Trong thời khắc lịch sử của 50 năm về trước, khi miền nam hoàn toàn giải phóng, nhiều người đã trào dâng nước mắt khi lần đầu tiên thấy thành phố Sài Gòn im tiếng súng, không còn bom đạn, đau thương… Dù nửa thế kỷ đã qua đi, nhiều người vẫn không giấu được niềm xúc động khi hồi tưởng lại khoảnh khắc đó.
1 Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Đan về lễ bàn giao nội các của Dương Văn Minh (Trích từ trong hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” của Thiếu tướng Hoàng Đan)
Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cơ bản không còn địch chống cự và cũng như ở Đà Nẵng, nhân dân ra đầy hai bên đường để chào đón và hoan hô bộ đội… Với vài người dân nhiệt tình dẫn đường đi bằng mô tô phía trước, cứ thế chúng tôi đã đi thẳng đến Dinh Độc Lập.
Sau khi cho xe tăng và bộ binh bao vây ngôi nhà chính của Dinh Độc Lập và án ngữ các hướng vào dinh, đồng chí Thệ – Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng một số cán bộ và chiến sĩ lên tầng hai vào căn phòng rộng nhất, nơi toàn bộ các thành viên của cái gọi là nội các Dương Văn Minh đang hội họp. Chúng cũng định làm ra vẻ một chính phủ đường hoàng để bàn giao. Đồng chí Thệ nói: Các anh đã bị bắt. Mọi người ngồi yên tại chỗ và làm theo lệnh chúng tôi. Sau đó, đồng chí Thệ cho đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Trong lúc đồng chí Thệ và các đồng chí cán bộ Trung đoàn 66 soạn thảo nội dung lời tuyên bố đầu hàng, thì đồng chí Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đến, mọi người cùng bàn bạc soạn thảo tiếp. Ngay sau đó, Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn. Đồng chí Bùi Văn Tùng thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng, kêu gọi các lực lượng còn lại hạ vũ khí.
Khi tôi vào, Dương Văn Minh đã đi ra đài phát thanh. Chuẩn tướng Hạnh trông thấy tôi đoán là người chỉ huy, nên đến báo cáo về tình hình trong dinh trước lúc quân giải phóng đến, giới thiệu những nhân vật chính có mặt.
Tôi nói với chuẩn tướng Hạnh, ở đây còn liên lạc được với đơn vị nào, anh cho họ biết các anh đã đầu hàng không điều kiện và báo cho đơn vị đó nhanh chóng đầu hàng. Chuẩn tướng Hạnh đã liên lạc và truyền lệnh được cho nhiều đơn vị khác nhau.
Sau khi thảo xong thông cáo số 1, khoảng 17 giờ các đồng chí đại diện Quân đoàn 4 vào. Các đồng chí nói có nhiệm vụ chiếm Dinh Độc Lập nhưng vào chậm, nay cho xin bàn giao lại. Chúng tôi vui vẻ bàn giao ngay… Trên đường xe cộ, người chen chúc nhau. Lúc về định nghỉ, nhưng thực ra không ai nghỉ được. Chuyện nhiều quá, kể cho nhau nghe không hết được. Có lẽ cũng không phải chuyện nhiều, mà cái chính là người nào cũng có cảm giác là lạ, có lẽ là cảm giác vui mừng. Nhưng lúc đó cũng không hiểu cảm giác gì. Ngồi nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Nghĩ không biết bây giờ anh em đang làm gì. Có canh gác cẩn thận hay lại lơ là mất cảnh giác. Nghĩ Hà Nội bây giờ ra sao, vợ con mình nghĩ gì lúc này, khi chiến tranh đã kết thúc. Nghĩ thương các đồng chí hy sinh trước giờ chiến thắng… Nghĩ rất nhiều, hết chuyện này sang chuyện khác. Ngồi nghĩ, nói chuyện với nhau, ra một vài mệnh lệnh cần thiết, cứ thế chúng tôi thức đến sáng… Trước mắt dẫu sao cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả nhất: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Cảm xúc ở trong tôi lúc bấy giờ chắc cũng giống như bao người lính khác. Đó là một niềm vui tột đỉnh, vui sướng, tự hào, vinh dự được tham gia với đội quân Hồ Chí Minh.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc đại đội 4 Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.
2 Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc đại đội 4 Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975: Tôi cùng đồng đội đã đi một chặng đường dài để về đến đích.
Tôi đã cùng đại đội tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, chứng kiến giờ phút đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập vào khoảng 11 giờ 30. Khi đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập gần giữa trưa 30/4, đường phố rất vắng. Nhưng sau đó, nhận thấy tình hình yên ổn, người dân bắt đầu lập tức tràn ra đường khá đông. Tôi nhìn thấy những lá cờ giải phóng xuất hiện trong đám đông, cùng băng-rôn chào mừng quân giải phóng.
Cảm xúc ở trong tôi lúc bấy giờ chắc cũng giống như bao người lính khác. Đó là một niềm vui tột đỉnh, vui sướng, tự hào, vinh dự được tham gia với đội quân Hồ Chí Minh.
Tôi cùng đồng đội đã đi một chặng đường dài để về đến đích và mình vẫn còn sống. Chúng tôi đã được thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến đầy gian nan của dân tộc. Từ nay, đất nước mình sẽ hết chiến tranh, sẽ được sống trong hòa bình, thống nhất và độc lập.
Nhưng xen lẫn đó thì cũng là niềm thương tiếc đối với những người đồng đội gần gũi của mình đã hy sinh. Trên chiếc xe tăng 380 của tôi, pháo thủ số 2 Nguyễn Kim Duyệt hy sinh trước đó hai ngày trong quá trình tiến quân về Sài Gòn. Còn Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ cũng hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn, khi cách giờ chiến thắng chỉ khoảng 2 tiếng.
Cảm giác đầu tiên của đêm 30/4/1975 trong tôi là không còn nghe tiếng súng. Trước đó, đêm nào quân đội cũng bắn đại bác, máy bay rợp trời.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-964).
3 Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-964). Trong ngày 30/4/1975, ông là người có mặt tại Dinh Độc Lập, nhân chứng tại Đài phát thanh Sài Gòn vào thời khắc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng: Cảm giác hòa bình rất quý giá

Khoảng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, tôi đã đưa trung úy Bùi Quang Thận lên cắm cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lên nóc Dinh Độc Lập.
Thật tình cờ khi cắm lá cờ trên đó, lại có ba gương mặt đại diện cho ba vùng của đất nước chứng kiến. Đó là ông Bùi Quang Thận, quê Thái Bình, đến từ miền bắc; tôi Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, gốc Đà Nẵng, đến từ miền trung; và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng, người Tây Ninh, đến từ miền nam. Đó dường như là một hình ảnh có tính tượng trưng, khi ba thanh niên của ba miền treo cờ giải phóng lên, xác định nước Việt Nam độc lập từ đó. Điều quan trọng là từ nay, đất nước ta có hòa bình, độc lập, thống nhất. Đó là điều toàn dân mình mong muốn.
Cảm giác đầu tiên của đêm 30/4/1975 trong tôi là không còn nghe tiếng súng. Trước đó, đêm nào quân đội cũng bắn đại bác, máy bay rợp trời. Trên đường phố Sài Gòn trước đó thường hay xảy ra chuyện bắt lính hay là chuyển quân, rồi tiếng xe quân đội của Việt Nam cộng hòa chạy tới chạy lui rầm rầm. Vào buổi chiều đó, buổi tối đó tự nhiên không gian im ắng hoàn toàn. Cảm giác đầu tiên là chúng ta có hòa bình. Cảm giác ấy rất quý giá, bởi với người dân, hòa bình là không còn chết chóc, rồi chúng ta đã giành được độc lập và thống nhất đất nước.
Khi đi đến Biên Hòa, tôi và đồng đội nhận tin chiến thắng của ngày 30/4 lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tâm trạng của tôi lúc ấy vui và sung sướng vô cùng. Bọn tôi thường nói, những ngày tháng 4, hay khoảnh khắc chiến thắng 30/4 là khoảng thời gian mình cảm thấy hạnh phúc trong cuộc đời bởi những niềm vui tột độ.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ từng chiến đấu ở quân khu Sài Gòn-Gia Định từ năm 1971
4 Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ từng chiến đấu ở quân khu Sài Gòn-Gia Định từ năm 1971:
Ngày 15/4/1975, anh Hoài Vũ (nhà thơ Hoài Vũ-PV) cử tôi và đồng đội Hà Công Tài đi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi hành quân từ Tây Ninh, đi qua Biên Hòa, đi về ngã ba Dầu Giây xuống Long Thành (Đồng Nai). Trên đường đi, gặp rất nhiều đơn vị bộ đội tác chiến đang hành quân.
Khi đi đến Biên Hòa, tôi và đồng đội nhận tin chiến thắng của ngày 30/4 lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tâm trạng của tôi lúc ấy vui và sung sướng vô cùng. Bọn tôi thường nói, những ngày 30/4, hay thời gian 30/4 là khoảng thời gian mình cảm thấy hạnh phúc trong cuộc đời bởi những niềm vui tột độ.
Trước hết, cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc ta đã giành được thắng lợi vĩ đại, như Đảng đã nói – đó là “một chiến công chói lọi mang tầm quốc tế”. Tiếp đó, với bản thân mình, một cuộc chiến tranh gian khổ, không biết sống chết lúc nào đã kết thúc.
Thời gian 30/4 coi như đã kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ nhất, ác liệt nhất, mà sự sống chết đã được khẳng định rõ ràng.
5 Cựu chiến binh Hồ Hữu Ban, nguyên chiến sĩ của C3, D4, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2: Xen lẫn niềm vui tột đỉnh là sự tiếc thương người đồng đội hy sinh trước chiến thắng chỉ 2 giờ.
Tám giờ sáng ngày 30/4/1975, Lữ đoàn xe tăng 203 của chúng tôi đã áp sát chân cầu Sài Gòn. Đoàn quân đã đến tận chân cầu nhưng vẫn không thể vượt qua được. Bên kia cầu, giặc tập trung hỏa lực rất mạnh, có cả xe tăng đại bác, hỏa tiễn, súng chống tăng, trên trời có nhiều máy bay yểm trợ, dưới đáy cầu có thông tin giặc cài mìn phá hủy nếu quân ta dám vượt qua cầu. Một cuộc chiến cam go về trí não, hỏa lực và lòng mưu trí dũng cảm của quân đội ta đã diễn ra ở đây. Sau hai tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt, cuối cùng quân ta giành thắng lợi, đồng loạt xông lên.

Đến 10 giờ, xe bọc thép của tôi đã dừng trước cửa Dinh Độc Lập. Xe tăng của đại đội trưởng Bùi Quang Thận đậu trước mặt xe tôi cách 20m và đầu xe đã đụng vào cổng phụ của Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Tôi đứng trên xe của mình quan sát toàn bộ khuôn viên dinh Độc Lập. Một không gian tĩnh lặng hiện ra giờ dưới nắng vàng của ngày 30/4/1975. Sau một khoảng thời gian chờ lệnh, toàn quân đã đồng loạt tràn vào Dinh Độc Lập.
Khi chứng kiến giờ phút chiến thắng, lòng tôi bồi hồi, lâng lâng, vừa mừng vừa vui. Có lẽ đây cũng là cảm xúc của rất nhiều người lúc đó. Những người lính đã hoàn thành được nhiệm vụ thống nhất đất nước, thực hiện được ước nguyện của Bác Hồ là giành được độc lập, nối liền một dải non sông. Mọi người vui mừng, phấn khởi không để đâu cho hết.
Lúc 13 giờ 30 ngày 30/4/1975, Lữ đoàn xe tăng 203 rút khỏi dinh Độc Lập, một số lớn lực lượng tỏa đi khắp nơi để bố phòng, truy quét chủ yếu là Cảng Bạch Đằng, Cảng Ba Son, Tân Cảng, Bến Nhà Rồng và những trục đường huyết mạch nhất. Đến 17 giờ, một bộ phận xe tăng thiết giáp đóng chốt tại thương cảng Sài Gòn (hiện nay là bến Nhà Rồng) làm nhiệm vụ canh giữ bố phòng.
Tôi và toàn đơn vị cùng thức trọn một ngày đêm, dũng cảm không sợ gian nguy, tiến lên phá tan hang ổ cuối cùng của giặc. Cả ngày luôn cảm thấy tâm trạng mình bâng khuâng nao nao trong không khí ăn mừng chiến thắng.
Trong số anh em biệt động của mình trong ngày 30/4, cũng có ít người được tham gia vào tiếp quản thành phố. Nên trong đời cách mạng tôi có hai dấu ấn đều mang cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Thị Minh Nghĩa (Chín Nghĩa)
6 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Thị Minh Nghĩa (Chín Nghĩa): Vui nhất đời tôi được chứng kiến giây phút miền nam hoàn toàn giải phóng
Đêm 29/4, Đoàn của tôi hành quân từ Củ Chi về Hóc Môn. Không khí giải phóng sôi nổi khắp nơi, mọi người trò chuyện vui vẻ. Sáng 30/4, chúng tôi hành quân tiến về Sài Gòn. Khoảng 11 giờ sáng 30/4, mỗi người đều có radio bên cạnh đều nghe tường thuật đoàn quân ta đi tới đâu, nhân dân mình thế nào. Đến khi nghe Dương Văn Minh đầu hàng, không khí vỡ òa. Đoàn xe của tôi không đi chậm nữa, mà chạy ào ào, nhìn thấy hai bên đường đồng bào náo nức đón bộ đội, xe tăng.
Chúng tôi thấy nhiều đoàn quân địch, bỏ lại quần áo, vũ khí, tư trang, bỏ giày dép, chỉ còn mặc áo thun, quần đùi giơ tay lên đầu chạy, mồm kêu đầu hàng như một đàn cò bay phơi phới. Chúng tôi nói “Cứ bỏ tay xuống chạy về nhà đi”.
Ở một số nhà dân, chúng tôi thấy nhiều chị phụ nữ mở cửa he hé nhìn lén xuống đường. Hỏi chuyện mới biết, họ tò mò về bộ đội ra sao vì trước nay được tuyên truyền bộ đội 3 người đeo tàu hũ không gẫy nhưng nhìn vô bộ đội ai cũng mặt trắng, đỏ. Họ ngạc nhiên vì sao bộ đội có cả nữ và cứ nhìn tôi mãi.
Trong số anh em biệt động của mình trong ngày 30/4, cũng có ít người được tham gia vào tiếp quản thành phố. Nên trong đời cách mạng tôi có hai dấu ấn đều mang cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Đầu tiên là được tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cùng anh em vào sinh ra tử, nhưng cũng chỉ còn vài người sống sót trở về sau khi bị tra tấn dã man. Còn trong ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền nam, tôi quá vui và cảm thấy vinh dự nhất khi được ngồi xe tăng tiến vào thành phố, nhìn thấy thành phố đã hoàn toàn giải phóng.
Sau giải phóng tôi nghĩ mình sẽ thay đổi, nhưng lúc đó mới 17 tuổi chưa nghĩ được nhiều, chỉ thấy vui náo nức trong lòng, tự hào với công lao đóng góp của bố mẹ, các đồng chí đồng đội của bố mẹ, của họ hàng.
Anh Nguyễn Trường Phong – con trai của chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Bảo (Ba Bảo)
7 Anh Nguyễn Trường Phong – con trai của chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Bảo (Ba Bảo): Tôi không còn chịu cảnh lấm lét vì bị chửi là con Việt cộng
Ngày 30/4, thành phố chuẩn bị vào mùa mưa, thời tiết rất khó chịu, âm u, oi nóng. Ngoài đường phố rất hỗn loạn. Tàn quân (lính ngụy) bỏ súng ống, bỏ quần áo vứt đầy đường, bỏ chạy. Mọi người ở nhà cũng không ai dám đi đâu.
Trong ngày đặc biệt này, ba của tôi nhận nhiệm vụ đón đoàn quân biệt động ở ngoài Sài Gòn về nội thành để chuẩn bị công tác tiếp quản. Ông đưa các đồng chí về nhà tắm rửa, ăn uống rồi theo hướng dẫn đi theo lệnh của đơn vị để tiếp quản từng nơi. Hàng xóm ùn ùn kéo đến đầy nhà, nhìn thấy Việt cộng thật sự, ai cũng choáng ngợp vì thấy Việt cộng có súng, đi dép râu, không phải là “3 Việt cộng đu cành đu đủ không gẫy” như tuyên truyền trước kia.
Tâm trạng của tôi đón nhận không khí ấy rất đặc biệt. Suốt thời gian dài, anh chị em chúng tôi rất ấm ức khi bị chửi là con Việt cộng, chịu đựng sự sỉ vả, phải sống đè nén và cảm giác như mình có khiếm khuyết gì đó vì bị bạn bè săm soi. Nhưng đến ngày 30/4, lần đầu tiên cảm nhận được mình không bị lép vế. Giờ đây, mình không phải là tầng lớp dễ bị bắt nạt nữa, cuộc sống của mình đã sang trang mới, vị thế của mình đã khác đi. Mình nghĩ trong đầu, mình phải khác đi.
Sau giải phóng tôi nghĩ mình sẽ thay đổi, nhưng lúc đó mới 17 tuổi chưa nghĩ được nhiều, chỉ thấy vui náo nức trong lòng, tự hào với công lao đóng góp của bố mẹ, các đồng chí đồng đội của bố mẹ, của họ hàng.
8 Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nguyên Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ Sinh viên-học sinh Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh): Cất cao tiếng hát để hòa chung niềm vui chiến thắng

Trong ngày 30/4/1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, tôi đã có mặt ở Đài phát thanh Sài Gòn cùng với một số anh em trong Đoàn văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn.
Các anh em trong đội ca cất cao tiếng hát trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, cả đội tập gấp mấy bài hát, ai chưa thuộc thì viết ra giấy để hát trên Đài phát thanh.
Những ca khúc được Đoàn văn nghệ chúng tôi hát vang trong ngày hôm đó như Giải phóng miền nam, Lên đàng, Hát cho dân tôi nghe, Tự nguyện… để hòa chung niềm vui trong ngày chiến thắng. Sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã có mặt ở Đài và hát ca khúc “Nối vòng tay lớn”.
Trong ngày lịch sử đó, cảm xúc trong tôi vừa vui vừa buồn. Niềm vui thì thật quá lớn lao, bởi chúng ta đã giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước; nhưng cũng có nỗi buồn, bởi có bao chiến sĩ của mình đã hy sinh trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó.
Nguồn dẫn: Báo Nhân dân
Link bài gốc: https://special.nhandan.vn/ky-uc-ngay-30-4/index.html