8 cái chết liên tiếp không lời trăn trối, họ gọi tên sự cố chạy thận một năm trước bằng hai từ “thảm họa”. Có những lo lắng, có những nỗi lòng chỉ được nói ra trước phiên tòa.
Bà Thu lặng người hồi tưởng buổi sáng kinh hoàng ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình – nơi con gái đầu lòng của bà và 7 người khác tử vong khi chạy thận.
“Nhân viên y tế vừa cấp cứu vừa khóc, có người chạy ra hành lang úp mặt vào tường nức nở. Trên giường, bệnh nhân nối đuôi nhau co giật, chết không rõ lý do. Tích tắc ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi đã mất con gái”, người phụ nữ khóe mắt đỏ hoe.
“Huyết áp con tăng cao, mẹ xuống đây với con”, tiếng Hằng nói qua điện thoại khiến bà Thu lo lắng.
Hơn chục năm chạy thận, đây là lần đầu tiên người phụ nữ sinh năm 1981 có triệu chứng trên. Tức tốc vào viện, bà Thu đoán con mệt mỏi vì vừa từ Campuchia về lúc rạng sáng. Nhưng đó là cuộc gọi cuối cùng giữa hai mẹ con.
“Tôi còn nhớ các bệnh nhân ngộ độc đã nằm la liệt. Tất cả cùng có biểu hiện khó thở, tức ngực, nôn ói ra máu. Bệnh nhân tranh nhau nhà vệ sinh. Con gái tôi và hai người nằm cạnh còn chuyền tay nhau dùng chung túi nôn”, cầm di ảnh con, bà Thu nói về những hình ảnh ám ảnh đến ngày nay.
Lúc đó, bác sĩ, y tá có mặt ở cả 3 phòng chạy thận. Họ rút dây truyền lọc máu, đo huyết áp và cho bệnh nhân thở oxy. “Lương, Lương” – tên nam bác sĩ phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo – liên tục được mọi người gọi giật. Anh cùng đồng nghiệp long sòng sọc ấn lồng ngực, làm mọi cách giữ tính mạng những người tuần nào cũng 3 lần đến khoa.
Một giờ sau khi thở oxy, một số bệnh nhân ổn định trở lại, có người đã ăn uống, bước đi bình thường.
Đến 9h30, nam bệnh nhân tên Uyển bắt đầu co giật. 6-7 nhân viên y tế đứng quanh giường bệnh anh này để cấp cứu nhưng bất lực. Người đàn ông ở huyện miền núi Cao Phong là ca đầu tiên tử vong.
Nằm cách anh Uyển một giường, bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi) không thể gượng dậy sau khi nhiễm độc. Được đưa lên khoa hồi sức tích cực khoảng 15 phút, bà lão chuyển biến nặng hơn.
“Nhiệt kế không đủ dùng nên tôi chạy đi mua. Đang chuẩn bị vạch áo, hỏi mẹ còn đau không thì bà co giật, trợn mắt”, chị Tuyết (con gái bà Minh) kể và cho biết lúc 15h, người thân sốt ruột xông vào phòng thì thấy điều dưỡng vẫn bóp bình oxy nhưng bệnh nhân này đã chết.
Thời điểm đó, Hằng vẫn ăn được cháo, huyết áp 110/70. Chứng kiến 3-4 cái chết liên tiếp, bà Thu đoán họ bị ngộ độc thuốc. Bà nghĩ con gái đã qua khỏi nên nhường cáng cho bệnh nhân nặng hơn.
Bất ngờ nhịp tim của Hằng tăng lên. “Tôi chạy ra góc phòng lấy điện thoại, lúc quay lại thì con đã mất rồi. Không có gì ám ảnh bằng tận mắt thấy con co giật, chết không trăn trối”, người mẹ nước mắt lã chã.
Cùng phòng Hằng, bệnh nhân tên Nguyên sau khi được chạy máy khoảng 4 giờ tưởng qua khỏi nhưng cuối cùng vẫn nằm trong danh sách 8 người tử vong. Bệnh nhân duy nhất cùng phòng chạy thận với Hằng thoát chết là anh Tiến – người hôm đó có việc đột xuất nên đến muộn.
8 nạn nhân tử vong mỗi người có một số phận. Anh Uyển hôm trước còn lên rừng chặt bương, chờ lọc máu xong sẽ sửa căn nhà dột nát; một trường hợp khác là giáo viên, lao động chính nuôi cả nhà… Họ ra đi mãi mãi để những người liên quan lâm vào cảnh khốn cùng.
“Đó là những cái chết oan”, ông Tính (bố nạn nhân Hằng) trải lòng với Zing.vn.
Năm 2009, bệnh viện tỉnh mở phòng xử lý nước RO để chạy lọc máu thận nhân tạo. Do chưa thành lập khoa riêng nên bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực.
Cuối tháng 4/2017, phát hiện hệ thống nước RO bị hỏng, Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ Phòng vật tư) và bác sĩ Lương cùng ký tờ trình xin sửa máy lọc thận.
Cáo trạng của cơ quan công tố xác định ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện, ký hợp đồng cung cấp vật tư để sửa hệ thống lọc nước RO với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Bản hợp đồng trị giá gần 100 triệu đồng được Thiên Sơn chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc với số tiền hơn 70 triệu đồng.
Cuối tháng 5/2017, Bùi Mạnh Quốc gặp Sơn tại bệnh viện để sửa máy lọc. Cáo trạng xác định sau khi kiểm tra xong vật tư do Quốc cung cấp, Sơn đi về nhà để đối tác tự thực hiện công việc.
Sau khi sử dụng hỗn hợp axit để sục rửa các cột lọc, Quốc không kiểm tra chỉ số cuối cùng nên để dư lượng axit trong các cột lọc máu cao gấp 260 lần so với quy chuẩn.
Sáng 29/5, bác sĩ Lương nghe cấp dưới báo đã sửa xong máy lọc liền ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. VKSND cáo buộc Hoàng Công Lương chủ quan không kiểm tra, xác minh lại thông tin và không báo cáo trưởng khoa.
Quá trình vận hành, nước trong hệ thống có chứa axit đã được sử dụng để lọc máu thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do bị ngộ độc hóa chất.
VKSND kết luận bị can Hoàng Công Lương được đào tạo chuyên môn lọc máu chạy thận. Với trình độ, trách nhiệm được giao, Lương phải biết rõ quy chuẩn nước được sử dụng trong lọc máu. Bị can 32 tuổi và Trần Văn Sơn bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Còn Bùi Mạnh Quốc bị truy tố tội Vô ý làm chết người.
Trong kết luận đưa ra, cơ quan chức năng cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố hình sự ông Trương Quý Dương nên chỉ xử lý hành chính. Tháng 8/2017, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình của ông Dương vì để xảy ra sự cố chạy thận.
Hiếm có vụ án nào trước lúc xét xử, gia đình bị hại chủ động đến nhà động viên bị cáo. 3 lần đến gặp Lương, bà Thu nhắc nhiều đến sức mạnh tiềm thức để nam bác sĩ luôn tự tin, “chiến thắng” tại phiên tòa sơ thẩm. Trong câu chuyện được nhắc đến, hai bên đều không đồng tình với một số quy kết trong cáo trạng. Họ chờ đợi tòa án sẽ buộc ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của 8 bệnh nhân chạy thân.
“Ai nói thế nào thì nói, chúng tôi thấy bác sĩ Lương không có tội gì cả”, bà Thu kể ngay lúc sự cố xảy ra, gia đình các nạn nhân không trách cứ Lương nửa lời. Họ biết sự cố xảy ra do lỗi của y bác sĩ, hay hệ thống máy móc lọc máu.
Có những tin đồn thất thiệt nói bác sĩ Lương bỏ ra ngoài khi 18 bệnh nhân nhiễm độc nhưng chính gia đình 8 người tử vong lại bảo vệ bị cáo 32 tuổi. Họ đưa ra hình ảnh chứng minh Lương là người tích cực làm mọi cách để giữ mạng sống bệnh nhân.
Gặp Zing.vn trước hôm tòa mở lại, Hoàng Công Lương cũng tin rằng 100% mình vô tội. Nhớ lại quãng thời gian bị tạm giam (13 ngày), Hoàng Công Lương miêu tả chưa bao giờ anh thấy thời gian trôi chậm như thế. Bị nhốt cùng 5 người, trong đó có 2 tử tù giữa 4 bức tường chỉ có một khe nhỏ, anh nghĩ về nhiều điều tiêu cực.
Chính 2 tử tù là người đã động viên khiến anh khuây khỏa, có niềm tin khi phiên tòa diễn ra.
“Quy trình chạy thận nếu sai, chúng tôi chịu trách nhiệm. Còn ngoài phạm vi chuyên môn thì không thể bắt chúng tôi chịu trách nhiệm về việc đó”, bị cáo có 7 năm công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nói rồi kể sau hôm sự việc xảy ra, anh và kíp trực đã tự đánh giá sự cố. “Sở họp cũng kết luận y bác sĩ làm đúng quy trình, nguyên nhân tử vong do nhiễm độc. Đương nhiên mình nghĩ không bị khởi tố”, Lương chia sẻ.
Ngày ngày đến khoa tiếp tục làm công việc của một bác sĩ sau khi tại ngoại, Hoàng Công Lương nói vẫn chưa hết ám ảnh, day dứt khi không giữ được 8 bệnh nhân mà anh và đồng nghiệp vẫn coi như người thân. 7 năm qua, họ đều đặn tuần 3 buổi gặp nhau. Lương nói, chẳng cần chạm mặt anh cũng đoán được tiếng cười là của bác Chung, anh Uyển hay chú Chính…
Có bao giờ anh bị gia đình bị hại trách mắng? “Tất cả đều điềm tĩnh, có sự hiểu biết nên họ hiểu thảm họa do y bác sĩ hay nguyên nhân từ máy móc. Không ai trách mắng một lời”, Lương tâm sự. Hai bên vẫn giữ những bức hình đi chơi tỉnh ngoài. Chẳng ai dám tin những bệnh nhân khoác vai nhóm điều dưỡng, y tá cười rạng rỡ trong tấm ảnh đã nằm xuống gần tròn một năm.
Lương kể giai đoạn đầu bị khởi tố, những lúc một mình anh đã khóc. Suy nghĩ tiêu cực cũng không tránh khỏi nhưng điều đó chỉ thoáng qua. Anh dặn lòng phải bình tĩnh, dành thời gian nghiên cứu pháp luật để chờ cơ hội chứng minh vô tội. Kịch bản xấu nhất, anh cũng nói với vợ con. “Sẽ rất buồn nếu bản án không đúng người đúng tội. Buồn cho ngành y vì hành lang pháp lý không bảo vệ được y bác sĩ”, Hoàng Công Lương nhấn mạnh.
Bị cáo sinh năm 1986 nói sẽ kháng cáo nếu hôm tới bị tuyên có tội. Trường hợp tòa phúc thẩm giữ nguyên quan điểm buộc tội như cấp sơ thẩm, anh sẽ chấp hành bản án nhưng tiếp tục kêu oan đến khi được chứng minh vô tội.
Phiên xử sơ thẩm hôm 7/5 đã phải hoãn do vắng mặt 8 luật sư bào chữa của các bị cáo và một số người khác, trong đó có nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương. “Nỗi oan ức, bức xúc gia đình đã chịu một năm. Càng bức xúc khi nguyên giám đốc – người ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước – và ông trưởng phòng vật tư, đại diện bệnh viện đa khoa, Công ty Thiên Sơn cũng vắng mặt. Nó thể hiện sự không tôn trọng pháp luật, tôn trọng gia đình bị hại”, ông Tính (bố nạn nhân Hằng) gay gắt.
Các gia đình có người tử vong cho rằng bác sĩ Lương chỉ có trách nhiệm khám chữa bệnh, việc sửa chữa vật tư được giao cho người khác. “Cáo trạng chưa đánh giá khách quan người chịu trách nhiệm, mới chỉ quy kết cho người thi hành. Tôi yêu cầu ngày 15/5, những người có trách nhiệm chính phải đến tòa”, ông Thạo (chồng nạn nhân Nguyễn Thị Chung) nói.
Có cùng quan điểm, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương không có lỗi, không phải nguyên nhân gây ra sự cố y khoa. Từ góc nhìn cá nhân, ông Sơn đánh giá nguyên nhân làm 8 người chết đến từ các bị cáo khác trong quá trình bảo dưỡng thiết bị và xa hơn là do thiếu các quy định kiểm soát chất lượng thiết bị có tên “lỗi hệ thống”.
“Lỗi hệ thống” trong trường hợp này là các sai sót hướng dẫn sử dụng, quy trình bảo dưỡng, kiểm soát chất lượng, bàn giao thiết bị trong quá trình vận hành và sau sửa chữa. Sự cố xảy ra khi quy trình trên không có, không đầy đủ hoặc không được thực hiện nghiêm túc.
Tiến sĩ Sơn nói vụ án nghiêm trọng có đến 8 bệnh nhân đương nhiên Giám đốc, Ban giám đốc và một số cá nhân trong bệnh viện phải liên quan. Cần phải làm rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo bệnh viện khi chưa đưa ra quy định, kiểm soát chất lượng trang thiết bị liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Trước thông tin ông Trương Quý Dương đang ở nước ngoài hôm nhân viên dưới quyền đứng ở chốn công đường, ông Sơn đánh giá hành động này “không đúng về đạo lý và cả pháp lý”. Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cho rằng Giám đốc và Ban giám đốc bệnh viện là những người thiếu tinh thần trách nhiệm khi không ban hành các quy định quản lý và giám sát thiết bị.
Ông Sơn lo ngại nếu Bộ Y tế và các bệnh viện không sớm thay đổi, bổ sung các quy định về quản lý thiết bị thì sẽ còn nhiều người như bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố. Và có thể lãnh đạo bệnh viện xảy ra sự cố y khoa cũng không ngoài cuộc, khi phải hầu tòa về Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
“Họ vừa là đối tượng bị truy tố, đồng thời là nạn nhân của một hệ thống còn thiếu hụt rất nhiều các quy định quản lý, phác đồ chuyên môn. Đó là điều rất đáng lo ngại cho bệnh nhân và cho cả giới thầy thuốc lúc này”, ông Sơn nhấn mạnh.
Sáng 15/5, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên xử sơ thẩm xét xử vụ án 8 người tử vong khi chạy thận nhân tạo.
Ngày 14/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sau khi nhận đơn kiến nghị của bác sĩ Hoàng Công Lương. Phó thủ tướng Thường trực giao TAND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo xem xét, giải quyết kiến nghị của bác sĩ Lương; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.
Ảnh: Việt Linh
Đồ hoạ: Châu Châu
Nguồn: News.zing.vn