Sự phát triển mạnh của hạ tầng kết nối không chỉ tạo đà sự phát triển kinh tế liên vùng, mà còn trở thành động lực lớn cho thị trường địa ốc vùng ven ăn theo.
Kết nối liên vùng
Từ trước đến nay, người dân miền Tây muốn đi Bà Rịa-Vũng Tàu hay Phan Thiết nghỉ dưỡng, con đường độc đạo phải di chuyển chính là Quốc lộ 1A với lộ trình di chuyển phải đi vòng qua TPHCM đến Đồng Nai mới sang được Bà Rịa-Vũng Tàu hay Phan Thiết, thời gian di chuyển phải mất ít nhất 5-7 giờ.
Tuy nhiên, sự di chuyển này sẽ rút ngắn đáng kể khi tuyến đường cao tốc Bến Lức-Long Thành chính thức đưa vào sử dụng. Theo Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, chậm nhất là vào quý III-2018, dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đoạn Long An-Nguyễn Văn Tạo-TPHCM sẽ thông xe và đến năm 2020 sẽ thông xe toàn tuyến.
Dự án Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài 57,1km có điểm đầu giao giữa đường cao tốc TPHCM-Trung Lương và đường vành đai 3; điểm cuối giai đoạn 1 là nút giao với Quốc lộ 51 (Long Thành, Đồng Nai) và điểm cuối giai đoạn 2 sẽ giao với đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Dự án được xây dựng với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.
Toàn tuyến cao tốc có 2 cầu kết cấu dây văng lớn nhất Việt Nam là cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp dài 2,76km, cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu dài 3,18km. Đây là dự án lớn nhất ở các tỉnh phía Nam với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 1,6 tỷ USD, tuyến đường khoảng 32.000 tỷ đồng. Mục tiêu dự án giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TPHCM.
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư để kết nối TPHCM với các vùng phụ cận.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, và các cảng bến trên sông Soài Rạp, Long An. Song song đó, Bộ GTVT sẽ cho phép ưu tiên đầu tư đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, trong đó tập trung xây dựng trước đoạn Biên Hòa-Cái Mép, tăng cường khả năng kết nối khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải.
Đồng thời, xây dựng tuyến đường liên cảng, các tuyến đường kết nối tới các bến cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải. Xây dựng đường vào các bến cảng khu vực Hiệp Phước. Trong đó, đầu tư hoàn thiện tuyến đường trục Bắc-Nam vào khu công nghiệp bến cảng Hiệp Phước. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu khả thi kết nối đường sắt tới bến cảng khu vực Cái Mép; báo cáo chủ trương đầu tư dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn ODA.
TPHCM – Khai thông khu Đông
Sở GTVT vừa đề xuất UBND TPHCM thí điểm 3 dự án BT (xây dựng-chuyển giao) theo quy trình mới gồm: mở rộng đường Trần Đại Nghĩa, nâng cấp đường Nguyễn Duy Trinh và nạo vét tuyến sông Tắc (quận 9). Những dự án này về cơ bản đã hoàn thành hồ sơ đề xuất, nghiên cứu khả thi. Nhà đầu tư cũng đã cam kết thu xếp vốn và xác định quỹ đất sẽ thanh toán.
Hiện nay đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường số 990 đến nút giao vành đai 2) chật hẹp, chỉ có 2 làn xe lưu thông 2 chiều, lại đi qua khu vực dân cư đông đúc nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Ngoài ra, tuyến đường này nằm trong tổng thể kết nối giao thông vực vực cảng Cát Lái cùng với một số tuyến đường chính trong khu vực. Vì vậy, việc triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường hết sức cần thiết.
Với dự án nạo vét sông Tắc và xây dựng mới cầu Trường Phước (thay thế cầu cũ trên đường Long Thuận), Sở GTVT cũng cho rằng rất cấp bách nhằm chuyển hướng luồng chuyên chở hàng hóa, sản phẩm công nghiệp ra vào các nhà máy và bến cảng khu vực cảng Cát Lái, khu công nghệ cao, cụm cảng trung chuyển ICD mới tại phường Long Bình, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái.
Cả 2 dự án trên sẽ cùng góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho khu vực cảng Cát Lái, giảm tải cho vận tải đường bộ khu vực phía Đông. Tổng vốn đầu tư 2 dự án này 1.911 tỷ đồng.
Với dự án mở rộng đường Trần Đại Nghĩa thuộc huyện Bình Chánh, sẽ giúp chia sẻ áp lực giao thông với đường tỉnh lộ 10, trục giao thông kết nối khu công nghiệp Đức Hòa-khu đô thị Sing Việt-khu công nghiệp Lê Minh Xuân, cũng như kết nối với cao tốc TPHCM-Trung Lương thông qua đường dẫn cao tốc Tân Tạo-Chợ Đệm. Dự án có mức đầu tư dự kiến 4.726 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn bằng việc khai thác khu đất 700ha tại quận Bình Tân và một phần thuộc huyện Bình Chánh.
Hiện nay tất cả dự án BT tại TPHCM đang bị tạm ngưng thực hiện. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết tại buổi khảo sát tuyến đường Nguyễn Duy Trinh giữa tháng 3 vừa qua, TP có thể đề xuất với Thành ủy, lấy dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh làm thí điểm quy trình thực hiện dự án BT, sau đó áp dụng đại trà đối với dự án khác.
Nhiều dự án theo hạ tầng
Tuy nhiên, trong các thị trường vùng ven, hưởng lợi lớn từ sự bứt phá của hạ tầng kết nối sắp tới là Bà Rịa – Vùng Tàu.
Theo ghi nhận từ cuối nãm 2017 đến nay, giá đất ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là khu vực trung tâm Bà Rịa, Tân Thành, Châu Đức… tăng mạnh. Lượng hồ sơ mua bán, giao dịch BĐS cũng tăng cao từ 20 đến 30%, thậm chí lên đến 50% so với cuối năm 2017. Bởi lẽ so sánh với các địa phương khác cũng như các lợi thế về tiềm năng phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu có mức giá còn khá “mềm”.
Thời gian qua khá nhiều “đại gia” địa ốc ở TPHCM đã đổ bộ về Bà Rịa-Vũng Tàu săn tìm quỹ đất để phát triển dự án. Đơn cử như CTCP BĐS Danh Khôi đã công bố ra thị trường dự án Barya Citi, quy mô diện tích 8,7 ha, tọa lạc tại vị trí vàng trong trung tâm hành chính của tỉnh, giáp với 3 mặt tiền đường Trường Chinh (Quốc lộ 55), đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Văn Cừ. Ông Dương Minh Tiến, Trưởng ban phát triển dự án Danh Khôi chia sẻ, đây là dự án mà Danh Khôi đầu tư để trở thành khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại trung tâm Bà Rịa.
Khách hàng tìm hiểu dự án Barya Citi.
“Lâu nay, nhiều khu đô thị được hình thành nhưng thiếu tiện ích hạ tầng dịch vụ, hạ tầng xã hội, vì vậy một số khu đô thị không thu hút được cư dân về ở. Để khắc phục hạn chế này, Danh Khôi sẽ xây nhà để bán, đồng thời đầu tư các tiện ích nội khu như hồ bơi hiện đại dài 58m, quầy bar nhiệt đới, trung tâm thương mại – dịch vụ – siêu thị, trường học quốc tế nằm trong khuôn viên dự án, khu vui chơi dành cho trẻ em hiện đại”- ông Tiến cho biết.
Cùng với Danh Khôi, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc cũng đã và đang lên kế hoạch rót vốn vào địa phương này. Đơn cử như Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết đã chi gần 1.000 tỷ đồng để mua 4 dự án tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Công ty Địa ốc Việt Hân đang triển khai 2 dự án lớn có tổng mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD; Công ty Gia Long, Công ty Nam Hải với dự án Gia Long Villas và Khu biệt thự cửa biển Marine; Tập đoàn Tuần Châu cũng đang có kế hoạch để triển khai dự án tỷ đô tại đây…