Đó là lời khẳng định của “cò” đất tên Hưng trên đảo này khi nói về tình hình giao dịch đất đai tại đây khi chính quyền địa phương liên tiếp ban hành nhiều văn bản siết chặt giao dịch, chuyển nhượng.
Thị trường bất động sản Phú Quốc thời gian gần đây vẫn là một trong những thị trường nóng sốt nhất Việt Nam: quán ăn đông kín người, phòng công chứng xe đậu dài hàng vài chục mét, phòng tài nguyên môi trường phải bốc số để được hỗ trợ, người người làm môi giới, nhà nhà làm môi giới..
Từ Nam đảo đến Bắc đảo Phú Quốc, nhiều tuyến đường chính đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Việc đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông trên đảo cũng là nguyên nhân đang làm giá đất tăng mạnh.
Thật vậy, ngay sau khi ra khỏi khu vực sân bay quốc tế Phú Quốc, dọc hai tuyến đường chính dẫn về Nam Đảo và Bắc Đảo dày đặc banner, tờ rơi quảng bá, rao bán đất giá rẻ dọc hai bên đường. Thậm chí có một sàn môi giới còn đang rao bán cả một… hòn đảo nhỏ với tổng diện tích hơn 1 triệu m2.
Những lô đất đã chuẩn bị sẵn mặt bằng, phân lô sẵn để đợi khách đến mua. Theo tìm hiểu thực tế, giá một lô đất rộng 500m2 ở đây có giá chào bán khoảng 12-17 tỷ đồng.
Hàng ngày, nhiều đoàn xe hơi từ các tỉnh khác đổ về Phú Quốc “săn” đất.
Rất nhiều khu đồi đang bị đốt phá, chặt hết cây ăn trái lâu năm để lấy đất bán.
Những khu nhà được xây sẵn như thế này có giá không dưới 10 tỷ đồng/căn.
Nhiều lô đất đang được chủ sở hữu san lắp mặt bằng ở Bãi Dài. Giá bán ở khu vực này khá cao, do tập trung nhiều dự án nghỉ dưỡng, nhất là khu casino sắp đi vào hoạt động.
“Cò” Hưng cho biết tại Phú Quốc có thể nói là hoàn toàn không có cơ sở nào trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư tại Phú Quốc đang trong cơn say điên loạn vì đất. Người người mua đất với bất kỳ giá nào và không cần biết là đất này đang thuộc diện bị thanh tra! Đặc biệt, từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng chặt cây, phá rừng, làm đường để “làm sạch” đất chờ khách hàng đến xem diễn ra phổ biến.
“Cò” đặt chốt dọc các tuyến đường Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Khem… để săn khách hàng.
Muôn kiểu rao bán đất đai tại đảo ngọc Phú Quốc, mỗi góc cây, góc đường đều có thể là “chốt” giao dịch.
Cũng theo tiết lộ của anh Hưng, trên đảo Phú Quốc có 3 dạng “cò”. Thứ nhất là “cò” đánh nhanh rút nhanh, tức còn gọi là dạng lướt sóng. Các cò này “nhắm” được một lô đất nào đang rao bán, tới đặt cọc rồi nhận giấy tay có công chứng.
Dạng cò thứ 2 là những người có chút tiền, kêu gọi năm bảy anh em lập thành một nhóm. Các cò này thường là đang sở hữu số lượng đất hàng trăm hecta từ trước năm 2015, giờ thời cơ giá tốt đẩy hàng ra bán.
Một nhóm cò đất tại Mũi Ông Đội chìa cho chúng tôi xem giấy chứng nhận sở hữu và cho biết đang rao bán cả một hòn đảo rộng hơn 1 triệu m2.
Chuyện tranh chấp đất đai đang diễn ra hàng ngày trên đảo.
Đại gia đi xem đất bằng những chiếc xe sang trọng do các cò đất trên đảo đưa đi và luôn được phục vụ tận răng.
Một lô đất vườn rộng 25ha tại Bãi Trường đang được chủ sở hữu tự ý xây dựng đường giao thông nội bộ để chào mời khách mua.
Và, nhóm cò đất thứ 3 là các đại gia thật sự, có thâm niên kinh doanh địa ốc. Nhóm này cũng hoạt động tự do, nhưng khá chuyên nghiệp bởi có một người đứng đầu (gọi là boss) điều hành từ xa. Các nhà môi giới dạng này thường nắm trong tay hàng nghìn hecta đất từ 5-10 năm trước, giờ cũng tranh thủ bán kiếm lời, đồng thời cho “quân” đi thu gom đất để lướt.
“Nhóm cò đất này giờ đây chuyển sang hoạt động khá bí mật, nếu không nói là thường thực hiện nhiều giao dịch rất ngầm. Mỗi buổi sáng người đứng đầu nhóm sẽ có cuộc họp trực tuyến với nhiều thành viên, phân công nhiệm vụ cho từng nhóm nhỏ: từ nhóm 3-5 người chuyên đi săn khách hàng, quảng bá thông tin; lôi kéo khách hàng; đến nhóm “đi đêm” với cán bộ địa chính; túc trực tại các phòng công chứng để lo làm giấy tờ nhà đất…”, ông Hưng tiết lộ thêm.
Nhiều phòng công chứng ngay trung tâm thị trấn Dương Đông luôn chật kín người.
Khu vực cảng hành khách Dương Đông, nơi đang bùng phát cơn sốt đất mới khi có thông tin một đại gia địa ốc Singapore đang xin chủ trương đầu tư dự án cầu vượt biển nối Phú Quốc với thị xã Hà Tiên.
Nhiều “chốt” giao dịch lộ thiên, khi một khách hàng đồng ý mua đất, các cò sẽ đưa về một khách sạn được gọi là “tổng hành dinh” để thực hiện giao dịch, đặt cọc.
Cũng theo “cò” Hưng, cho dù Phú Quốc có trở thành đặc khu hay không thì nơi này vốn dĩ vẫn rất nóng về đất đai, do có nhiều lợi thế về du lịch và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Từ gần 10 năm nay, các cơn sốt đất liên tục diễn ra, nhưng từ khi có thông tin Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu, các nhóm môi giới nhà đất đã sở hữu nhiều lô đất từ trước đó giờ tiếp tục đẩy hàng ra với nhiều mức giá khác nhau.
Theo Trí thức trẻ