Lãnh đạo TP HCM cho rằng để chống ngập hiệu quả thì cần phải có một nhạc trưởng đóng vai trò kết nối các quy hoạch lại với nhau.
Ngày 18-5, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị nghe các sở – ngành, quận – huyện báo cáo sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập) cho biết mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực Trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Cùng với đó là cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TP.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sau cơn mưa đầu mùa
Chỉ tiêu đặt ra là giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách, 179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều cùng xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải. Đối với chỉ tiêu giải quyết ngập do mưa và do triều thì đến năm 2020 vẫn hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ tiêu xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải thì khả năng không hoàn thành rất cao.
Ông Dũng thông tin thêm các tuyến đường ngập do mưa, trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính còn trong năm 2018 đang triển khai các dự án để giải quyết 7 tuyến đường khác. Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 59,5% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, các chủ đầu tư các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Các cống kiểm soát triều được kỳ vọng sẽ giải quyết ngập do triều cho khu vực 550 km2
Trong năm 2016 và 2017, TP đã giải quyết 4/9 tuyến đường ngập do triều và đã khởi công dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT), dự kiến hoàn thành ngày 26-6-2019. Ngoài ra, cuối năm 2017, TP đã khởi công dự án Bờ tả sông Sài Gòn. Như vậy, đến năm 2020 sẽ giải quyết 9 tuyến đường ngập do triều theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, thông tin số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước chiếm 40% tổng số tuyến đường trên địa bàn quận dẫn đến tình trạng ngập cục bộ.
Theo ông Tuấn Anh, tình trạng ngập ở quận 9 chủ yếu là ngập do mưa, thoát nước không kịp. Trước đây, khi có đất nông nghiệp thì thoát nước mặt nhưng do tốc độ đô thị hóa nên thoát không kịp. Hiện nay quận 9 còn 4 điểm ngập cục bộ.
Tình trạng ngập nước hiện nay ở TP một phần do các quy hoạch chưa kết nối được với nhau
Phó Chủ tịch quận 9 thông tin thêm do các tuyến đường chính như Lê Văn Việt, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam,… chưa có cống thoát nước nên nếu các tuyến nhánh có làm hệ thống thoát nước thì cũng không biết thoát đi đâu. Đối với điểm ngập đường Đỗ Xuân Hợp có dự án do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư do chưa kết nối hợp lý với các tuyến đường xung quanh nên vẫn ngập.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định dân số TP tăng nhanh gây áp lực lên hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập. Trong khi đó, các quy hoạch như: thủy lợi, cấp thoát nước chưa kết nối được với quy hoạch chung của TP dẫn tới tình trạng phối hợp không đồng bộ, kết nối không đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ngập. Từ đây, ông Phong cho rằng để chống ngập hiệu quả thì cần phải có một nhạc trưởng đóng vai trò kết nối các quy hoạch lại với nhau.
Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý Trung tâm Chống ngập cần mở rộng không gian trữ nước mà thực chất là các hồ điều tiết; vẽ một bản đồ hồ điều tiết để xem còn chỗ nào cần thiết và triển khai.
Người lao động