Ngày 27-4, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đã chủ trì phiên họp giải trình về giải pháp huy động và sử dụng nguồn vốn để đầu tư và phát triển TPHCM giai đoạn 2016 – 2020. Theo UBND TP, để đảm bảo tăng trưởng cho TPHCM từ nay đến năm 2020, cần thiết phải có 1,8 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Huy động 1,8 triệu tỷ đồng: khó nhưng phải đạt được
Tại phiên giải trình, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, cho biết trong 2 năm 2016 – 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 645.000 tỷ đồng, tăng 8,4%/năm và vẫn giữ mức 30% GRDP.
Để đạt 1,8 triệu tỷ đồng cho nhu cầu phát triển TP từ nay đến năm 2020, TP đã đưa ra nhiều giải pháp như: hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và an toàn cho nhà đầu tư; hoàn chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh rà soát, lập danh mục dự án đầu tư theo từng ngành và công khai minh bạch dự án cần kêu gọi đầu tư; rà soát, phân loại quỹ đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, quỹ đất chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng…
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết sở đang tham mưu UBND TP đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, dự ước thu về số tiền 67.000 tỷ đồng. Riêng về tài sản công, hiện toàn thành phố đang có 12.832 địa chỉ nhà đất công quản lý. Trong đó, thành phố quản lý 10.832 địa chỉ nhà đất, trung ương quản lý 2.000 địa chỉ nhà đất.
Sở đang tham mưu UBND TP (đất công do thành phố quản lý) cũng như đề xuất Bộ Tài Chính, Cục Quản lý công sản (đất công do trung ương quản lý) đôn đốc kiểm tra, rà soát việc sử dụng nhà đất. Từ đó, lên phương án thống nhất xử lý, sớm tăng nguồn thu cho ngân sách phục vụ cho hoạt động phân bổ đầu tư.
Riêng đối với lĩnh vực giao thông vận tải, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết thêm thời gian qua, sở đã tham mưu thành phố tăng nguồn thu bằng cách triển khai đề án tăng phí đậu xe tại khu vực trung tâm thành phố, phí sử dụng vỉa hè, đấu thầu quảng cáo xe buýt, tích hợp nguồn thu từ đơn vị sử dụng cùng hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, để có thể tăng nguồn thu một cách bền vững và đồng bộ, cần thiết phải có đề án tổng hợp.
Tăng thu nhưng tránh tận thu
Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến từ Thường trực HĐNDTP cho rằng giải pháp huy động nguồn vốn TP đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư tại thành phố nhưng chủ yếu tập trung vào hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT).
Trong bối cảnh đất sạch không còn, việc phát huy thu hút nguồn vốn đầu tư này không khả thi. Còn những hình thức đầu tư khác lại không được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Riêng cơ chế đầu tư BOT thì thủ tục kéo dài và chưa minh bạch nên nhà đầu tư còn e ngại.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội có dấu hiệu chững lại, từ mức 9% giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn 8,4% giai đoạn 2016 – 2017, nhưng những yếu tố phân tích nguyên nhân sụt giảm cũng như giải pháp ngăn chặn chưa có.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của thành phố tăng nhưng giải pháp tận dụng nguồn lực này để phát triển nội lực chưa được tính toán đến. Tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội chưa được xác định rõ.
Đơn cử, toàn thành phố còn 118 khu đất chậm triển khai dự án, chậm sử dụng, sử dụng không đúng mục đích; nguồn lực kiều hối của hơn 4 triệu kiều bào chưa được định hướng đầu tư hiệu quả; vốn nhàn rỗi trong dân chưa được tính toán nhằm huy động phát huy sức dân. Biện pháp tăng nguồn thu còn ỷ lại vào nguồn cổ phần hóa, tăng thuế, phí, lệ phí các loại.
Trong khi đó, nguồn lực từ cổ phần hóa không nhiều. Chủ trương tăng thuế, phí, lệ phí chỉ nhằm điều chỉnh hành vi của người dân chứ không góp phần tăng nguồn thu ngân sách.
Không chỉ vậy, báo cáo của UBND TP cũng chưa phân tích rõ có hay không tình trạng các doanh nghiệp nhà nước cho thuê đất công với giá rẻ hoặc để đất trống hoặc không đấu thầu minh bạch, công khai quỹ đất đầu tư… gây thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách thành phố. Ngoài ra, hiệu quả đầu tư vốn ngân sách đang triển khai ra sao, liệu có tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải hay không – chưa được đề cập đến.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của Thường trực HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, vốn đầu tư mà thành phố cần trong giai đoạn 2016 – 2020 là 1,8 triệu tỷ đồng nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng 20%.
Do vậy, để tăng nguồn lực, thời gian tới, UBND TP sẽ rà soát và công khai dự án cần thu hút đầu tư kết hợp ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm tài chính, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiện TPHCM đã công bố 127 dự án mời gọi đầu tư có vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, sẽ đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đặc biệt mời gọi các chuyên gia, các nhà khoa học trở về đóng góp và hiến kế phát triển thành phố.
Đất công, tài sản công sẽ thực hiện đấu giá, đấu thầu. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện quy trình hợp tác công tư, cải cách hành chính. Thành phố cũng đã thành lập tổ công tác chuyên ngành để gỡ khó kịp thời nhu cầu đất đai và thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư. Riêng với nguồn lực kiều hối, sẽ tính đến phương án huy động và sử dụng hiệu quả.
Phát biểu tại phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý UBND TP cần xem xét yếu tố giảm tỷ trọng đầu tư vốn ngân sách. Theo đó, vốn đầu tư ngân sách chỉ là “vốn mồi” nhưng biên độ giảm phải được xác lập để không ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư xã hội.
Ngoài ra, việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cần phải có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu xã hội quan tâm. Một vấn đề khác là thành phố phải có chính sách và giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu thuế, kết hợp tạo ra nguồn thu mới, tránh tình trạng tận thu và triệt thu.
Với những nguồn thu thuế hiện hữu, phải thu đúng, thu đủ, giảm nợ đọng thuế. Khâu cải cách thủ tục hành chính phải đẩy mạnh, tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, phải có giải pháp nhằm phát huy tối đa thuận lợi từ cơ chế đặc thù để tăng thu ngân sách phục vụ đầu tư phát triển thành phố, nhất là đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, an sinh cho người dân.
Cần chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý, nhất là với quỹ đất công, tài sản công, cổ phần hóa vốn nhà nước. Nhất thiết phải công khai, minh bạch đấu thầu để tăng nguồn thu cũng như tránh thất thoát cho ngân sách thành phố.
Theo: SGGPO