Nhân kỷ niệm 43 năm ngày thống nhất đất nước, ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, về tầm nhìn kinh tế Việt Nam đến năm 2020.
Hóa giải vấn nạn cũ, đột phá động lực mới
Từ quý II-2017 đến nay, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu khởi sắc, cả tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng ở 3 khu vực công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ. Quý I-2018 GDP tăng 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Những chỉ báo về kinh tế vĩ mô khá tích cực: xuất khẩu tăng cao, cán cân thương mại thặng dư, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp…
Những nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế khi triển khai các Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư… với quyết tâm cao của Chính phủ đang củng cố niềm tin cho thị trường.
Tuy nhiên, việc bảo đảm cho nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm, trước mắt đạt được mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020” và “Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020”, vẫn đang đặt ra nhiều thách thức.
3 năm còn lại của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và kế hoạch tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế 2016-2020, có ý nghĩa rất quan trọng đối với 15 năm phát triển tiếp theo (2021-2035) của Việt Nam. Đây là giai đoạn chuyển mình từ nền kinh tế tăng trưởng về lượng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương và kém hiệu quả, sang nền kinh tế tăng trưởng về chất, có sức cạnh tranh cao nhờ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực. Điều này nhằm thực hiện 5 nội dung trọng tâm và 10 nhiệm vụ ưu tiên của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. |
Trong giai đoạn 2001-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm: 2001-2005 bình quân 7,33%/năm; 2006-2010 bình quân 6,32%/năm; 2011-2015 bình quân 5,96%/năm và tiếp tục suy giảm khi bước vào kế hoạch 2016-2020 (năm 2016 và quý I-2017).
Để nền kinh tế phục hồi tốc độ tăng trưởng, chấm dứt thời kỳ suy giảm này cần phải có động lực mới nhằm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,7%/năm cho cả giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong 3 năm 2018-2020 phải đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm. Đây là nhiệm vụ không dễ chút nào.
Dù chủ trương tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được xác định trong Chiến lược 10 năm 2011-2020, nhưng đến nay sự chuyển biến rất chậm. Chất lượng tăng trưởng chậm cải thiện, nền công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công; sản xuất nông nghiệp đang chịu quá nhiều rủi ro về thị trường, dễ bị tổn thương; mô hình kinh tế hộ nông dân ngày càng bất cập; chính sách năng lượng không kích thích đổi mới công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo.
Khu vực kinh tế nội địa chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế cá thể (hộ sản xuất kinh doanh nông-công nghiệp, dịch vụ), còn khu vực DN tư nhân chậm lớn. Hơn nửa triệu DN tư nhân hoạt động theo Luật DN chỉ đóng góp 7-8% GDP trong số 40% GDP đóng góp của khu vực tư nhân, mặc dù số lượng tăng.
Giai đoạn 2006-2010 đến nay nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ, trong đó khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng ổn định, khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu. Nếu khu vực này đuối tầm trong cạnh tranh sẽ là nguy cơ trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Gỡ nút thắt hạn điền
Hiện nay, dưới tác động của quan hệ thị trường, nhất là hội nhập với thị trường thế giới, mô hình kinh tế hộ, sản xuất quy mô nhỏ theo giới hạn của hạn điền đã bộc lộ những hạn chế rất cơ bản của mô hình tổ chức sản xuất ngày càng gay gắt. Tình trạng “được mùa mất giá”, nông dân chặt cây nọ trồng cây kia… luôn luôn tái diễn.
Nền sản xuất nông nghiệp luôn luôn chịu rủi ro về điều kiện tự nhiên như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh và về thị trường như giá cả, tỷ giá. Đặc biệt, để có thể cạnh tranh, nông sản phải được kiểm soát theo chuỗi giá trị từ khâu tạo giống cho đến sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường. Trong khi đó, phần đông trong số hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp còn bất cập với các điều kiện này.
Hệ thống pháp luật xung đột, chồng chéo, môi trường pháp lý thiếu minh bạch; cải cách thể chế kinh tế thiếu đồng bộ với cải cách nền tài chính công và hành chính công, đã khiến những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ trong thời gian qua mang lại hiệu quả thấp; thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của DN. Đây là những thách thức trong việc xử lý đồng bộ giữa hoàn thiện thể chế kinh tế với cải cách nền tài chính công và hành chính công. |
Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng hạn điền loại đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tức đã khá tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn còn rất hạn chế đối với nền nông nghiệp sản xuất lớn. Trong đó, vấn đề hạn điền tiếp tục là nút thắt đối với quá trình tích tụ và tập trung đất sản xuất theo quy mô phù hợp.
Để gỡ nút thắt hạn điền, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung đất theo quy mô sản xuất tối ưu, trước hết cần gỡ nút thắt mang tính quan điểm về sử dụng đất, tức nguồn lực đất đai dành cho sản xuất phải được phân bố cho người sử dụng có hiệu quả.
Ở đây cần hiểu rõ tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất là 2 vấn đề khác nhau, nên cần có chính sách khác nhau. Tích tụ gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn tập trung là gắn kết những mảnh ruộng đất của nhiều người vào mục tiêu khai thác có hiệu quả.
Việc tập trung ruộng đất diễn ra khá phổ biến ở nước ta như quá trình dồn điền, đổi thửa để có quy mô canh tác thích hợp; mô hình hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, thuê đất của nông dân, thậm chí đã xuất hiện mô hình chính quyền trung gian thuê đất của nông dân cho DN thuê lại.
Nhìn chung với các mô hình tập trung này nông dân vẫn còn quyền sử dụng ruộng đất. Nói nôm na là không mất đất, vừa giải quyết được yếu tố tâm lý sở hữu đất của nông dân, vừa có lợi tức cho thuê. Tập trung ruộng đất theo mô hình hợp tác xã của hộ nông dân cá thể hoặc chủ các trang trại vẫn là mô hình nhân bản nhất và tiến bộ nhất hiện nay.
Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chịu quá nhiều rủi ro về thị trường.
Vấn đề lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay là chuyển bộ phận lớn lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp; chuyển một bộ phận nông dân thành thị dân một cách có kế hoạch, không phải tự phát.
Những vấn đề này liên quan đến các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cứ điểm nông-công nghiệp ở nông thôn; đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; các chính sách an sinh xã hội cho địa bàn nông thôn, không phải là vấn đề hạn điền. Một khi nút thắt này được mở sẽ tác động gỡ những điểm nghẽn về hấp thụ công nghệ mới, vốn tín dụng, xây dựng chuỗi giá trị nông sản…
Đột phá về chính sách
Chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất gắn với việc hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, phải được xem là quan điểm chiến lược công nghiệp hóa của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, công nghiệp gia công đang khiến tỷ trọng giá trị tạo mới so với giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm tiếp tục thấp, kéo theo năng suất lao động thấp.
Với vị thế nền kinh tế Việt Nam hiện nay phải phát triển các ngành công nghiệp chế tạo và chế biến, nhất là chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Sử dụng chính sách sách thuế có điều kiện để khuyến khích DN tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và hình thành những “cứ điểm sản xuất” để chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất.
Muốn vậy, cần sớm nâng cấp Nghị định 111/2015/NĐ/CP về công nghiệp hỗ trợ thành Luật Công nghiệp hỗ trợ, gắn luật này với Luật Hỗ trợ DNNVV. Cần xem chính sách giá điện là công cụ để thúc đẩy đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, để sửa đổi Luật Tiết kiệm năng lượng theo hướng phát triển năng lượng tái tạo và khuyến khích đổi mới công nghệ. Cải cách đồng bộ nền hành chính công, bao gồm thể chế hành chính bộ máy tổ chức và con người. Đây cần xem là khâu đột phá để xử lý những điểm nghẽn, huy động nguồn lực cho phát triển.
Khâu đột phá nữa rất quan trọng là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Trước hết cần phân quyền cho địa phương theo nguyên tắc công vụ phải gần dân. Các bộ ngành Trung ương cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: hoạch định chính sách, ban hành các quy định và kiểm tra thanh tra công vụ, chế tài vi phạm. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên phân quyền cho địa phương thực hiện.
Từ các nguyên tắc trên, mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo 3 cơ chế: phân quyền, ủy quyền và phân cấp theo Luật Chính quyền địa phương. Với nền hành chính mang tính tập trung ở các cơ quan hành chính Trung ương như hiện nay, rất khó cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh như kỳ vọng, dù các Luật DN, Luật Đầu tư có tiến bộ đến đâu.
Sự đột phá trong chính sách còn đến từ việc gắn nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế với cải cách nền hành chính công và tài chính công, tạo lập sự đồng bộ của thể chế cho thị trường vận hành thông suốt. Nếu chỉ cải cách thể chế kinh tế (như sửa đổi, ban hành các đạo luật về kinh tế), không cải cách đồng bộ nền hành chính công (thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và cán bộ công chức), sẽ không thể mang lại hiệu quả.
Chính sách kinh tế dù có tiến bộ đến đâu, muốn đi vào cuộc sống đều phải thông qua bộ máy và con người thực thi công vụ, nên tính đồng bộ của cải cách có ý nghĩa quyết định.
Theo: TS. Trần Du Lịch Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng/ Đầu tư Tài chính