Nguyên tắc “Nỗ lực tối thiểu mang lại kết quả tối đa” không có nghĩa là bạn lười nhác, không có nghĩa là bạn không làm hết sức. Mà trái lại, bạn vẫn phải hết mình trong mọi việc, trong từng hơi thở. Chỉ có điều, hãy để “sự hết mình” của bạn được định hướng thật tốt để bạn có thể tạo ra thật nhiều giá trị.
Sinh năm 1988, Tạ Minh Tuấn tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, ĐH Bách khoa TP.HCM. Anh là thành viên đồng sáng lập IDEE Corporation, Chủ tịch sáng lập HELP International – tổ chức đi tiên phong và hàng đầu trong việc xây dựng mô hình “Bác sĩ riêng – Y tế tại nhà” ở Việt Nam; Chủ tịch điều hành – sáng lập quỹ từ thiện “Giấc mơ đôi chân thiên thần”. Tạ Minh Tuấn cũng là doanh nhân trẻ từng lọt danh sách Forbes Under 30 cũng như được CSIP, British Council và World Bank chứng nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam.
Vốn là cựu sinh viên trường chuyên Lê Hồng Phong, Tp. Hồ Chí Minh nhưng thay vì học hành vất vả như các bạn, Tạ Minh Tuân lại có bí quyết giúp việc học trở nên bình thản. Cách làm này cũng được anh áp dụng khéo léo trong công việc kinh doanh, khởi nghiệp sau này.
Xác lập “vùng tỏa sáng”
“Vì tôi có “bí quyết” riêng. Đó là chủ động định hướng cho cuộc đời mình, bằng cách xác lập “vùng tỏa sáng” của cá nhân, dựa trên yếu tố bên trong là đam mê và thế mạnh của bản thân, kết hợp với yếu tố bên ngoài là nhu cầu thị trường trong tương lai và đánh giá tác động đến xã hội”, Tạ Minh Tuấn chia sẻ bí quyết trong cuốn sách mới ra mắt của mình.
Theo anh “vùng tỏa sáng” được xác lập nhờ công thức:
Vùng tỏa sáng = Yếu tố bên trong + Yếu tố bên ngoài
Yếu tố bên trong = Đam mê + Thế mạnh
Yếu tố bên ngoài = Nhu cầu thị trường + Tác động xã hội
Vùng tỏa sáng => Chủ động định hướng cuộc đời => Chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
Lấy ví dụ ngay chính việc lựa chọn trường đại học của mình, Tạ Minh Tuấn cho biết trước khi chọn ngành, anh đã tham khảo ý kiến nhiều người. Đầu tiên là các bậc phụ huynh, anh chị của Tuấn đều từng học Bách Khoa. Về bản thân mình, anh cũng thích làm kỹ sư nên Bách Khoa cũng là lựa chọn hợp lý.
Khi đã thu hẹp được vùng lựa chọn: Chọn nghề kỹ sư, chọn trường Bách Khoa, giờ thì chọn ngành học cụ thể. Tạ Minh Tuấn tìm hiểu tất cả các ngành tuyển sinh của trường và dừng lại ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp.
Nhiệm vụ của người Kỹ sư Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp là thiết kế ra hệ thống, quản lý vận hành hệ thống đó, và liên tục tìm cách để cải tiến hệ thống. Họ tập trung vào các hệ thống công nghiệp, hệ thống sản xuất, hệ thống vận hành doanh nghiệp. Họ không tập trung vào một chuyên môn cụ thể, mà chuyên môn của họ là chuyên môn… hệ thống.
Ai cũng có “vùng tỏa sáng” của mình. Bất kỳ ai ra khỏi “vùng tỏa sáng”, họ sẽ trở nên mờ nhạt như biết bao người bình thường, thậm chí là tầm thường.
Vì vậy người kỹ sư hệ thống có thể làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, thường thấy là trong sản xuất, rồi sau này có thêm dịch vụ, vận tải, hậu cần, chuỗi cung ứng… Trên thế giới, vai trò của người kỹ sư IE rất quan trọng. Học ngành khác thì có thể nói là làm trái ngành chứ kỹ sư hệ thống thì không, vì ngành nào cũng đều có một… hệ thống ở bên trong.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đây lại là ngành mới chỉ tồn tại khoảng 20 năm nay. Và xã hội chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng rất lớn của nó đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Ai cũng có “vùng tỏa sáng” của mình. Bất kỳ ai ra khỏi “vùng tỏa sáng”, họ sẽ trở nên mờ nhạt như biết bao người bình thường, thậm chí là tầm thường.
Sơ đồ thiết lập vùng tỏa sáng
Áp dụng nguyên tắc Pareto
Tạ Minh Tuấn chia sẻ khi vào học, anh gặp khó khăn ở những môn đại cương nhưng khi vào chuyên ngành và được học những môn chuyên ngành, càng lúc càng tỏ ra rất phù hợp với ngành này. Thậm chí nhiều môn chuyên ngành Tuấn có điểm cao nhất lớp. Anh được tín nhiệm làm lớp trưởng với tỷ lệ bầu gần như là 100%. Anh cũng khá xông xáo trong các hoạt động như đá banh, mở câu lạc bộ Anh văn cho cả lớp, xây dựng hệ thống KPI. Thế nhưng điều đáng nói là… Tạ Minh Tuấn gần như là người ít đi học nhất lớp.
“Vì tôi đã áp dụng rất khéo nguyên tắc “Nỗ lực tối thiểu giúp mang lại kết quả tối đa”. Tôi đã chọn một ngành rất phù hợp với mình. Và đôi khi trong cuộc sống, sự lựa chọn còn quan trọng hơn nỗ lực”, doanh nhân trẻ này chia sẻ.
Tạ Minh Tuấn chia sẻ kỷ niệm khá vui về môn Quản lý dự án. Môn này anh vắng 90% số buổi học, chỉ ở nhà đọc tài liệu rồi lên lớp thi. Vậy mà điểm tổng kết lại rất cao. Khi biết điểm thi của Tuấn, cô giáo lắc đầu nói “Impossible”.
“Thật ra không phải không đến lớp nghĩa là tôi không học, khi đó tôi đã có dự án khởi nghiệp kinh doanh thứ hai, nghĩa là bản thân mình cũng phải quản lý một dự án thật ngoài đời”, Tuấn chia sẻ. Anh đem kinh nghiệm của mình áp dụng vào việc trả lời các câu hỏi trong bài thi. Lý thuyết luôn được đúc kết từ thực tiễn. Nên những kinh nghiệm từ thực tế kinh doanh của Tuấn lại rất có giá trị, giúp anh trả lời chuẩn xác các câu hỏi trong bài thi. Và bài thi của Tạ Minh Tuấn hình như được điểm cao nhất nhì lớp.
Đi làm song song với đi học cũng giúp doanh nhân trẻ tuổi này nhận ra mình nên tập trung vào 20% kiến thức nào trên lớp có liên quan đến “Vùng tỏa sáng” của mình? Để với 20% kiến thức đó lại tạo ra 80% kết quả công việc mà anh gặt hái được. Đó cũng chính là Nguyên tắc Pareto 80/20 nổi tiếng, giúp “làm ít mà được nhiều”.
Anh đúc rút ra rằng đây chính là lý do vì sao đi làm song song với đi học sẽ giúp bạn bớt mông lung hơn, vì bạn đã có trải nghiệm thực tế, sẽ dễ dàng hơn trong việc nhận ra đâu là 20% kiến thức giúp tạo ra 80% kết quả của đời mình. Từ đó bạn sẽ tập trung hơn.
Cũng vì biết rõ mình muốn gì nên Tạ Minh Tuấn chỉ tập trung vào 20% những môn học mình cần đến. Và dù có rất nhiều môn đại cương anh còn chưa hoàn thành trong 3 kỳ đầu, anh đã quyết định mình chỉ cần học để có kiến thức chuyên ngành, và anh không cần dùng đến tấm bằng Đại học Bách Khoa. Nên Tuấn đưa ra một lựa chọn khá quan trọng: Sẽ học đa số các môn chuyên ngành, rồi tập trung vào khởi nghiệp kinh doanh, vào “trường đời”, và quyết định không lãng phí thêm thời gian, cũng như tiền bạc vào việc “trả nợ” các môn đại cương, mà anh cho là không cần thiết.
Tất nhiên anh cũng nhấn mạnh một điều rằng đây là quyết định của cá nhân tôi và nó không phải là một bài học điển hình cho các bạn trẻ. Chúng ta không nên lấy những cái “cá biệt” ra để làm chuẩn mực cho cả xã hội. Với anh, học vẫn cực kỳ quan trọng, là con đường giúp nhiều người thoát nghèo, xóa bỏ mặc cảm và vươn đến thành công. Học hành là con đường cho rất nhiều người thiếu điều kiện hơn cả tôi. Tấm bằng đại học dù ngày càng kém giá trị so với trước nhưng nó vẫn là một “vũ khí” thêm vào cho hành trang của chúng ta, nên có vẫn hơn không.
“Quyết định nghỉ học của tôi là một quyết định được cân nhắc kỹ, nó dựa trên các yếu tố: Tôi đã học tốt và thu lượm hết “tinh hoa” của chuyên ngành mình đã chọn + Việc học thêm các môn đại cương là không cần thiết với tôi + Tôi không có ý định dùng bằng kỹ sư để tìm việc sau này, tôi học để lấy kiến thức chứ không phải lấy bằng + Tôi muốn dũng cảm buông bỏ và tung cánh bay lượn trên bầu trời cao + Khi đó tôi đang khởi nghiệp, công ty vừa gọi vốn thành công và tôi cần tập trung cho giấc mơ của mình + Tôi có cảm giác “nếu không làm thì không thể sống nổi” nên tôi quyết định lắng nghe tiếng gọi từ bên trong mình”, Tuấn kết luận.
* Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Phía trước bình minh luôn là đêm tối- Tạ Minh Tuấn.
Trí thức trẻ