Lê Hoàng Uyên Vy: Theo chị Tần, đến nay chúng ta đã hiểu được bao nhiêu phần trăm bộ não con người?
Lê Thị Thái Tần: Về câu hỏi chúng ta sử dụng bao nhiêu phần trăm bộ não, người ta thường nói rằng chúng ta chỉ mới sử dụng được 10% bộ não, và do vậy có rất nhiều tiềm năng cho việc mở khóa 90% còn lại. Nhưng thực tế đó là một huyền thoại. Cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về cách thức hoạt động của não bộ. Trong lúc chúng ta đang ngồi đây, đối thoại với nhau, cần rất nhiều cân bằng, năng lượng của não bộ để tổng hợp thông tin. Tất cả những điều đó đòi hỏi năng lực tính toán rất lớn. Và tôi nghĩ rằng hoạt động của bộ não thực tế chiếm khoảng 20% nguồn năng lượng mà cơ thể con người sử dụng, lớn nhất trong các tổ chức của cơ thể con người.
Lê Hoàng Uyên Vy: Chị Tần từng nói rằng, muốn con người cạnh tranh được với AI, thì não bộ phải được sử dụng một cách vượt bậc? Vậy cách nào để não của chúng ta hoạt động vượt bậc?
Lê Thị Thái Tần: Câu hỏi của bạn liên quan đến việc chúng ta đang cố gắng cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo, và câu hỏi đặt ra là con người có thể cạnh tranh như thế nào. Câu trả lời đầu tiên là trí tuệ nhân tạo sẽ đặc biệt vượt qua khả năng con người trong một số nhiệm vụ nhất định, nhưng con người vẫn có tiềm năng cạnh tranh ở rất nhiều lĩnh vực khác. Tôi nghĩ tiềm năng lớn nhất cần tìm kiếm trong phương trình giữa con người và trí tuệ nhân tạo là khám phá ra mối quan hệ cộng sinh giữa người và máy, những gì chúng ta có thể phát triển năng lực của con người nhờ trí tuệ nhân tạo để làm những việc chúng ta hiện đang làm.
Có nhiều cách thức chúng ta có thể làm để kéo dài tuổi thọ và giữ sự nhanh nhẹn cho bộ não. Chẳng hạn một trong những thứ bạn có thể nhớ là ba quy tắc sau: Thứ nhất là sự mới mẻ, thứ hai là thách thức và thứ ba là sự đa dạng. Bộ não là một cỗ máy học tập rất tinh vi, vì vậy cần được tiếp xúc với thông tin mới thường xuyên để duy trì sự nhanh nhẹn và các chức năng của nó. Một người thích giải những bài toán khó, nhưng nếu anh ta ngồi làm mãi thì sẽ không còn giúp phát triển bộ não của anh ta nhiều do không đủ thách thức với anh ta nữa, trừ phi anh ta thử đi chơi golf hay làm gì đó thách thức mình. Do vậy tôi nói hoạt động đa dạng thực sự là nguồn cung cấp các thách thức cho bộ não lành mạnh.
Lê Hoàng Uyên Vy: Còn anh Lưu Thế Lợi, mời anh giải thích khái niệm blockchain trong vòng hai phút cho học sinh 10 tuổi?
Lưu Thế Lợi: Giải thích blockchain cho người lớn trong vòng 20 phút cũng đã khó. Vậy tôi sử dụng đồ chơi để diễn tả. Ví dụ khi lượng đồ chơi tăng lên thì ta có nhu cầu cho đi, hoặc chuyển đổi. Việc trao đổi đồ chơi rất dễ khi gặp trực tiếp và chỉ có hai người. Nhưng nếu ta muốn tham gia vào thị trường rộng hơn, ví dụ như một người nào khác ở Mỹ muốn bán trên eBay thì mình phải sử dụng những bên trung gian khác để họ có thể giúp mình những khâu như thanh toán, kết nối giữa hai bên với nhau. Hình thức trao đổi này có nhiều rủi ro như khi eBay xóa món đồ đó, hoặc người mua, người bán không gửi tiền, không gửi hàng… Ưu điểm của blockchain là sẽ loại bỏ mọi bên liên quan, không cần một bên thanh toán nào đó. Hai bên có thể trao đổi với nhau mà không cần tin tưởng vào bên kia thậm chí không cần gặp gỡ nhau, không cần phải biết nhau hay tin tưởng vào một bên thứ ba như eBay, Visa hay trung gian thanh toán nào đó.
Lê Hoàng Uyên Vy: Theo anh, tương lai của đồng tiền mã hóa sẽ như thế nào?
Lưu Thế Lợi: Về lâu dài sẽ có khá nhiều đồng tiền mã hóa khác nhau phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như bitcoin được xem như là vàng kĩ thuật số rồi (digital gold). Bitcoin có thể được mua để tích trữ tài sản thay vì mua vàng trực tiếp. Ethereum thì được ví như dầu của nền kinh tế số. Xăng dầu được sử dụng để chạy động cơ. Ethereum được dùng để chạy các ứng dụng khác từ nền tảng blockchain. Về lâu dài sẽ có nhiều đồng mới ra đời phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lê Hoàng Uyên Vy: Theo anh Thông, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ là một hiểm họa khi nó phát triển quá nhanh hay nó là một điều tốt cho sự phát triển?
Thông Đỗ: Chắc mọi người đã từng nghe về cách mạng công nghiệp khi diễn ra với tự động hóa, công nhân đã rất lo sợ tự động hóa sẽ lấy đi công việc của họ. Như vậy câu hỏi này không phải lần đầu tiên, cũng không phải vì trí tuệ nhân tạo, mà mỗi lần có một công nghệ mới có tác động lớn ra đời nó sẽ thay đổi xã hội. Nói chung bất cứ khi nào có một công nghệ mang tính cách mạng thì lại nảy sinh những lo lắng như vậy. Tại sao trí tuệ nhân tạo thu hút mọi người, có thể do tác động của nó rất cao so với các công nghệ trước.
Bất kỳ việc nào cũng có hai mặt tốt và không tốt. Công nghệ tạo ra giá trị lớn thì cũng có khả năng lợi dụng để làm những điều có hại.
Còn quan điểm của tôi về trí tuệ nhân tạo là trí tuệ nhân tạo rất tốt trong những nhiệm vụ cụ thể. Ngày xưa với cuộc cách mạng tự động hóa, máy móc đã làm rất tốt những công việc có tính lặp lại, những việc chân tay. Còn bây giờ trí tuệ nhân tạo lại giúp con người đưa ra quyết định chỉ trong những lĩnh vực rất cụ thể.
Lê Hoàng Uyên Vy: Tức là anh ủng hộ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo?
Thông Đỗ: Tôi ủng hộ và cho rằng nguy cơ chúng ta nói đến không gắn với trí tuệ nhân tạo mà gắn với tất cả công nghệ mới được ra đời.
Lê Hoàng Uyên Vy: Anh Hùng là chuyên gia trong lĩnh vực AI nhưng đang có dự án ứng dụng blockchain vào doanh nghiệp của mình. Sự ứng dụng blockchain vào AI diễn ra như thế nào?
Trần Việt Hùng: Ở Got It!, nhiệm vụ của công ty là kết nối giữa người có câu hỏi khó và chuyên gia. Khi có ai gửi câu hỏi mình phải nhanh chóng hiểu câu hỏi nhất có thể để tìm chuyên gia phù hợp. Trong mấy năm qua, khi tiến hành xây dựng Got It!, công ty nhận thấy để tăng trưởng mạnh, phục vụ nhu cầu kiến thức trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau thì phải có đội ngũ chuyên gia mạnh. Khởi đầu chỉ làm trong lĩnh vực giáo dục, sau mở ra cho cả những người đi làm. Mỗi lần mở ra lĩnh vực mới thì phải tuyền nhiều chuyên gia, công ty phải mất từ 6 tháng đến một năm để sẵn sàng cung cấp dịch vụ. Nếu muốn thực hiện được nhiệm vụ của mình và cung cấp kiến thức trong mọi lĩnh vực, thì chắc phải mất hàng triệu năm để hoàn thành nó. Làm sao để tuyển được chuyên gia nhanh nhất có thể? Cũng có nhiều giải pháp, nhưng blockchain là giải pháp có vẻ thực tế hơn và dễ thực hiện hơn. Vì không ai làm không công việc gì. Got It! muốn giúp đỡ cộng đồng thì phải mang lại lợi ích cho họ. Chúng tôi cũng nghĩ ra đồng tiền mã hóa riêng và đó là phần thưởng cho những người tạo ra cơ sở dữ liệu đó. Thứ hai nữa là Got It! phải xây dựng giao thức bên hãng thứ ba có thể tận dụng cơ sở dữ liệu về chuyên gia do cộng đồng xây dựng để cung cấp dịch vụ như Got It!, từ đó mình xây dựng được một hệ sinh thái sản phẩm mà công ty có thể mở rộng được.
Lê Hoàng Uyên Vy: Chúng ta đang ở trong giai đoạn gọi là ANI (Artificial Natural Intelligent), giai đoạn máy tính có thể hơn con người ở vài diện hẹp như đánh cờ vây hay cờ vua. Nhiều chuyên gia nói rằng chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn gọi là AGI (Artificial general intelligent – máy tính và con người như nhau ở mọi mặt), rồi sẽ đến giai đoạn ASI (Artificial Superintelligent – máy tính thông minh hơn con người). Khi nào chúng ta sẽ đạt đến ASI?
Trần Việt Hùng: Như chị Tần giải thích lúc trước, có những lĩnh vực máy tính thông minh hơn con người nhưng không phải tất cả các lĩnh vực khác nhau. Bây giờ đã có những lĩnh vực con người khó cạnh tranh với máy tính. 10 năm, 20 năm sẽ khó mà đạt được ngưỡng đó vì AI làm được việc hay không là do con người dạy dỗ.
Thông Đỗ: Để trả lời câu hỏi đó trước tiên chúng ta cùng nhìn lại. Trí tuệ nhân tạo phát triển phụ thuộc vào ba yếu tố: một là dữ liệu, hai là năng lực máy tính, chính là hạ tầng tính toán, và thứ ba là nguồn nhân lực. Dữ liệu ngày càng nhiều và dễ tiếp cận, nguồn nhân lực thì gần đây cũng bắt đầu phát triển, dù vẫn còn hiếm, còn giá thành hạ tầng thì ngày càng rẻ là tiền đề để phát triển.
Câu trả lời cho khi nào thì có ASI. Thông thường chúng ta nhìn vào dữ liệu lịch sử để thấy hướng đi. Chúng ta có thể thấy tốc độ thay đổi của các cuộc cách mạng ngày càng nhanh hơn. Và tốc độ sự thay đổi lần này cũng nhanh hơn như vậy do ba yếu tố tôi kể trên. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi liệu có ASI hay không thì không thể trả lời được, do chưa có tiền lệ nên không có dữ liệu dẫn hướng.
Việt Nam có gì trong ba yếu tố mà tôi nói ở trên? Việt Nam không có gì. Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thu thập dữ liệu, hạ tầng máy tính cũng không có lợi thế, chỉ có nguồn nhân lực là cái chúng ta nên thúc đẩy để bắt kịp thế giới.
Lê Hoàng Uyên Vy: Ngoài ứng dụng vào lĩnh vực tài chính, còn lĩnh vực nào khác mà blockchain có thể ứng dụng?
Lưu Thế Lợi: Hiện tại đã có khá nhiều ngành nghề khác nhau đang cố gắng sử dụng blockchain để cải thiện quy trình có sẵn của họ, tạo ra ngành kinh doanh mới. Công nghệ blockchain đang tạo ra Internet of Value, nghĩa là một internet mà người ta có thể mua bán, trao đổi những giá trị. Cộng đồng AI trên thế giới đang tạo ra một nền tảng thị trường và mọi người có thể chia sẻ dữ liệu của họ. Chúng ta sẽ tạo ra được một khối dữ liệu toàn cầu, khuyến khích mọi người chia sẻ nhiều dữ liệu hơn, tạo một cơ sở dữ liệu lớn hơn cho AI. Ngoài ra, những ngành như chuỗi cung ứng cũng đang sử dụng công nghệ blockchain khá nhiều. Gần đây cũng có vài dự án đang sử dụng blockchain trong việc lưu trữ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.Nếu các bệnh viện cùng tham gia vào dự án đó thì việc điều trị hay khám chữa bệnh có thể trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Lê Hoàng Uyên Vy: Thưa anh Hùng, ngoài dự án của anh và anh Lợi, còn dự án AI, blockchain nào nổi bật trên thế giới được tạo ra bởi người Việt Nam nữa?
Trần Việt Hùng: Bây giờ mọi người nhìn công nghệ blockchain cũng giống như Internet năm 1994, đang ở trong giai đoạn sơ khởi thôi nhưng có những tác dụng nhất định, ví dụ điển hình nhất ứng dụng của blockchain là Bitcoin, đáp ứng được nhiều thuộc tính như loại bỏ bên trung gian, giao dịch mở và ai cũng biết được có đúng hay không. Cũng giống như năm 1994 khi có Internet, nhiều người muốn xem tận dụng gì được. Nhiều ngành nghề khác nhau đang cố tìm cách tận dụng lợi thế của nó, đặc biệt nhất là loại bỏ bên trung gian. Mỗi ngày có hàng trăm dự án blockchain mới. Bất kỳ sản phẩm nào cũng đều có một sản phẩm tương tự trên blockchain. Đương nhiên 99% sẽ chết, 1% sống sót sẽ trở thành công nghệ thực sự thay đổi cuộc chơi như Amazon, Google, eBay. Người Việt Nam thì còn có anh Vũ Duy Thức có dự án xây dựng phần mềm cho robot và một số bạn khác đang làm dự án cho vay tiền…
Lê Hoàng Uyên Vy: Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ blockchain thế giới?
Lưu Thế Lợi: Bây giờ Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm blockchain của thế giới. Đa phần các đội ngũ đều có trung tâm phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên đáng tiếc là chưa có dự án chất lượng nào đến từ Việt Nam mặc dù có số lượng lập trình viên cực kỳ lớn.
Lê Hoàng Uyên Vy: Chị Tần có ấn tượng nào về những dự án AI của người Việt trên thế giới?
Lê Thị Thái Tần: Thành thực là tôi không rõ lắm bối cảnh Việt Nam nhưng tôi có vài nhận định về blockchain. Ngày nay có rất nhiều ứng dụng và cải thiện cuộc sống chúng ta rất nhiều. Tôi muốn đưa ra một góc nhìn theo khái niệm, nó tạo ra tác dụng. AI là một loại công nghệ, nó tập trung vào sức mạnh về tài sản. Còn blockchain là công cụ trao quyền cho người sử dụng cuối cùng. Các công ty khác cũng vậy, đều là những phát minh, tập trung con người để hoạt động hiệu quả và huy động được nguồn lực của con người hơn. Việc tất cả chúng ta đang làm là tối ưu hóa các chi phí giao dịch, nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả hơn. Blockchain sẽ cho phép chúng ta vận hành hiệu quả, là cơ hội lớn cho những mô hình kinh doanh mới khai sinh.
Lê Hoàng Uyên Vy: Chị Tần vừa tóm lược cho chúng ta hai khái niệm: một là sự tập trung, ứng dụng của AI, hai là sự phân tán – ứng dụng của blockchain. Tất cả đều giúp chúng ta đạt được thành tựu lớn hơn trong cuộc sống. Theo anh Thông, vị trí của Việt Nam trên bản đồ AI trên thế giới là ở đâu?
Thông Đỗ: Mình không có lợi thế nào trong cuộc chơi này. Quan trọng nhất là mọi người cùng hiểu là mình không có lợi thế. Ở Việt Nam khi dồn vào đường cùng, nhìn nhận ra bản thân không có lợi thế thì mới biết cách phát triển.
Lê Hoàng Uyên Vy: Thế giới sẽ ra sao trong 30 năm nữa?
Trần Việt Hùng: Các công nghệ làm cho con người thông minh hơn, làm việc hiệu quả hơn. 30 năm nữa còn rất xa, không thể biết trước được điều gì. Với những gì công nghệ diễn ra, tôi nghĩ thế giới sẽ thông minh hơn. Hy vọng sẽ không có nhiều dự án lừa đảo về blockchain nữa mà mọi người sẽ coi đó là đồng tiền trao đổi, mua bán. Ở Mỹ, thống kê cho thấy tai nạn xe hơi là do lỗi con người. Các hãng đang có một số mẫu xe tự lái làm việc tốt.
Lưu Thế Lợi: Khá khó để tưởng tượng 30 năm nữa, nhưng mình nghĩ sẽ là một thế giới của blockchain thôi, sẽ không có khái niệm về quốc gia hay hộ chiếu, hay những gì chúng ta đang có. Tất cả mọi người sẽ quản lý ID trên công nghệ blockchain toàn cầu, gần như sẽ được duy trì bởi tất cả những người sử dụng trên blockchain đó. Cả thế giới cùng hoạt động và duy trì mạng lưới toàn cầu này. Hy vọng chúng ta cũng sẽ có flying car – xe bay, giải quyết được vấn đề giao thông. Chúng ta không thể đào sâu mãi được mà có thể được bay cao.
Thông Đỗ: Con người có một thế giới khác: cảm xúc, những cái phi logic. Trong tương lai con người sẽ có thời gian tập trung vào đó nhiều hơn là làm những công việc chân tay. Hy vọng mọi người sẽ có nhiều thời gian để yêu nhau.
Lê Thị Thái Tần: Tôi chỉ biết có một điều thôi. Chắc chắn trong các tổ chức, công ty, cách thức giao dịch sẽ thay đổi rất nhiều. Thế giới tương lai rất thú vị chưa thành hình nên vẫn phải phát minh và sáng chế mới tạo ra được.
Lê Hoàng Uyên Vy: Với xu hướng phát triển mà chúng ta đang nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đón đầu và không để bị bỏ lại phía sau và hòa nhập vào cuộc chơi thế giới?
Trần việt hùng: Đồng sáng lập Got It! của Hùng đã làm ở Silicon Valley hơn 30 năm và chứng kiến sự phát triển của thế giới. Ông luôn nói với mình hai bài học của hai quốc gia mình nên nghiên cứu, đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ cũng phát triển theo hướng đi tắt đón đầu, làm gia công. Ấn Độ cũng có những người có cuộc sống tốt hơn nhưng không có công ty công nghệ lớn thực sự thay đổi thế giới. Trung Quốc có sự bảo hộ nhất định nhưng họ có đầu tư nghiêm túc vào công nghệ. Phương Tây có sản phẩm thế nào thì Trung Quốc không hề kém. Chính vì thế, mình phải đầu tư vào giáo dục, vào những cái cơ bản để thực sự có năng lực để không làm thuê mãi. Khi đó, mình mới nghĩ đến chuyện ở đâu đó trên bản đồ và tiến xa hơn.
Lê Thị Thái Tần: Điểm đầu tiên, những tiến bộ công nghệ đã cải thiện cuộc sống. Tỉ lệ bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét đã giảm đi nhiều trên toàn cầu nhờ vào công nghệ. Nhưng công nghệ không giải quyết tất cả mọi vấn đề. Chúng ta vẫn còn khoảng cách giàu nghèo rất lớn, khi 1% dân số kiểm soát 83% của cải thế giới, theo Oxfarm. Càng ngày, của cải càng tập trung hơn vào một nhóm người trên thế giới. Cần tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực mũi nhọn, không nên đầu tư dàn trải.
Lê Hoàng Uyên Vy: Các anh chị có lời nhăn nhủ gì cho startup Việt? Xin điền vào dấu ba chấm trong câu sau: Tôi tin rằng cộng đồng công nghệ Việt Nam nên…
Lưu Thế Lợi: Tôi tin rằng cộng đồng công nghệ nên thực sự theo đuổi bài toán khó và làm thay đổi thế giới.
Thông Đỗ: Tôi tin rằng cộng đồng công nghệ Việt Nam nên mở rộng và tập trung.
Trần việt hùng: Nghĩ những điều có quy mô toàn cầu, ít nhất là khu vực Đông Nam Á.
Lê Thị Thái Tần: Chúng ta cần tập trung vào thách thức lớn mang tính toàn cầu, nghĩ lớn, tái đầu tư vào giáo dục, không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn là của mỗi cá nhân.
Bài viết: Forbes Việt Nam
Ảnh: Maika Elan