Bài 1: Theo chân… “cò đất”
BT- Giá đất mặt tiền đường nhựa gần UBND xã từ 100 triệu đồng/sào nhảy lên 2 tỷ đồng/sào, đất rẫy từ 30 – 200 triệu đồng/ha nhảy lên 1,5 – 1,7 tỷ đồng/ha. Có ngày ở quán cà phê gần 50 chiếc xe con các tỉnh, thành đến uống nước để giao dịch.
Muôn hình vạn trạng “cò” !
Năm 2015, sân bay Phan Thiết khởi công xây dựng, bên lề các cuộc gặp gỡ cà phê với bạn bè, nhiều người dự đoán Thiện Nghiệp sẽ có cơn sốt đất. Tuy nhiên, chưa ai đoán được là đất Thiện Nghiệp sẽ sốt vào thời gian nào, lúc ấy lác đác chỉ có vài đại gia “dư tiền” mua đất rẫy “liền canh” gần sân bay với giá khá “bèo”. Còn bây giờ, đất Thiện Nghiệp đang trong “cơn sốt xình xịch”. Khi đất sốt thì lượng “cò đất” cũng sốt theo với muôn hình vạn trạng từ không chuyên, bán chuyên cho đến chuyên nghiệp. Bảo, tay “cò đất” thâm niên ở Phan Thiết hay nhờ tôi giới thiệu người quen ở xa có nhu cầu về Phan Thiết ở hoặc kinh doanh để Bảo tiếp thị đất. Làm nghề gần 30 năm, nhưng Bảo “lắc đầu ngao ngán” trước đội ngũ “cò đất” có một không hai ở Thiện Nghiệp. Giữa tháng 5, hai người bạn tôi ở TP Hồ Chí Minh là Thương và Đạt ở Bình Dương điện thoại hỏi tôi có phải ở Thiện Nghiệp đất còn rẻ không để ra mua. Tôi nói chẳng rành, chỉ biết đang sốt đất, muốn mua phải hỏi “cò đất”. Bạn lại nhờ tôi tìm giúp “cò”, rồi dặn phải kiếm hai “cò” trở lên để tránh mua giá cao. Tôi điện thoại cho Bảo, hẹn gặp ở Thiện Nghiệp nhưng Bảo bận nên hẹn lại buổi chiều. Điện thoại cho Minh, dân Thiện Nghiệp “nòi”, tôi biết Minh chục năm nay, dù học trung cấp quản lý đất đai, được xã tạo điều kiện làm việc nhưng Minh không muốn làm bởi lương quá thấp, vả lại Minh hơi thẳng tính nên ngại va chạm… Vì vậy mà gần 8 năm nay, Minh cứ lông bông làm nghề tự do. Năm ngoái, một công chức thuê Minh làm “chim xanh” đi giao dịch giấy tờ nhà đất, việc đúng chuyên ngành mình học nên Minh “gật đầu cái rẹt”. Hàng ngày, Minh chạy đi chạy lại giữa các ngân hàng và văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết – Thiện Nghiệp cả năm bảy vòng, hôm nào có tiền “típ” kha khá Minh rủ tôi lai rai…
Minh đón anh em tôi trên đường Võ Nguyên Giáp, ngay ngã ba nối Thiện Nghiệp với Mũi Né. Khi mới vào phía đầu xã, thấy xe chúng tôi chạy rà rà để quan sát hai bên đường, thì bất ngờ được 1 người trung niên vẫy tay ra hiệu cho xe dừng lại. Chưa hiểu chuyện gì thì người này giới thiệu tên T. dân Thiện Nghiệp: Mấy anh ở Sài Gòn ra hả, tìm mua đất phải không, mấy anh mua đất rẫy hay đất ở? Thích loại nào nói em, bà con của em ở đây có sẵn hết, em dẫn đi xem luôn nhé. Bạn tôi hỏi lại: Đất của bà con hay anh làm cò đất, nói để bọn tui biết còn chi %? Dạ, đất của bà con ruột thịt nhà em, mấy cô chú đi chăn bò trên rẫy nên giao cho em mời khách đến xem đất, bán được thì em cũng có “chút chút”… Mà mấy anh vào quán cà phê với em rồi nói chuyện. Thương, bạn tôi là dân kinh doanh nhiều lĩnh vực nên ít nhiều biết về bất động sản. Khi nghe T. giới thiệu sơ lược về đất thì có vẻ sảng khoái tin tưởng vì cho rằng “đây là dân địa phương thứ thiệt, bởi giọng nói khá đặc thù, với lại cái kiểu mời mua đất mà nói kiểu “thiệt thiệt”. Minh lúc này bật cười, kể: Ông T. là dân đá gà chuyên nghiệp, ở cách nhà tui 3 km, ông mới làm “cò đất” được khoảng 3 tháng nay, coi chừng “lầm to”. Minh bảo, cứ để ông T. giới thiệu đất, nhưng đừng nói Minh là dân địa phương, sợ ông T. ngại.
Lên cơn sốt
Quán cà phê Phượng Hiền, ngay ngã tư UBND xã Thiện Nghiệp tương đối rộng và được bố trí cây cảnh theo kiểu sân vườn khá hợp để trò chuyện riêng tư. Trước quán hơn chục chiếc xe con biển số từ 29 đến 33 Hà Nội, 50 đến 53 TP. Hồ Chí Minh, 61 Bình Dương, 49 Lâm Đồng… đậu dọc ven đường. Trong quán khách khá đông, nhiều bàn người dân để cả “sổ đỏ” bày ra cho khách mua đất xem. Minh rỉ tai tôi nói nhỏ: Toàn người vào đây là giao dịch đất. Minh chỉ cho tôi khoảng chục “cò” với lý lịch “trích ngang”. Ông Q. làm bên bộ phận môi trường tỉnh, chuyên “cò” cao cấp cho khách “sộp” mua đất của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông V. dân lái bò trong xã, mới chuyển nghề làm “cò” được tháng nay. Ông N. “cò” Phan Thiết từ năm 2015 khi sân bay mới khởi công. Ông D. chuyên nuôi gà, heo có tiếng trong vùng bắt đầu làm “cò” từ giữa năm 2017 đến nay… Đặc biệt, theo điều tra riêng của phóng viên, ở Thiện Nghiệp có 1 công chức cũng đang làm “cò đất”. Người này đang làm việc ở xã, có uy tín nên được cả người dân địa phương lẫn khách phương xa đến mua đất tín nhiệm “gửi gắm” hoàn toàn các giao dịch.
Trao đổi với phóng viên về việc công chức xã làm thêm về giao dịch đất có ảnh hưởng gì chưa? Một lãnh đạo xã cho biết: Ở góc độ trao đổi mua bán đất không thuộc thẩm quyền của xã, công chức ở xã có làm thêm nhưng chưa vi phạm gì. Tuy nhiên, về mặt quản lý cán bộ chúng tôi đã nhắc nhở để ngăn ngừa vi phạm xảy ra… Do nôn nóng muốn coi đất mà T. giới thiệu nên ngồi chừng nửa tiếng chúng tôi vội vàng rời quán. T. dẫn đến lô đất mặt tiền đường nhựa ĐT 715 bảo giá 2,5 tỷ đồng/sào, 2 sào thì 5 tỷ đồng không bớt, bởi đã có người trả 4 tỷ đồng nhưng chủ nhà chưa bán. Đất quá thấp so với mặt đường nên Thương với Đạt chưa ưng ý, nói đi xem lô khác.
Khi lên xe, Minh kể: Lô đất mới xem cách đây 3 năm, ông V bán cho bà H. 200 triệu đồng/2 sào, lúc đó giá đất như vậy ở xã được xem “bán được giá”. Nhưng giờ bà H. rao giá 5 tỷ đồng, việc có người trả 4 tỷ đồng bà H. chưa chịu bán là có thật. Biết việc đất mình bán lên giá tiền tỷ ông V “ngã quỵ”, buồn quá nên ngày nào ông V cũng nhậu rồi đi lang thang như người mất hồn – Minh kể thêm…
Một lãnh đạo xã Thiện Nghiệp cho biết: Ở góc độ trao đổi mua bán đất không thuộc thẩm quyền của xã, công chức ở xã có làm thêm nhưng chưa vi phạm gì. Tuy nhiên, về mặt quản lý cán bộ chúng tôi đã nhắc nhở để ngăn ngừa vi phạm xảy ra… |
Phóng sự điều tra của Trần Thi
Nguồn: baobinhthuan.com.vn