Trên cõi đời này không có bất kỳ điều gì là chắc chắn, trừ thuế và cái chết. Thành ngữ này nói lên tính tất yếu của thuế khóa cùng với sự tồn tại của nhà nước, nhưng không ai muốn nộp thuế cả. Do vậy, bất kỳ sắc thuế nào được đưa ra đều vấp phải sự phản đối từ công chúng.
Thuế tài sản vừa được giới thiệu ở Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế và các đặc điểm của thuế khóa, thì đây là một sắc thuế tốt vì nó đảm bảo các tiêu chí gồm: hiệu quả, công bằng và tính khả thi.
Cơ cấu lại các nguồn thu là việc phải làm
Về nguyên tắc, để tạo dựng niềm tin cho công chúng thì Nhà nước chỉ nên tăng hoặc đánh các loại thuế mới sau khi việc sử dụng nguồn ngân sách hiện tại hiệu quả. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy mà thực tế đang hiện hữu hai ràng buộc gồm: (i) một số nguồn thu ngân sách như thu từ tài nguyên và thuế nhập khẩu đang giảm nhanh; và (ii) việc cơ cấu lại ngân sách cùng với việc sắp xếp lại bộ máy để các khoản chi tiêu trở nên hiệu quả và tiết kiệm hơn cần có thời gian.
Do vậy, không thể giảm ngay các khoản chi tiêu hiện tại mà cần các nguồn thu mới bù đắp cho những khoản hụt thu trong điều kiện thâm hụt ngân sách thường rất cao và nợ công đang gia tăng chóng mặt. Việc ban hành các sắc thuế mới hay tăng một số sắc thuế hiện hữu là không thể tránh khỏi.
Ba đặc điểm của một sắc thuế tốt
Về khía cạnh hiệu quả, một sắc thuế tốt ít gây ra bóp méo nguồn lực nên đánh vào các loại hàng hóa ít co giãn mà hiểu đơn giản là mức độ tiêu dùng hay sử dụng không giảm nhiều khi có thuế. Thuế tài sản và thuế giá trị gia tăng đều có đặc điểm này.
Thêm vào đó, khi áp dụng thuế tài sản bao gồm cả đất thì sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ bỏ không đất một cách lãng phí. Nguồn lực xã hội sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.
Phản ứng mạnh mẽ của công chúng ngoài tâm lý ghét thuế khóa nói chung của con người thì niềm tin vào Nhà nước mới là vấn đề đáng quan tâm. |
Về khía cạnh công bằng thì những người có khả năng nộp thuế cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn (tính theo tỷ lệ). Thuế tài sản có đặc tính này.
Cụ thể, với dự thảo đề xuất của Bộ Tài chính cho ngưỡng 700 triệu đồng và thuế suất 0,3% thì người có căn nhà 1 tỉ đồng sẽ phải nộp thuế 900.000 đồng/năm (300×0,3%) và thuế suất hiệu dụng là 0,09%. Đối với người có căn nhà giá trị 10 tỉ đồng thì mức thuế phải nộp là 27,9 triệu đồng (9.300×0,3%) và thuế suất hiệu dụng sẽ là 0,279%.
Như vậy thuế tài sản có tính lũy tiến đảm bảo công bằng trong khi thuế giá trị gia tăng có tính lũy thoái (người có khả năng nộp thuế thấp hơn phải nộp thuế tính theo tỷ lệ cao hơn) không công bằng.
Về khía cạnh khả thi hay có khả năng hành thu thì một sắc thuế cần phải đơn giản, có thể thực thi làm cho chi phí hành thu chỉ bằng một phần nhỏ trong số thuế thu được.
Ý tưởng đánh thuế căn nhà thứ hai như từng được nêu ra là không thực tế vì trong điều kiện thông tin không rõ ràng và có thể nhờ đứng tên, sẽ rất khó xác định căn nhà thứ hai ở Việt Nam.
Áp dụng thuế cho tất cả các căn nhà sẽ tránh được việc nhờ đứng tên. Thêm vào đó, đánh thuế có thể áp dụng cách thức vô danh, có nghĩa là chỉ đánh thuế lên tài sản mà không cần biết tài sản đó đứng tên ai.
Với ngưỡng giảm trừ 700 triệu đồng, về cơ bản đã giảm trừ cho đa phần các hộ gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù bất cứ ngưỡng nào thì con số này cũng gây tranh cãi vì trên thực tế không có cơ sở thuyết phục để chỉ ra bao nhiêu là phù hợp.
Nếu có một cách triển khai hợp lý thì khả năng hành thu với thuế tài sản là có thể thực hiện được vì số nhà đất trên một địa bàn là có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Hơn thế, với thuế tài sản thì có thể thống kê và định giá tất cả các tài sản hiện hữu trên đất nước Việt Nam. Đây là một tiền đề để tạo dựng sự minh bạch, xác định nguồn gốc tài sản mà nó sẽ góp phần chống tham nhũng trong tương lai.
Nên triển khai như thế nào?
Phản ứng mạnh mẽ của công chúng ngoài tâm lý ghét thuế khóa nói chung của con người thì niềm tin vào Nhà nước mới là vấn đề đáng quan tâm.
Niềm tin vào khu vực công đang bị mai một do sự kém hiệu quả trong chi tiêu cùng với tiêu cực và tham nhũng tràn lan. Người dân chỉ thấy Nhà nước cứ liên tục tăng và thu các loại thuế để chi tiêu vô tội vạ. Do vậy, trong trường hợp này, hai vấn đề sau đây cần được lưu ý.
Thứ nhất, đối với thuế tài sản (chủ yếu là thuế nhà đất), nên giao quyền tổ chức thu và sử dụng đến cấp cơ sở với các tiêu chí rõ ràng như chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản gồm giáo dục, y tế, vệ sinh, các tiện ích đô thị chẳng hạn. Điều này sẽ tạo niềm tin cho dân chúng vì biết được tiền mình đóng sử dụng như thế nào đồng thời cũng góp phần cải thiện các dịch vụ công hiện nay.
Đây là điều mà nhiều nước đã triển khai thành công. Các bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng thuế tài sản giúp gia tăng giá trị tài sản của người dân với điều kiện nguồn thu thuế được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Thứ hai, cần đưa ra lộ trình rõ ràng với các giải pháp thực tế trong việc sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu lại việc chi tiêu ngân sách để gia tăng tính hiệu quả và công bằng.
Nhìn ở góc độ kinh tế học thuần túy thì không nên phân ra “đồng nào mua mắm, đồng nào mua dưa”. Tuy nhiên, do việc chi tiêu vô tội vạ rất phổ biến trong khu vực công, nên việc áp dụng các sắc thuế hay nguồn thu có mục đích sử dụng chuyên biệt rất quan trọng và cần thiết.
Ví dụ, việc quy định thuế tài sản được sử dụng cho các mục đích của địa phương hay thuế xăng dầu dùng để xây đường cao tốc trong những năm 1950 ở Mỹ đã phát huy tác dụng rất lớn.
Việt Nam đang làm ngược lại là tất cả các nguồn thu thuế đều được đưa vào ngân sách chung, điều này đang gây rất nhiều bức xúc cho công chúng. Công chúng đa phần đang hiểu rằng việc tăng thuế xăng dầu và sắp tới đây là áp dụng thuế tài sản đơn thuần là Nhà nước tận thu chứ không phải để cải cách thu và chi ngân sách tốt hơn. Điều này đang gây rất nhiều bất lợi cho tiến trình cải cách nói chung, cải cách thuế khóa nói riêng ở Việt Nam.
Thực sự chúng ta muốn gì?
Một xã hội dân chủ, công bằng và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả không có tiêu cực và tham nhũng chẳng phải là điều mà chúng ta mong mỏi sao? Thuế tài sản, thực ra là giúp tạo dựng điều này khi mà người giàu hơn đóng thuế nhiều hơn và thông qua sắc thuế này giúp xã hội có thể biết được tất cả các tài sản và nguồn gốc của chúng để từ đó có thể phòng và chống tham nhũng tốt hơn.
Thêm vào đó, các dịch vụ và tiện ích đô thị tốt là điều mong mỏi của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, để có chúng cần phải có kinh phí. Do vậy, tâm lý ưu ái cho người nghèo cần được loại bỏ và thay vào đó, ai sử dụng dịch vụ cũng cần phải đóng góp các chi phí chứ không nên lấy cái bình phong vì người nghèo để cản trở hay phản đối những nhân tố tích cực cho sự phát triển.
Vin cớ vì người nghèo (pro-poor) là cản trở rất lớn cho sự phát triển của xã hội. Những người ở vị trí bất lợi cần được tạo điều kiện để trở nên tốt hơn, nhưng với những ràng buộc và sự phải đánh đổi của bất cứ một chính sách nào thì chúng ta cần nhìn thẳng là phải chấp nhận những mặt không mong đợi chứ những chính sách không ai bị thiệt là rất hiếm.
Tóm lại, thuế tài sản là một sắc thuế có tính ưu việt nên được triển khai ở Việt Nam. Ngay cả khi không cần tạo nguồn thu ngân sách tăng thêm thì loại thuế này cũng cần được áp dụng để thay thế các loại thuế kém ưu việt hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là cách làm để có được sự đồng thuận cần thiết của người dân và phát huy được những ưu điểm và giảm thiểu những tác động không mong muốn.
Theo: Huỳnh Thế Du/ TBKTSG