Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất – một chặng đường đủ dài để nhìn lại, để tự hào về những đổi thay ngoạn mục của TPHCM – một thành phố luôn sôi động, luôn chuyển mình và không ngừng vươn xa. Từ những năm tháng hậu chiến khó khăn, Thành phố nay đã nhanh chóng vươn mình thành một trung tâm kinh tế lớn, từng bước khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước.

Bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội và thách thức, TPHCM vẫn đang tiếp tục phát huy tinh thần “đi trước – về trước” bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với chiến lược linh hoạt và tầm nhìn dài hạn, TPHCM không chỉ duy trì vị thế trung tâm kinh tế hàng đầu mà còn hướng đến trở thành một đô thị thông minh, năng động, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Bài 1: Nửa thế kỷ vươn mình mạnh mẽ
Từng là nơi chịu nhiều tổn thất nặng nề sau chiến tranh, trải qua 50 năm, TPHCM không ngừng phát triển, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học – công nghệ của cả nước.
Vượt siêu lạm phát 740% và câu chuyện “xé rào”
Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, TPHCM phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hệ thống kinh tế bao cấp cứng nhắc, những cải cách chưa phù hợp khiến sản xuất đình trệ, giá cả leo thang chóng mặt. Lạm phát có thời điểm lên tới 740%, đẩy cuộc sống của hàng triệu người dân vào cảnh khốn đốn.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn độn, từ khoai sắn đến bo bo, có lúc độn đến 90%. Kéo theo đó là sự sa sút, khủng hoảng ngày càng trầm trọng về kinh tế – xã hội”, PGS.TS. Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhớ về giai đoạn hiểm nghèo của TPHCM những ngày đầu sau giải phóng. Khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được.
Thế nhưng, trong khó khăn, khí phách và bản chất anh hùng từ những năm tháng chiến tranh gian truân, khốc liệt được khơi dậy.
Ông Biên kể, những vị lãnh đạo cao nhất thuộc “đời đầu” của TPHCM đã tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, đưa Thành phố ra khỏi cơn khủng hoảng. Họ vừa chạy gạo từng bữa cho 3,5 triệu dân, vừa thành lập Tổ thu mua lương thực, lặn lội xuống tận Đồng bằng sông Cửu Long, vượt qua bao hàng rào “ngăn sông cấm chợ”, chịu sự hạch sách, dọa nạt, thậm chí bắt bớ, để thu mua lương thực theo “giá thỏa thuận”.
Thành ủy đã có nhiều cuộc nghiên cứu cơ sở, khảo sát, tìm hiểu và “đỡ đầu” cho những tìm tòi, sáng kiến khi đó bị quy chụp là “xé rào”, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từng bước thoát ra khỏi cách suy nghĩ cứng nhắc, tìm ra những biện pháp xác đáng giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu và bức thiết của Thành phố.
Từ những sáng kiến “xé rào” chạy cơm từng bữa cho dân, Thành ủy TPHCM khóa I đã có 2 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết lần thứ 9 (1979) và Nghị quyết lần thứ 10 (1980) đặt nền móng cho sự thay đổi, tạo điều kiện cho sản xuất bung ra, khuyến khích tư duy đổi mới từ cơ sở.
Thành phố đề ra chủ trương “tìm mọi nguyên liệu cho sản xuất”, lập Công ty Xuất nhập khẩu trực tiếp (Direximco) và Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) huy động vốn mua hàng xuất khẩu, lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư cho sản xuất. Thành phố mạnh dạn mở các kho dự trữ từ trước, đưa vật tư tồn đọng trang trải cho các xí nghiệp.
Nhờ đó, Thành phố đã có nhiều đơn vị điển hình làm ăn theo “cơ chế Thành phố” như Công ty Bột giặt miền Nam, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công, Dệt Phước Long, Công ty Lương thực Thành phố, Xí nghiệp Thuốc lá Thành phố, Bia Sài Gòn, Sinco, Caric… Hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ lao động xã hội chủ nghĩa xuất hiện, được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương, Hội đồng Bộ trưởng cấp Bằng khen…

Còn theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, những năm đầu sau giải phóng, Thành phố phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn và thách thức khi vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đương đầu với khó khăn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp và những thách thức từ chiến tranh biên giới; đồng thời, phải giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Ngân, giai đoạn 10 năm (1975-1985), tổng sản phẩm địa phương (GDP và nay là GRDP) của Thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm. Nhưng bước ngoặt thực sự đến vào năm 1986, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm nhiều thành phần kinh tế, Thành phố đã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế-xã hội, từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thành phố như được cởi trói, như “chiếc lò xo” được bung ra, nhiều loại hình doanh nghiệp ra đời, kinh tế Thành phố tăng trưởng cao liên tục, giai đoạn 1986-1990 tăng trưởng 7,82%/năm (cả nước 4,4%). Giai đoạn 1991-2010, Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số (11-12%/năm).
Giai đoạn 2011-2015, GRDP của Thành phố tăng trưởng bình quân 7,22%/năm, cao hơn 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Lúc này cũng bắt đầu xuất hiện nhiều điểm nghẽn như “chiếc áo quá chật” đối với quy mô ngày càng lớn của Thành phố về thể chế của siêu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Giai đoạn 2016-2020, GRDP tăng bình quân 6,41%/năm (do ảnh hưởng hưởng đại dịch COVID-19, năm 2020, Thành phố chỉ tăng trưởng 1,16%, thấp hơn tăng trưởng 2,9% của cả nước).
“Đất lành chim đậu”
Từ một vùng đất chịu tổn thương nặng nề sau chiến tranh, TPHCM đã vươn lên trở thành biểu tượng của cơ hội và đổi mới. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều mang trong mình hơi thở của sáng tạo, phản ánh tinh thần tiên phong của vùng đất này.
Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, nhờ lợi thế về địa-kinh tế, TPHCM đang được xem là trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế; hạ tầng kinh tế phát triển; hạ tầng đô thị đang hình thành dáng dấp của một siêu đô thị hiện đại; đội ngũ doanh nhân và số lượng doanh nghiệp chiếm gần 1/3 cả nước. Đây cũng là nơi lập nghiệp của doanh nhân đến từ hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước; có ưu thế về đội ngũ khoa học – công nghệ và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực…

Là doanh nhân sinh năm 1975 ở Hải Phòng, học tập tại Hà Nội, song ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh chọn TPHCM làm nơi lập nghiệp.
Lúc khởi nghiệp với Phúc Sinh, ông bắt đầu từ con số 0. Vốn liếng hạn chế, ông phải tự học mọi thứ, từ nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng đến quản lý tài chính. Thậm chí, có những ngày ông vừa là giám đốc, vừa là nhân viên kinh doanh, vừa là người vận chuyển hàng.
Nhưng cùng với sự phát triển vượt bậc và hội nhập sâu của Thành phố, Phúc Sinh cũng từng bước tận dụng các lợi thế để phát triển mạnh. Những năm đầu tiên kinh doanh, công ty chỉ đạt 200.000 USD thì đến năm 2024, doanh thu lên đến 320 triệu USD.
Ông Thông chia sẻ, thế hệ ông trưởng thành trong bối cảnh đất nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Dù khó khăn, nhưng đây cũng là thời điểm tràn đầy cơ hội. Đổi mới kinh tế năm 1986 đã mở ra cánh cửa cho tinh thần khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tư nhân. “Chúng tôi chính là những người tiên phong tận dụng cơ hội đó để đưa sản phẩm Việt Nam vươn xa”, ông tự hào chia sẻ.
TPHCM không chỉ là cái nôi của những doanh nhân trẻ mà còn là địa phương tiên phong trong các mô hình phát triển kinh tế hiện đại. Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận định, Thành phố đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, đóng góp chung vào phát triển kinh tế số. Tỉ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của Thành phố năm 2023 là 21,5%, tăng 8,9% so với năm 2020.
Thành phố cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với các hình thức phổ biến: Sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki), bán hàng qua mạng xã hội, nền tảng trực tuyến (Facebook, Instagram, Tiktok…).
Các nền tảng kinh tế chia sẻ, kết nối người dùng có nhu cầu với người bán dịch vụ hoặc sản phẩm nhàn rỗi, các lĩnh vực phổ biến: Giao hàng, vận tải (Grab, Gojek, Be…), lưu trú (Airbnb), chia sẻ xe (BeCar, GoCar…), dịch vụ lao động (btaskee)… phát triển mạnh vì tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa tài nguyên, tạo thêm thu nhập cho người tham gia.
Nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ công nghệ tài chính thông qua nền tảng số như tài chính cá nhân (dịch vụ quản lý tài sản kỹ thuật số, chuyển tiền), thanh toán số (mua hàng trực tuyến, POS), tài chính thay thế (cho vay ngang hàng P2P…), bảo hiểm trực tuyến Insurtech (bảo hiểm trực tuyến về nhân thọ, sức khỏe…), dịch vụ tài chính B2C (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm)…
Song song với sự phát triển công nghệ, Thành phố cũng đẩy mạnh xu hướng xanh hóa trong kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nghiên cứu phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp để thúc đấy mô hình kinh doanh theo xu hướng xanh hóa như mô hình dịch vụ năng lượng, mô hình dịch vụ cung cấp phương tiện giao thông xanh, mô hình dịch vụ cho thuê các thiết bị văn phòng và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nguồn dẫn: Anh Thơ – Khánh Linh/ Báo Chính phủ
Link bài gốc: https://baochinhphu.vn/kinh-te-tphcm-di-truoc-ve-truoc-trong-ky-nguyen-moi-102250409104518115.htm