Trong không khí náo nức hướng về dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chúng tôi may mắn được gặp gỡ bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, lắng nghe bà trò chuyện về những hồi ức của những ngày tham gia cách mạng. Bà là một nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, một nhân chứng lịch sử góp mặt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc.
“Tôi may mắn được thừa hưởng di sản cách mạng từ gia đình và quê hương”
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sinh ra ở xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đó là vùng quê nghèo nhưng rất giàu truyền thống yêu nước. Ba mẹ của bà tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, nên các con cũng thừa hưởng được “di sản” đó. Sự định hướng và giáo dục của ba mẹ đã sớm gieo mầm ý thức cách mạng đối với con cái trong nhà.
Từ năm 6 tuổi, bà và các chị em đã biết gác lính, canh người lạ để cho các chú hội họp. Rồi mang cơm ra hầm bí mật, hoặc đem thư liên lạc của ba mẹ cho những người bạn cùng chí hướng. “Ngay khi còn nhỏ, chúng tôi đã biết yêu ghét rõ ràng. Cái ghét dành cho kẻ thù, còn sự mến thương dành cho những người làm cách mạng, bởi đó là những người đồng đội của ba mẹ”, bà nhớ lại.
Vào năm 1960, khi tròn 15 tuổi, Trương Mỹ Hoa đã trực tiếp tham gia cách mạng. Đến năm 1964, bà bị chính quyền ngụy bắt vào tù và bị giam cầm trong các nhà lao tới 11 năm, cho đến năm 30 tuổi mới được trả tự do.
Còn về gia đình, người cha của bà tập kết ra bắc năm 1954, và sau đó phải chịu cảnh xa gia đình tới 21 năm. Má của bà hai lần bị địch bắt vào tù vì hoạt động cách mạng. Cả sáu chị em trong gia đình đều tham gia cách mạng và rất nhiều lần phải vào tù. Bởi vậy, ngày thống nhất đã mang lại niềm vui lớn cho cả gia đình, khi mọi người được đoàn tụ.
Sự định hướng và giáo dục của ba mẹ đã sớm gieo mầm ý thức cách mạng đối với con cái trong nhà.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

Người tù cách mạng nhường nhau tất cả, chỉ “giành” khó khăn về mình
Bà Trương Mỹ Hoa bị chính quyền ngụy bắt ngày 15/4/1964, khi mới 19 tuổi trong lúc cùng đồng đội đang mang tài liệu đi vận động học sinh, sinh viên chống lại âm mưu bắt đi lính.
Hơn bốn tháng trời, chúng tra tấn bà bằng đủ mọi ngón đòn dã man nhất, như đóng đinh mười ngón tay, treo lên xà nhà, dùng gậy đánh qua đánh lại, tra điện, cán nước, quất roi vào mặt… nhưng bà kiên quyết không khai, không nhận tội, không chịu chào cờ của chính quyền Sài Gòn, không thực hiện các nội quy nhà giam. Sau gần năm tháng tra khảo mà không lấy được thông tin gì, chính quyền ngụy đưa bà ra tòa xét xử với tội danh phá rối cuộc trị an và kết án 18 tháng tù.
“Nhưng tuyên án là một chuyện, việc trả tự do cho tù chính trị là một chuyện khác. Đó chỉ là chính sách dân chủ giả hiệu, mị dân của chính quyền ngụy. Bởi tôi chống đối việc chào cờ ngụy, chống đả đảo cộng sản…, chúng cho là loại ngoan cố, ‘cứng đầu cứng cổ’ nên phải cho ở tù rục xương, dù chỉ có mức án 18 tháng, chúng đã giam giữ tôi tù ròng rã suốt 11 năm”, bà Hoa cho hay.
Nhiều nhà lao của chế độ ngụy quyền là nơi bà Hoa từng bị giam giữ, từ Tổng nha Cảnh sát đến Đề lao Gia Định, các trại giam Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, rồi hai lần bị đày ra nhà tù Côn Đảo – nơi được coi là địa ngục trần gian.
“Ở trong tù, nhục hình tra tấn thì không biết bao nhiêu mà kể. Chốn lao tù rất khắc nghiệt và gian khổ, đày đọa thân xác người tù. Không giết chết được sinh mạng chính trị của người tù, giặc tìm cách bóp siết cuộc sống, hành hạ thể xác của họ, để người tù có thể chết dần chết mòn trong lúc bị giam cầm”, bà hồi tưởng.
Cuộc đấu tranh trong tù không hề cân sức, giữa một bên là người tù chính trị tay không tấc sắt, bị giam trong bốn bức tường, còn một bên là kẻ thù tàn bạo với đủ thủ đoạn để áp bức họ.
Trong nhà lao, những người tù chính trị cái gì cũng nhường nhau, từ chỗ nằm, từng giọt nước, viên thuốc, hay ánh nắng xuyên vô xà lim tối, chia sẻ vui buồn hay nỗi đau thầm lặng… Chúng tôi chỉ có một thứ để giành nhau, đó là ‘giành’ cái khó, cái khổ, cái thiệt thòi về mình.
Có những dòng viết về cảnh tra tấn đối với nữ tù nhân Trương Mỹ Hoa khiến người đọc không khỏi rùng mình, rằng cuộc đời tù ngục mười một năm, hai lần ra Côn Đảo và rất nhiều nhà tù ở miền nam, chị Trương Mỹ Hoa với đôi bàn tay đầy sẹo. Chị bị đóng đinh mười ngón tay, bị treo lên xà, dùng gậy đánh qua, đánh lại, cổ tay nay còn sẹo lớn. Chị còn bị đánh roi vào mặt, bị tra điện, bị cán nước vào mũi, vào miệng, “da không phải là da mình” do bị phỏng, bị ném lựu đạn cay…
Bà Trương Mỹ Hoa trải lòng, cuộc sống ở trong tù rất gian khổ, người tù phải đấu tranh “ở trong lòng của trong lòng của kẻ thù”.
Bà kể lại: “Trong tù, chúng tôi đấu tranh với địch, đòi quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện chế độ ăn ở khắc nghiệt trong lao tù. Ở trong chuồng cọp Côn Đảo, địch nhốt 1 chuồng 5 người, chật hẹp, thiếu thốn với chính sách ‘tù trị tù’ man rợ. Khi chúng tôi mới chống chào cờ ngụy, thì địch giam riêng, xé lẻ để dễ khủng bố, làm lung lay ý chí của người tù. Thời gian thử thách 2-3 năm, thấy không khuất phục được, chúng tôi vẫn giữ vững lập trường chống đối, địch mới ‘chịu thua’ cho giam chung. Đến sau Tết Mậu Thân 1968, phong trào cách mạng bên ngoài đánh mạnh, khí thế tấn công hừng hực từ ngoài mang theo vào trại giam. Phần lớn chị em mới bị bắt đều chủ động chống chào cờ tập thể. Và phong trào chống chào cờ ngụy trong tù ngày càng dâng cao, khiến địch bắt buộc phải giam chung. Lúc đó, mỗi phòng giam chung từ 20 người, có khi lên tới 50, 60 người. Vì vậy, chúng tôi có điều kiện tổ chức cuộc sống nề nếp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức học tập chính trị, học làm bích báo, làm thơ, chữa bệnh, học nữ công gia chánh, thêu may, thậm chí học quân sự… Trừ những lúc phải tranh đấu, hoạt động trong tù lúc bấy giờ rất phong phú, đa dạng, người biết dạy cho người chưa biết, phát huy hết khả năng tập thể, không ai lãng phí thời gian. Nhà tù cũng là một trường học lớn với những người tù chính trị chúng tôi”.
“Trong tù, dù gian khổ hy sinh nhưng chúng tôi vẫn thấy cuộc sống rất đẹp nhờ được sống bên cạnh những người cùng chí hướng. Chị em có thể đến từ những vùng miền khác nhau, nhưng sống chung rồi thì như người một nhà, đoàn kết, thương yêu. Trong nhà lao, những người tù chính trị cái gì cũng nhường nhau, từ chỗ nằm, từng giọt nước, viên thuốc, hay ánh nắng xuyên vô xà lim tối, chia sẻ vui buồn hay nỗi đau thầm lặng… Chúng tôi chỉ có một thứ để giành nhau, đó là ‘giành’ cái khó, cái khổ, cái thiệt thòi về mình”, bà Hoa rưng rưng nhớ lại.
Khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào tháng 1/1973, tại điều 14C của Hiệp định, chính quyền ngụy chỉ thừa nhận có 5.081 tù chính trị toàn miền nam, trong khi thực tế, toàn miền nam có gần 200.000 tù chính trị. Vì vậy, chỉ một số ít được trao trả, còn rất nhiều tù chính trị khác bị địch giữ lại.
Để đối phó sự dối trá của mình, chính quyền ngụy có âm mưu thâm độc, bắt tù chính trị lăn tay, chụp hình dựng hồ sơ giả, biến tội danh của tù chính trị thành tù “gian nhân hiệp đảng”, tức tù cướp của, giết người…
Nhằm bẻ gãy âm mưu của địch, ở Côn Đảo, những người tù chính trị đã có kế hoạch đấu tranh chống lăn tay chụp hình, tráo án chính trị thành tù thường phạm.
Khoảng tháng 6/1973, địch đàn áp ném lựu đạn cay khiến mọi người xỉu hết, rồi lôi chị em ra lăn tay, chụp hình. Nhưng chúng không thể thực hiện được âm mưu bởi đường vân tay của những nữ tù chính trị đã bị mài mòn dưới nền xi-măng nhám của trại giam. Còn lúc chụp ảnh, chị em tù chính trị nhắm mắt, há họng, khiến chúng không thể lấy được hình ảnh để làm hồ sơ tráo án.
Âm mưu thất bại, địch quay sang đánh đập, tra tấn dữ dội các nữ tù nhân, với nhiều ngón đòn ác hiểm nhất bằng ma trắc, roi mây, roi gân bò… Phần lớn các chị bị đánh mình mẩy bầm tím, khiến hơn tháng trời không mặc quần áo được. Với thủ đoạn tàn khốc đó, ngay cả bên trại nam đã có một số anh hy sinh.
Đầu năm 1975, phong trào đấu tranh của các lực lượng hòa bình tiến bộ trên thế giới, của nhân dân ta cũng như của chính những tù nhân chính trị trong các nhà lao dâng cao mạnh mẽ.
Để xoa dịu các phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, chính quyền ngụy buộc phải thả một số tù nhân chính trị vô điều kiện, và bà Trương Mỹ Hoa là một trong những người được trả tự do vào tháng 3/1975.

Ngày rời nhà lao, bà Hoa được đưa về căn cứ Củ Chi, rồi Dầu Tiếng (Bình Dương) và gặp ngay tổ chức. Lúc bấy giờ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn biến rất nhanh. Bà Trương Mỹ Hoa được lệnh trở về cơ quan của mình ở Thành Đoàn, cùng đồng đội xuống đường hòa vào mũi tiến công của Thành Đoàn về chiếm lĩnh các mục tiêu ở Gia Định.
Đúng ngày 30/4/1975, đoàn về tới Sài Gòn, sau một chặng đường dài hành quân từ Bến Cát (Bình Dương), qua Củ Chi, vừa đi vừa tổ chức học tập theo điều lệnh chung của Chiến dịch.
Rồi khoảnh khắc mong chờ nhất đã đến. Bà Hoa nhớ như in: “Trưa 30/4, đoàn đang ở một ngã ba đường từ Hóc Môn về Thành phố. Dưới bóng mát của một bụi tre, qua đài phát thanh, chúng tôi nghe được tin chiến thắng, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Mọi người trong đoàn mừng rỡ reo hò, có anh còn hô to: ‘Bác Hồ ơi, miền nam giải phóng rồi!’. Thật cảm động”.
Sau ngày thống nhất đất nước, bà Trương Mỹ Hoa tham gia công tác tiếp quản Sài Gòn, góp sức vào công cuộc xây dựng và tái thiết thành phố nhiều năm sau đó.
Từ một người tù chính trị trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trải qua hơn 60 năm công tác và chiến đấu, bà Trương Mỹ Hoa đã đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Bà từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch nước. Với những cống hiến xuất sắc ấy, bà xứng đáng là một tấm gương điển hình của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Miệt mài hành trình gieo chữ cho trẻ em
Hơn 25 năm qua, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa còn rất tâm huyết, gắn bó với công tác chăm lo học hành của học sinh vùng dân tộc thiểu số và vùng biển đảo.
Năm 1999, khi đang là Phó Chủ tịch Quốc hội, bà nhận lời làm Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính. Trong suy nghĩ của bà, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa – những vùng địa chính trị rất quan trọng – nhưng đời sống của họ vào thời điểm đó còn nhiều khó khăn. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng vẫn cần sự chung tay của cộng đồng để cải thiện đời sống cho bà con. Bởi vậy, “góp sức để chăm lo cho các em học sinh người dân tộc thiểu số cũng là điều nên làm, như mong muốn ‘làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi’ của Bác Hồ”, bà nói.
Qua một phần tư thế kỷ hoạt động, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã dành gần 130.000 suất học bổng trao cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, con của cán bộ-quân nhân chuyên nghiệp thuộc các lực lượng: Hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng và con của ngư dân trong cả nước.
Trong hành trình dài miệt mài góp sức “đưa chữ lên non, mang chữ xuống biển”, niềm vui nhất của bà Trương Mỹ Hoa là nhìn thấy những dấu ấn trưởng thành của nhiều em nhỏ từng nhận hỗ trợ từ Quỹ Vừ A Dính.
Đó là câu chuyện cảm động về cậu bé người H’Mông Giàng A Xoài ở Yên Bái. Sớm mồ côi cha mẹ sau một trận lũ quét, khi mới hơn 10 tuổi, em đã phải một mình khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi con chữ.
Hay chuyện vượt khó học hành của cậu bé Nguyễn Viết Hiền từ đảo Trường Sa Lớn, là nỗ lực học thật giỏi của những học trò đảo Lý Sơn, nuôi ước mơ thành bác sĩ, để có thể trở về chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.
Bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại: “Năm 2010, khi tới đảo Trường Sa Lớn, tôi thấy học sinh ở đây không có trường học. Hỏi chuyện từ các cháu, cô giáo đến phụ huynh đều đau đáu muốn có một ngôi trường thực sự ở đảo xa. Vì thế, chương trình ‘Vì học sinh Trường Sa thân yêu’ ra đời nhằm vận động xây trường học ở đảo Trường Sa Lớn. Chỉ sau một thời gian ngắn, ngôi trường đã hoàn thành nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng. Ngay sau đó, Quỹ Vừ A Dính tiếp tục vận động xây thêm một ngôi trường ở đảo Sinh Tồn và hoàn thành vào ngày 19/4/2014”.
Cũng trong tháng 8/2014, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” do bà Trương Mỹ Hoa làm Chủ nhiệm đã ra đời nhằm kết nối những trái tim, những nguyện vọng, những tấm lòng và cao nhất là ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.
Bởi thế, ngoài việc trao nhiều suất học bổng thường xuyên hằng năm, Quỹ Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” còn có rất nhiều dự án đầu tư theo chiều sâu, hỗ trợ đưa những học sinh vùng biển đảo và con em của lực lượng chấp pháp trên biển về đất liền học tập, nhằm kết nối sâu sắc hơn tình yêu giữa đất liền và biển đảo.
Bà Hoa còn nhớ mong ước của một em gái nhỏ đến từ đảo Sinh Tồn, rằng “lớn lên sẽ làm cô bộ đội, ôm súng để cùng các chú hải quân bảo vệ và gìn giữ sự bình yên cho đảo của em”. Lời nói ngây thơ ấy từng khiến bà Hoa và nhiều người rơi nước mắt, bởi cô bé tuy “tuổi nhỏ nhưng chí không nhỏ chút nào”. Và đến hôm nay, em đã thực hiện ước mơ đó.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sinh năm 1945 tại Gò Công Đông, Tiền Giang. Năm 19 tuổi, bà bị bắt trong đợt tuyên truyền đột xuất chống lại chủ trương tổng động viên toàn lực đưa thanh niên miền nam vào lính của ngụy quyền Nguyễn Khánh. Bà bị đưa ra xét xử hai lần do chống án và tố cáo lệnh bắt oan người vô tội trong tuổi vị thành niên.
Trong 11 năm ở tù, bà lần lượt bị giam tại nhiều nhà tù khác nhau như Tổng nha Cảnh sát, Đề lao Gia Định, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo. Dù phải chịu các hình thức tra tấn dã man nhưng bà vẫn giữ trọn lý tưởng cách mạng, kiên cường tranh đấu.
Bà đã đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch nước. Hiện bà là Chủ tịch của Quỹ học bổng Vừ A Dính và Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu”.
50 năm đã trôi qua sau ngày đất nước hòa bình, nhớ lại câu Bác Hồ từng nói: “Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”, bà Trương Mỹ Hoa cảm nhận, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã phát triển vượt bậc so với thời gian đầu giải phóng. Các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, văn hóa-xã hội phát triển mạnh mẽ, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là thành phố được vinh dự mang tên Bác.
Là người thuộc về thế hệ từng trải qua chiến tranh, bà Trương Mỹ Hoa hiểu được ý nghĩa quý giá của hòa bình. Với bà, thời khắc 30/4/1975 không chỉ kết thúc cuộc chiến tranh, mà còn là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Bởi vậy, chúng ta cần phải giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tốt hơn, để các em luôn hiểu lịch sử, nhận thức được trách nhiệm của mình với đất nước trong bối cảnh thời đại ngày nay.
Nguồn dẫn: Báo Nhân dân
Ngày xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN – HỒNG VÂN
Nội dung: HỒNG VÂN – NGÂN ANH
Ảnh: NGUYỄN Á, CHÍ HÙNG, THẾ ANH, VIETNAMPLUS, TƯ LIỆU…
Trình bày: PHI NGUYÊN
Link bài gốc: https://special.nhandan.vn/nguyen-pho-chu-tich-nuoc-truong-my-hoa-va-chuyen-nguoi-tu-cach-mang/index.html