Đây là khẳng định của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo “Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” đang diễn ra (18/5/2018).
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mô hình đặc khu kinh tế đã phát triển lâu dài trên thế giới. Ông Dũng cũng cho rằng, việc phát triển đặc khu có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố và vấn đề khác nhau. Nhưng ông không phủ nhận đây là cơ hội thu hút FDI, tri thức, công nghệ mới, thúc đẩy trao đổi thương mại, mở cửa nền kinh tế trong nước.
Theo ông Dũng, việc xây dựng Luật cần thận trọng, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng không nên quá cầu toàn, đặc biệt khi thế giới liên tục thay đổi.
“Chúng ta cũng rút kinh nghiệm những khu không thành công trên thế giới nhưng cũng phải tận dụng cơ hội. Khi có vấn đề mới chúng ta có thể sửa chữa. Ngay cả như Hàn Quốc, trong 10 năm đã sửa Luật đến 6 lần. Vấn đề quan trọng hơn là thực thi, triển khai thực hiện là vấn đề rất quan trọng”, ông Dũng nói.
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) nêu ra nhiều cảnh báo về các rủi ro từ ưu đãi thuế với mô hình đặc khu.
Chuyên gia WB nhấn mạnh các đặc khu này có các chức năng chính: Cải cách môi trường kinh doanh, và thay đổi chính sách phát triển. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình cũ, chúng ta sẽ gặp các rủi ro, hạn chế đầu tư ở các đặc khu hiện nay là việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc. Thứ nữa là hiệu ứng nghịch, một số ưu đãi về thuế có thể bị lạm dụng, điều này không có lợi.
Ông Eckard cho biết, việc quá nhiều ưu đãi có thể dẫn tới bị lạm dụng. Ngoài ra, giữa các đặc khu còn có thể xảy ra cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế hoặc cạnh tranh không lành mạnh để cắt giảm các khuôn khổ pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng không mong muốn đến môi trường kinh doanh, hạn chế chuẩn mực lao động.
Còn theo ông Teo Eng Cheong – Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore cũng cho biết nhiều đặc khu đã thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.
Chuyên gia này lấy một ví dụ về đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hoá nhập khẩu vào đặc khu kinh tế của Công viên Logistics – sân bay của Singapore (ALPS). 90% thủ tục hải quan của hàng hóa đến đây phải giải quyết trong vòng 10 phút. 10% không được thực hiện trong thời gian này phải chuyển lên cấp cao hơn.
“Nếu các bạn có thể làm được những đột phá như thế này thì có thể thành công trong việc xây dựng mô hình đặc khu”, vị này nói.
Theo Trí thức trẻ