế chấp chỉ còn 60-70% giá đang được giao dịch, nếu khách hàng đồng ý, NH sẽ duyệt vay và giải ngân.
Từ hệ quả nợ xấu của giai đoạn trước cùng hàng loạt chỉ số an toàn trong hoạt động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN bắt buộc phải thực hiện việc khống chế cho vay quá đà đối với các lĩnh vực rủi ro. Bản thân các NH cũng hướng đến tăng trưởng an toàn bền vững, không hướng đến tăng trưởng bằng mọi giá.
Tuy nhiên, nhắc nhở của NHNN là rất cần thiết vì tâm lý của nhiều NH, nhất là các NH nhỏ khó tăng trưởng tín dụng vẫn rất chuộng cho BĐS. Mặc dù NH giảm giá trị tài sản đảm bảo, tăng lãi suất đối với vay đầu tư BĐS, nhưng nếu trong tương lai cơn sốt đất hạ nhiệt nhanh, người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ và giá trị tài sản xuống thấp, bản thân NH cũng sẽ gánh chịu thiệt hại.