Khu đô thị sáng tạo TP.HCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên) sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ Đức sẽ là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư vào TP.HCM vừa được tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: “Năm 2018 sẽ là một năm bản lề đối với thành phố TPHCM và cả nước. Song song với việc rà soát 7 chương trình đột phá, thành phố sẽ đánh giá lại tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới. Chúng ta có một số giải pháp mới là việc thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù và dự án đô thị thông minh”.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, Nghị quyết 54 là chìa khóa để phát huy những điểm đặc thù của thành phố, cho địa phương tự chi ngân sách, đáp ứng phục vụ người dân tốt hơn. Quốc hội cũng tạo cơ chế cho thành phố vay vốn bằng ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, miễn không ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Đồng thời, thu nhập cho cán bộ sẽ được tăng nếu có năng suất, hiệu quả cao hơn…
Một giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TP.HCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đánh giá về việc hình thành khu đô thị sáng tạo tại 3 quận 9-2-Thủ Đức, tại Hội thảo quốc tế “Khu ĐTST phía Đông TPHCM – Thảo luận một lộ trình chiến lược” diễn ra mới đây, các chuyên gia khẳng định: “Quận 9 hiện có khu CNC lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư. Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm ĐHQG sáng tạo nhất cả nước. 2 quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu Đô thị thông minh tương tác cao. Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.
Để triển khai thực hiện khu đô thị sáng tạo, mới đây TP.HCM đã giao quận Thủ Đức phối hợp với các sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu đô thị ĐHQG TP.HCM. Cùng với đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp với ĐHQG TP.HCM rà soát, nghiên cứu đề án quy hoạch khu Đông Bắc TP thành khu Đô thị sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của ĐHQG TP.HCM cũng đã bắt đầu tiếp xúc và thảo luận với các đối tác cả trong và ngoài nước. Mục tiêu đầu tiên là hình thành một khung nghiên cứu cho đề tài. Mục tiêu thứ hai hướng đến là tổng hợp các nghiên cứu tổng thể về TP.HCM và riêng khu Đông. Quá trình tổng hợp này không chỉ thu thập tài liệu, công trình nghiên cứu, mà còn xây dựng mạng lưới học giả – những người có kinh nghiệm thực tế về chủ đề này từ quy hoạch đô thị, kinh tế phát triển, pháp luật đến giáo dục đại học, công nghệ thông tin.
Hiện nay Tổ công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng Đông TP.HCM đã hoạt động được 2 năm, khảo sát được 90% khối lượng công việc. Dự kiến sắp tới sẽ tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế, lấy ý kiến các chuyên gia để tổng hợp, đề xuất phương án thực hiện.
Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
Bàn về việc triển khai khu đô thị thông minh, trao đổi với chúng tôi KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết để TP.HCM thực hiện hiệu quả đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo, chính quyền TP.HCM cần tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng và quy hoạch các khu cảng phía Đông, nhất là cảng Cát Lái…
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, chính quyền cần đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm yêu cầu các sở ban ngành liên quan lưu ý về sự đồng bộ trong công tác quy hoạch, cấp phép xây chung cư, cao ốc ở trung tâm để tránh gây thêm căng thẳng về kẹt xe và quá tải hạ tầng đô thị.
“Cần có những giải pháp giãn dân bằng cách xây dựng các khu chung cư, cao ốc thương mại ở các khu cửa ngõ TP.HCM, đồng thời, từ đó sẽ tạo sự kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông đô thị”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.
Được biết, trong chiến lược năm 2018, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) TPHCM sẽ đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.
Trong đó, các dự án giao thông khu Đông TP.HCM sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy – công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Song song đó, dự án xây dựng cầu bắc qua đảo Kim Cương, vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn đang được xây dựng giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ Lợi, khu Cát Lái (quận 2) với trung tâm TP.HCM, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019.
Trong giai đoạn 2018-2020, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy), nâng cấp và mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân kết nối từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến Xa lộ Hà Nội…
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2020, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đồng thời, tại khu cửa ngõ chính của TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa – Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 – Hiệp Bình Phước) cũng sẽ được hình thành trong tương lai.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong tương lai tuyến này được định hướng kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc Quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương. Dự án đã được UBND TP.HCM đăng ký danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016-2018. Hiện UBND TP.HCM đã thông qua thiết kế cơ sở, hồ sơ ranh mốc và bàn giao cho địa phương quản lý quy hoạch.
Theo Trí thức trẻ