Được hưởng lợi từ hệ thống thể chế đặc thù và loạt chính sách mới, Khánh Hòa đang đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, chủ động thiết kế các mô hình thu hút dòng vốn chiến lược.
Tại Khu kinh tế Vân Phong – khu vực động lực cấp quốc gia, Khánh Hòa đang nghiên cứu đề án “Khu thương mại tự do Khánh Hòa”, hướng đến hình thành cửa ngõ phát triển kinh tế biển gắn với dịch vụ quốc tế cao cấp.
Lợi thế cạnh tranh mới của Khánh Hòa
Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam khẳng định, bên cạnh vị trí chiến lược, tài nguyên phong phú và hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Khánh Hòa hiện nay chính là hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù với nhiều ưu thế. Đây là lợi thế so sánh có ý nghĩa thực chất, đang được tỉnh từng bước hiện thực hóa để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả và hấp dẫn hơn.
Trên bình diện quốc gia, hàng loạt nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua như Nghị quyết số 198/2025/QH15 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 201/2025/QH15 về chính sách đặc thù cho nhà ở xã hội hay Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm mô hình nhà ở thương mại đang tạo ra những “cao tốc thể chế” mới, thúc đẩy thị trường phát triển nhanh nhưng ổn định, tạo nền tảng để doanh nghiệp an tâm đầu tư dài hạn.

Riêng đối với Khánh Hòa, sau khi thực hiện sáp nhập, địa phương này đồng thời được hưởng lợi từ hai nghị quyết đặc thù. Trong đó, Nghị quyết số 55/2022/QH15 cho phép tỉnh mở rộng quyền tự chủ trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, đất đai và tổ chức bộ máy, qua đó rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ và nâng cao tính linh hoạt trong điều hành. Cùng với đó, Nghị quyết số 189/2025/QH15 tạo không gian pháp lý riêng cho vùng dự kiến triển khai điện hạt nhân trước đây – nay thuộc địa giới hành chính của Khánh Hòa – nơi đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics, năng lượng và các ngành công nghiệp quy mô lớn.
Trên nền tảng thể chế đặc thù, Khánh Hòa đang chủ động thiết kế một số mô hình ưu đãi đầu tư cụ thể nhằm thu hút dòng vốn chiến lược. Tại Khu kinh tế Vân Phong, khu vực trọng điểm quốc gia, tỉnh đang nghiên cứu mô hình “Khu thương mại tự do Khánh Hòa”, với những ưu tiên nổi bật về thủ tục đầu tư, hạ tầng kết nối và cơ chế một cửa liên quan đến thuế, hải quan và xuất nhập khẩu. Đây được xem là cửa ngõ chiến lược để phát triển các ngành kinh tế biển gắn với dịch vụ quốc tế cao cấp.
Ngoài ra, với đường bờ biển kéo dài 490km, Khánh Hòa đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực biển và công nghệ cao. Các ưu đãi nổi bật gồm miễn giảm tiền thuê mặt biển ở mức cao nhất, tiếp cận mặt bằng sạch trong các khu công nghệ cao do tỉnh quy hoạch, cũng như hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, cải cách hành chính thực chất, chuyển từ mô hình “quản lý – kiểm tra” sang “hỗ trợ – phục vụ”, đồng thời thúc đẩy liên thông thủ tục giữa các sở, ngành, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ trên nền tảng số.
Đột phá tư duy để tạo bứt phá phát triển
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, Khánh Hòa cần xác lập tầm nhìn toàn diện, đổi mới tư duy điều hành và tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đón đầu cơ hội chuyển mình. Theo ông, trước hết, đội ngũ cán bộ phải gương mẫu, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích chung lên hàng đầu và loại bỏ tư duy cục bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh cần bảo đảm hành chính vận hành thông suốt trong mô hình chính quyền hai cấp, sớm điều chỉnh và xử lý kịp thời các vướng mắc, hoàn thiện các điều kiện về nhân lực, kỹ thuật và tổ chức để không xảy ra gián đoạn trong triển khai. Việc điều chỉnh Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được đặt trong bối cảnh mới sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhằm xác định rõ vai trò từng khu vực, khai thác triệt để tiềm năng sẵn có và tạo nên một hệ sinh thái kinh tế liên kết chặt chẽ giữa các vùng.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Khánh Hòa cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian phát triển, chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, duy trì các kênh phản hồi để kịp thời xử lý khó khăn, và nghiên cứu thiết lập, vận hành “Cổng đầu tư” của tỉnh như một nền tảng tương tác trực tuyến giữa chính quyền và nhà đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, tỉnh sẽ đổi mới cách làm để tương xứng với tiềm năng và cơ hội đang có, đặc biệt là trong bối cảnh sáp nhập địa giới và không gian phát triển mới. Khánh Hòa sẽ tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, bố trí mặt bằng và quỹ đất chiến lược, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và chuyên biệt của nhà đầu tư.
Nguồn dẫn: Khánh Hồng/ Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính
Link bài gốc: https://vietnamfinance.vn/khanh-hoa-tham-vong-lam-khu-thuong-mai-tu-do-tai-van-phong-d130150.html