Bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, gọn nhẹ và chính sách ưu đãi vượt trội được xem như hai nhân tố cơ bản tạo nên sức hút của đặc khu hành chính – kinh tế đối với các nhà đầu tư.
Bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, gọn nhẹ và chính sách ưu đãi vượt trội được xem như hai nhân tố cơ bản tạo nên sức hút của đặc khu hành chính – kinh tế đối với các nhà đầu tư.
Huyện đảo Phú Quốc, một trong ba đặc khu kinh tế tương lai của Việt Nam
Nếu như những ý kiến ban đầu nghiêng về phương án chính quyền đặc khu có một Trưởng đặc khu khi dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được đưa ra Quốc hội thảo luận cuối năm ngoái, thì thời gian gần đây các luồng quan điểm lại đang ủng hộ cho phương án có Uỷ ban nhân dân (UBND) và Hội đồng nhân dân (HĐND) đặc khu.
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của Uỷ ban thường vụ (UBTV) Quốc hội gần đây nhất cũng nghiêng về phương án tổ chức chính quyền đặc khu theo hướng gồm có HĐND và UBND đặc khu.
Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của UBND và HĐND đặc khu được đổi mới cơ bản nhằm bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Cụ thể, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND. HĐND đặc khu có chủ tịch và một phó chủ tịch HĐND. Kết quả bầu Chủ tịch HĐND đặc khu phải được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
UBND đặc khu chỉ bao gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch. Chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu.
Bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 7 cơ quan) và trung tâm hành chính công đặc khu.
Về quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND đặc khu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết trong quá trình thảo luận và tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau.
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất là kiến nghị của lãnh đạo ba địa phương có đặc khu dự kiến được thành lập, đề nghị quy định theo hướng chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn để bảo đảm tính chủ động cho các địa phương trong công tác nhân sự, đồng thời, phù hợp với tính chất trực thuộc cấp tỉnh của các đặc khu.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng với vị trí, vai trò quan trọng của đặc khu do Quốc hội quyết định thành lập, được phân quyền thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên, việc lựa chọn nhân sự cho chức vụ người đứng đầu UBND đặc khu là vấn đề rất quan trọng, cần có sự định hướng từ Trung ương.
Do đó cần quy định chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi thống nhất với chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
UBTV Quốc hội cho biết, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu, UBTV Quốc hội cho biết, HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề về nhân sự chủ chốt, thông qua quy hoạch đặc khu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách đặc khu, một số vấn đề liên quan trực tiếp tới cộng đồng dân cư địa phương và tập trung thực hiện chức năng giám sát.
UBND đặc khu có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu trong việc xây dựng để trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật, về tổ chức bộ máy giúp việc và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND đặc khu.
Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ và làm rõ trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND đặc khu.
Về cơ chế giám sát, ngoài các cơ chế giám sát theo quy định của pháp luật hiện hành như giám sát của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, dự thảo luật đã bổ sung một điều quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu.
Trong đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu phải công khai hoạt động của mình, nội dung công khai, hình thức công khai, trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Đồng thời, quy định rõ trước khi quyết định một số nhiệm vụ quan trọng được phân quyền, UBND, chủ tịch UBND đặc khu phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược.
Về tổ chức đặc khu, dự thảo luật quy định trưởng khu hành chính do chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm, là người đứng đầu khu hành chính, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, thực hiện các giải pháp quản lý dân cư và các hoạt động quản lý nhà nước khác trên địa bàn khu hành chính theo phân cấp, ủy quyền của chủ tịch UBND đặc khu.
Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận trong kỳ họp sắp tới.
Dự kiến sẽ có ba đặc khu được thành lập, bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Minh Anh
Nguồn: TheLeader