(PLO)- “Những từ ngữ chuyên môn chỉ nên dùng để phục vụ trong kỹ thuật, trong thuyết minh cho dự án chứ không nên dùng khi trả lời người dân. Người dân đang bức xúc mà bảo “tụ nước” chứ không phải ngập thì không nên” – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng ngập nước và kẹt xe là hai vấn đề khiến không chỉ người dân và cả lãnh đạo TP cũng vô cùng bức xúc. “Riêng ngập nước, có nhiều nguyên nhân do lịch sử, do con người, khách quan như biến đổi khí hậu (cũng do con người), do cả quản lý quy hoạch nhà nước và ý thức xã hội, người dân” – ông Tuyến nói và cho rằng để giải quyết căn cơ thì trách nhiệm là của cả cộng đồng, tuy nhiên trước hết vẫn là của chính quyền.
Còn đối với báo cáo của Trung tâm chống ngập nước TP, ông Tuyến cho rằng Trung tâm chống ngập cần báo cáo đánh giá một cách khoa học và đầy đủ hơn, nói sao cho người dân hiểu chứ không chỉ dùng những từ chuyên môn như “tụ nước” như vừa qua gây bức xúc trong xã hội, nói phải thực tế, ngập gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thì TP phải xử lý.
“Tụ nước” biến mất trong báo cáo của Trung tâm chống ngập
Một điều đáng chú ý, trong báo cáo của Trung tâm chống ngập đã không còn từ “tụ nước” khi nói về tình hình ngập ở TP.HCM thời gian qua.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Trong trận mưa lớn ngày 19-5, có 32 tuyến đường bị ngập nước nặng nề như tuyến đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), tuyến đường Cây Trâm, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), đường Quốc Hương (quận 2)… Các điểm ngập này phải mất ba giờ sau nước mới rút.
Cá biệt có những tuyến như Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh phải mất năm giờ mới rút nước khiến sinh hoạt, đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 32 tuyến đường này là những tuyến đường nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.