TTO – Không chỉ khái niệm “thu phí” ở trạm BOT bị đổi thành “thu giá”, ngành hàng không cũng đã thay đổi “chậm hủy chuyến” thành “chuyến bay chưa đúng giờ”.
Hãng hàng không cho rằng việc thay đổi thuật ngữ là thay đổi thói quen tiêu cực, Cục Hàng không nói việc thay đổi này cho phù hợp với xu thế của thế giới.
Phù hợp với xu thế của thế giới?
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Cục Hàng không VN đã thay đổi khái niệm “chậm hủy chuyến” thành “chuyến bay chưa đúng giờ” vào giữa quý 2-2017, nhưng việc thay đổi khái niệm này không có văn bản nào quy định. Khái niệm này được dùng trong báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện các hãng hàng không có chuyến bay bị chậm thường thông báo với nội dung “chuyến bay sẽ khởi hành trễ vì máy bay về trễ…”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Hàng không VN cho biết trên thế giới người ta không dùng chậm hủy chuyến nữa, mà đánh giá trên tỉ lệ bay đúng giờ (OTP) của các hãng. Chậm (delay) chỉ liên quan đến trách nhiệm của hãng cho hành khách, còn khi xảy ra hủy chuyến người ta dùng “flight cancelled”.
Theo Cục Hàng không, các hãng cạnh tranh với nhau khi đưa ra tiêu chí về dịch vụ, người ta thường đặt ra tiêu chí đúng giờ để phấn đấu nên chuyển sang thuật ngữ “chuyến bay chưa đúng giờ” thay “chậm hủy chuyến”.
Trả lời việc thay đổi khái niệm này có phải chủ trương của Cục Hàng không, vị này cho biết đây là cách tiếp cận cho phù hợp với thế giới. Sau khi nghiên cứu, Cục Hàng không VN nhận thấy việc thay đổi khái niệm thuật ngữ “chậm hủy chuyến” bằng “chưa đúng giờ” phù hợp với xu thế của thế giới.
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 25-5, đại diện một hãng hàng không cho biết giờ đảo lại khái niệm nhưng bản chất số liệu không thay đổi. Theo vị này, trước đây nói về chậm hủy chuyến nhiều khiến khách hàng bị ấn tượng về hủy chuyến, dần dần tạo ra phản ứng tiêu cực của khách “ném đá”, đánh nhân viên… Dùng từ “chưa đúng giờ” sẽ bao gồm cả bay trễ, bay sớm là chuẩn hơn so với chậm chuyến.
Chưa trung thực
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng hàng không phải giữ nguyên tắc của thuật ngữ hủy (cancel) hay hoãn (delay). Việc biến tấu ngôn ngữ là lừa dối khách hàng để giảm sự chưa chuyên nghiệp của các hãng hàng không. Ông Tống khẳng định thay đổi khái niệm như vậy là tránh né, không trung thực.
Một số chuyên gia hàng không cũng cho rằng Cục Hàng không và các hãng phải nhìn nhận vào thực tế, không thay ngôn từ để giảm nhẹ sự việc.
CÔNG TRUNG
Nguồn: tuoitre.vn