Dù chồng lên 9 dự án khác đã được phê duyệt, nhưng FLC Bình Châu – Lý Sơn ở Quảng Ngãi đang được UBND tỉnh và các ban ngành quyết liệt đưa vào một cuộc đua thần tốc. Chỉ trong 45 ngày có đến 12 công văn hỏa tốc.
Ngoài ra, dự án của FLC cũng chồng lấn với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Dung Quất và các vị trí ranh giới quy hoạch đất quốc phòng do Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi quản lý.
Dự án chồng dự án
Trong 9 dự án chồng lên dự án của Tập đoàn FLC tại Bình Châu – Lý Sơn thì có 3 dự án đã được cấp phép đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, trong đó dự án công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn do Công ty CP Đoàn Ánh Dương phối hợp với các đơn vị đề xuất là đáng lưu ý nhất.
Ông Đoàn Sung – giám đốc Công ty CP Đoàn Ánh Dương – cho biết sau khi được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dự án, công ty đã mời nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đến khảo sát, nghiên cứu di sản địa chất khu vực đảo Lý Sơn và ven biển huyện Bình Sơn.
Quá trình nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện rất nhiều giá trị về địa chất, văn hóa, lịch sử cảnh quan và khảo cổ.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về việc dự án FLC có nguy cơ “phủ” lên công viên địa chất này, ông Đoàn Sung cho biết cần phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc, đứng trên quan điểm bảo tồn để thúc đẩy các thủ tục về dự án của FLC bởi những giá trị địa chất, văn hóa lịch sử hiện hữu trên khu vực Bình Châu – Lý Sơn là vô cùng có giá trị.
Ông Sung bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ sự phát triển nhưng dự án của FLC phải quy hoạch làm thế nào để không có sự chồng lấn lên di sản, làm ăn kinh tế nhưng không đánh đổi cảnh quan môi trường”.
Tương tự, PGS.TS Trần Tân Văn – viện trưởng Viện địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên – môi trường) – cũng tỏ ra lo lắng.
Theo ông, nguyên tắc là khi hồ sơ khoa học của dự án được báo cáo, hoàn thiện xong toàn bộ và được công nhận (bởi Nhà nước hoặc công nhận của tổ chức khoa học) thì chính quyền mới có thể căn cứ vào đó để quy hoạch, xác lập các dự án.
Ngoài công viên địa chất toàn cầu, dự án của Tập đoàn FLC cũng tiếp tục chồng lên các dự án lớn mà bản thân các dự án này đã tiến hành xong rất nhiều thủ tục, có dự án chủ đầu tư đã làm xong tỉ lệ 1/500, chuẩn bị cho đầu tư như dự án Trung tâm hội nghị tỉnh Quảng Ngãi do Công ty CP đầu tư và phát triển Hợp Nghĩa đề xuất, dự án khai thác cát đồi làm vật liệu san lấp của Công ty TNHH MTV 19-5…
Chạy đua với thời gian
Trong khi các dự án trên cùng một khu vực được đề xuất và qua nhiều năm vẫn chưa thể khởi công thì dự án của Tập đoàn FLC mới được đặt vấn đề từ đầu năm 2018 đến nay nhưng chủ đầu tư đã nhanh chóng xác lập được nhiều thủ tục quan trọng và được UBND tỉnh Quảng Ngãi đốc thúc các sở, ngành tạo điều kiện tối đa.
Sau các cuộc tiếp xúc, tỉnh Quảng Ngãi và chủ tịch Tập đoàn FLC đã đặt lịch khởi công dự án vào ngày 19-5.
Ngay trong tháng 4-2018, hàng loạt văn bản chỉ đạo, các quán triệt yêu cầu đồng thuận đối với dự án đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi đốc thúc, gửi xuống các sở ngành, địa phương.
Trong thông báo kết luận các cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị “khẩn trương” tiến hành các thủ tục, làm việc với dân, tạo sự đồng thuận và huy động “cả hệ thống chính trị đồng hành cùng doanh nghiệp”, “huy động cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền cho dân về chủ trương dự án… để nhân dân hiểu, đồng thuận và tự giác chấp hành thực hiện”…
Ngày 10-4, tại Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt phương án bồi thường tổng thể và kế hoạch giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút dự án FLC giai đoạn 1.
Theo phương án này, giai đoạn 1 của dự án sẽ di dời 790 hộ, giao 1.600 lô đất để tái định cư với tổng kinh phí 605 tỉ đồng.
Kế hoạch đặt ra để tiến hành các thủ tục này cũng được gói gọn một cách… thần tốc: thông báo thu hồi đất trong vòng 5 ngày, họp dân công bố chủ trương thu hồi đất và công khai cơ chế chính sách trong thời gian 2 ngày, cắm mốc giải phóng mặt bằng trong vòng 10 ngày… để Tập đoàn FLC làm lễ khởi công vào 19-5-2018.
Trả lời Tuổi Trẻ về thủ tục khá nhanh đối với dự án của Tập đoàn FLC, ông Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – nói “các doanh nghiệp lớn nên được tỉnh trải thảm”.
Chồng lấn lên Công viên địa chất toàn cầu
Trong đề xuất quy hoạch đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn (giai đoạn 1), có hai vị trí địa chất núi lửa cực kỳ quý giá là đảo Bé (xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn) và Gành Yến (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn).
Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn thành lập ngày 31-12-2015. Cuối 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đề án xây dựng và phát triển công viên địa chất toàn cầu, đặt mục tiêu đến cuối năm 2018 sẽ trình UNESCO công nhận.
Đồng thời, ký hợp đồng với Viện Khoa học địa chất khoáng sản (thuộc Bộ TN-MT) hỗ trợ khảo sát điều tra và tư vấn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận.
Thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết dự án của FLC sẽ chồng lấn một số điểm quan trọng của công viên địa chất toàn cầu như Gành Yến, Mũi Tổng Binh, toàn bộ đảo Bé…
Ngoài chồng lấn công viên địa chất toàn cầu, việc đưa đảo Bé vào quy hoạch dự án của FLC cũng chồng lấn lên Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Trong kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về quy hoạch dự án của FLC đã đưa Gành Yến ra khỏi dự án này để phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu Công viên địa chất toàn cầu. Riêng về đảo Bé vẫn chưa có quyết định gì.
Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết: Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thống nhất không đưa đảo Bé vào trong dự án FLC Bình Châu – Lý Sơn.