LTS: Tròn nửa thế kỷ đất nước được thống nhất, chúng ta càng thấu hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình – nền hòa bình là kết quả sau gần 30 năm (1945-1975) bền bỉ, anh dũng, kiên cường kháng chiến để bảo vệ độc lập và sự thống nhất đất nước của cả dân tộc Việt Nam; hòa bình cũng là nền tảng tiên quyết để đất nước đạt được những thành tựu lớn lao trong suốt 5 thập niên qua, tích lũy đủ thế và lực để mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, thịnh vượng của dân tộc.
PV Báo SGGP ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và cán bộ quân đội, chuyên gia ngoại giao, nhà khoa học về giá trị của hòa bình.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao BÙI THANH SƠN: Hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững
Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam được xem là một biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, là hiện thân của một đất nước anh dũng, kiên cường, biểu tượng của hòa bình. Lãnh đạo nhiều quốc gia và bạn bè quốc tế vẫn luôn nhắc đến cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, cho đó là “lương tri” của thời đại và còn nguyên giá trị cho thế giới ngày nay. Có thể nói, câu chuyện Việt Nam đã truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế về một đất nước vươn lên từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận, trở thành biểu tượng hòa bình, hữu nghị, phát triển năng động và đóng vai trò tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tiếp nối niềm tự hào đó, Việt Nam còn được đánh giá cao từ một góc độ của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ, phát triển năng động và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới. Việt Nam đã trở thành một hình mẫu thành công trong phát triển kinh tế – xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm trong khi bảo đảm công bằng, tiến bộ về xã hội. Vì lý do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong nhiều cuộc tiếp xúc đã nhắc đến Việt Nam như một “hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững”. Đối với những cán bộ làm công tác đối ngoại, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, tự tin khi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam đã góp phần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận quốc tế mong muốn tìm hiểu tại sao Việt Nam có thể duy trì quan hệ cân bằng, hài hòa, tích cực với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.
Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, cũng là năm bản lề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời môi trường khu vực và quốc tế. Yếu tố bảo đảm cho sự vươn lên của dân tộc là môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển. Do đó nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào củng cố, giữ vững cục diện này – kiến tạo một môi trường hòa bình – yếu tố quan trọng nhất – vững vàng trước các biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thiếu tướng VÕ SỞ, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Tự hào về hai chữ Việt Nam với bạn bè quốc tế
Trong 47 năm quân ngũ, tôi có 17 năm công tác ở Binh đoàn 12 (tiền thân là Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn) và gần 11 năm liên tục sống, chiến đấu trên các tuyến đường, binh trạm của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn, từ cuối năm 1964 đến năm 1975. Ngày 30-4-1975, tôi theo cánh quân của Quân đoàn 3, xuất phát từ Tây Ninh, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Để có được chiến thắng ngày 30-4-1975, quân và dân chúng ta đã hy sinh, mất mát rất nhiều. Hàng vạn người lính đã hy sinh, nằm lại trên những tuyến đường, cánh rừng dãy Trường Sơn… Không gì có thể đo đếm cụ thể được hy sinh, mất mát của cả đất nước và mỗi người dân Việt Nam qua những cuộc chiến tranh. Nói vậy để thấy, có được hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay là điều hết sức thiêng liêng quý giá, chúng ta nên trân trọng, giữ gìn, từ đó phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
50 năm đã trôi qua. Từ những gian khổ, mất mát vì chiến tranh, rồi bị bao vây, cấm vận; đất nước ta từng bước vượt khó, phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập Tổ quốc. Tôi cho rằng, phải có hòa bình, đất nước mới thực sự độc lập, tự do, tự chủ để phát triển. Muốn thế, chúng ta phải có một nền kinh tế mạnh, một nền ngoại giao khôn khéo, nhất là tiềm lực quốc phòng đủ mạnh, để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, trước mọi nguy cơ… Mong rằng thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước, đưa đất nước Việt Nam tiếp tục phát triển. Hòa bình, độc lập dân tộc luôn giữ vững để xây dựng đất nước thịnh vượng, ai cũng có quyền tự hào về hai chữ Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đại sứ HÀ HUY THÔNG, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: 30-4: Ngày Hòa bình và Thống nhất
Ngày 30-4 với tôi có một ý nghĩa đặc biệt. 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi có tham gia phiên dịch cho một cuộc họp báo quốc tế vào dịp 30-4-1985. Tiếp đó, 20 năm sau ngày thống nhất đất nước, lúc này, Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu cởi mở và nối lại quan hệ, tuy chưa tuyên bố bình thường hóa quan hệ, song đã mở cơ quan liên lạc với nhau. Tháng 2-1995, Việt Nam mở cơ quan liên lạc tại Mỹ và tôi là người được cử làm Trưởng đại diện Cơ quan liên lạc Việt Nam tại Mỹ. Đúng ngày 30-4 năm ấy, phía Bộ Ngoại giao Mỹ mời Trưởng đại diện Cơ quan liên lạc Việt Nam đi dự một hội thảo về chiến tranh Việt Nam. Sau hội thảo đó, đến tháng 7 cùng năm thì Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ.
Kể lại những sự kiện cá nhân liên quan đến ngày 30-4, tôi muốn chia sẻ rằng cái giá phải trả cho chiến tranh và công cuộc hàn gắn lại vết thương chiến tranh sau khi cuộc chiến kết thúc là quá lớn. Dân tộc ta, đất nước ta phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Tôi cho rằng, lịch sử không thể bị lãng quên, song theo thời gian thì nỗi đau cần phải được hàn gắn. Chúng ta hàn gắn vết thương, đoàn kết cùng nhau để xây dựng đất nước, hướng về tương lai.
Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc LÊ DUY ỨNG, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Phải sống và vẽ cho cả những người đã hy sinh
Đêm 27 và rạng sáng 28-4-1975, khi tôi đang tác nghiệp trên xe tăng 847 (Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2) cách Sài Gòn khoảng 30km, thì một quả đạn chống tăng nổ làm đứt xích bên phải xe tăng. Sau tiếng nổ, tôi ngất đi không biết gì. Khi tỉnh lại, tôi sờ tay lên mặt, thấy đôi mắt lồi lên, máu chảy rất nhiều nhưng vẫn còn tỉnh táo.
Trong thời khắc đó, đầu tôi lóe lên ý nghĩ là vẽ chân dung Bác Hồ. Ngay lập tức, tôi rút chiếc cặp vẽ mang theo bên mình, lấy một tờ giấy rô-ki và ký họa ngay trên xe tăng, bên cạnh một chiến sĩ đã hy sinh. Tôi lấy tay chấm máu từ đôi mắt của mình để vẽ chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay phấp phới. Vẽ xong, tôi ghi lại dòng chữ “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” rồi ký tên. Sau đó, tôi gấp cẩn thận và bỏ vào túi ngực bên trái, rồi ngất đi một lần nữa.
Tỉnh dậy lần thứ hai, tôi cảm giác có một cánh tay rất khỏe nâng mình lên, bế ra khỏi sàn xe tăng, đặt xuống vệ đường. Trận đánh kết thúc, tôi mất nhiều máu, nên bị chết lâm sàng. Đồng đội đã chuẩn bị đưa tôi đi chôn. Trong lúc đồng đội sửa sang lại huyệt, tôi tỉnh dậy bò ra khỏi cáng. Sau đó tôi được đưa đi điều trị tại trạm quân y tiền phương, rồi chuyển về Viện Dân y ở Phan Thiết. Khi thay quần áo, các y bác sĩ thấy bức tranh đặc biệt trong túi áo được vẽ bằng máu của tôi và đã cất đi. Hiện bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tôi luôn nghĩ, chiến tranh đã lấy đi của mình đôi mắt, nhưng mình còn may mắn hơn bao nhiêu đồng đội, còn được sống để trở về làm tiếp công việc mình yêu thích. Nhiều đồng đội của tôi ngã xuống, có những tài năng đã bị chôn vùi cùng lớp đất và khói đạn của chiến tranh. Bởi thế tôi phải sống cho cả những người lính ấy. Còn vẽ được là còn sống. Còn sáng tạo được là còn tri ân những con người đã yêu thương, giúp đỡ mình. Với những con người đã cống hiến cả cuộc đời, hy sinh tuổi thanh xuân vì đất nước, dân tộc; mình có vẽ bao nhiêu, tạc tượng thế nào cũng không thể diễn tả cho hết được chân dung của những con người vĩ đại. Đối với Bác Hồ, tôi một lòng tôn kính; với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi suốt đời nể trọng; đối với những người đã cống hiến hết mình vì nền độc lập tự do, hòa bình cho dân tộc, tôi nặng nợ, mang ơn.
Khi đôi mắt đã được chữa lành, tôi vẽ, làm tượng Bác và biết bao nhiêu con người đã cống hiến, hy sinh. Ngay cả bây giờ, mắt không còn nhìn được nữa, tôi vẫn tiếp tục công việc ấy. Mỗi dịp đi đâu, tới mảnh đất nào, có trong tay một khúc gỗ hay vật liệu, tôi đều làm tượng và nghĩ thầm: mỗi một gốc cây, ngọn cỏ đều thấm xương máu của những người ngã xuống. Và linh hồn họ như đang ở đây, trong những bức tượng này…
GS-TSKH VŨ MINH GIANG, Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Đoàn kết – sức mạnh vô địch
Là đất nước có vị trí địa – văn hóa giao thoa nên trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam đã tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa và văn minh. Nhưng cũng do vị trí chiến lược về địa – chính trị, Việt Nam thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến, mà kẻ thù luôn là các thế lực hùng mạnh. Liên tục trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam là quốc gia hơn ai hết hiểu thế nào là giá trị của hòa bình. Chính vì vậy mà cùng với truyền thống hòa hiếu, hữu nghị, người Việt luôn tìm cách gìn giữ hòa bình, tránh nạn binh đao. Người Việt Nam chỉ buộc phải chấp nhận chiến tranh khi giới hạn cuối cùng là chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc bị xâm phạm. Đó là lúc cả đất nước lại nhất tề đứng dậy, trên dưới đồng lòng làm nên những chiến công hiển hách.
Lịch sử Việt Nam có một đặc điểm mà người ta từng nghĩ là đất nước nhiều chiến tranh như vậy, có lẽ tư duy thích ứng với chiến tranh là đặc điểm nổi trội của con người Việt Nam. Thế nhưng, những người nghiên cứu một cách sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam thì nhận ra một điều: đây là một dân tộc khao khát hòa bình. Khát khao cuộc sống thanh bình nằm trong tim, trong máu của người Việt Nam. Kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng chứ không phải chúng ta muốn chiến tranh. Chính vì vậy, hòa hiếu như là một đặc tính của con người Việt Nam. Truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình cũng chính là “sức mạnh mềm” của dân tộc chúng ta. Từ ý thức sâu sắc được giá trị của hòa bình, chúng ta cũng đang có những hành động cụ thể để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, tập trung nội lực cho phát triển đất nước, trong đó có hòa giải dân tộc.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc – sức mạnh vô địch của dân tộc ta đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nên sau 50 năm, đã đến lúc những tư tưởng thắng thua, thành phần, lý lịch, phân biệt đối xử giữa người Việt Nam với nhau ở trong và ngoài nước… nên được khép lại. Gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nếu chúng ta làm cho mọi người Việt Nam “con Lạc cháu Hồng” đều đồng tâm, hợp lực để xây dựng đất nước thì đấy sẽ là động lực, sức mạnh to lớn để xóa nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nguồn dẫn: Báo SGGP
Link bài gốc: https://www.sggp.org.vn/gia-tri-cua-hoa-binh-post793154.html